Mở cửa căn hầm lịch sử

Căn hầm trong khách sạn Metropole Hà Nội, nơi nhiều nhân vật nổi tiếng như diễn viên Jane Fonda, ca sĩ Joan Baez… từng trú ẩn khi Mỹ ném bom miền Bắc, được lưu giữ gần như nguyên vẹn.

Gần 40 năm kể từ khi chiến tranh kết thúc tại Việt Nam và gần một năm sau khi được tìm thấy, căn hầm trú ẩn trong khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội đang chuẩn bị mở cửa. Nhà sử học Andreas Augustin, Chủ tịch Tổ chức Các khách sạn nổi tiếng nhất thế giới, tác giả cuốn lịch sử khách sạn Metropole,  nhìn nhận: “Việt Nam nổi tiếng với các công trình trú ẩn dưới lòng đất như địa đạo Củ Chi, địa đạo Vịnh Mốc... Căn hầm - di tích lịch sử này mở cửa từ ngày 22-5 sẽ mở thêm một trang sách mới về câu chuyện chiến tranh ở Việt Nam”.

Giữ lại dấu ấn lịch sử

Đứng trước lối vào căn hầm được trùng tu như mới, ông Kai Speth, Tổng Giám đốc khách sạn Metropole, không giấu được  niềm vui và tự hào. Với ông, căn hầm trú ẩn trong một khách sạn 5 sao gắn với một thời gian khó của người dân Hà Nội và với những sự kiện lịch sử hơn 100 năm của Metropole thật hiếm có.

Tháng 8-2011, sau khi đào sâu hơn 2 m xuống lòng đất trong khách sạn Metropole và khoan qua trần bê tông cốt thép dày 278 mm, đội thi công phát hiện một hành lang ngập nước dẫn tới căn hầm ngầm kiên cố rộng 40 m2.
 

Trong đó, những đồ vật sót lại như các chai rượu, bóng đèn, nét khắc trên tường... vẫn còn nguyên. “Ý tưởng giữ lại căn hầm như một dấu ấn lịch sử đến với tôi và các đồng nghiệp rất nhanh và bất ngờ. Chúng tôi cùng thiết kế và suy nghĩ về việc làm sao để không hủy bỏ khung cảnh, quán bar, làm xáo trộn niềm vui của du khách mà vẫn lưu giữ được căn hầm gần như nguyên vẹn” - ông Speth tiết lộ.

Mở cửa căn hầm lịch sử


Ông Kai Speth, Tổng Giám đốc khách sạn Metropole, giới thiệu căn hầm trú ẩn
Mùa thu năm 2011, chủ nhân những nét khắc trên tường của căn hầm, lúc này đang là điều bí ẩn, xuất hiện. Ông Bob Devereaux, 78 tuổi, một nhà ngoại giao Úc từng làm việc tại Hà Nội, tình cờ đọc một bài báo viết về việc phát hiện căn hầm. Ông vội vàng liên lạc với khách sạn Metropole và khẳng định ông chính là người đã khắc tên mình trên bức tường căn hầm vào tháng 8-1975, dù không nhớ rõ vì sao đã làm vậy.
 

“Có thể lúc đó tôi đang ở trong căn hầm ngập nước, không điện đóm và không có việc gì để làm. Trong lúc mò mẫm chai rượu bị ngập trong nước, tôi đã tiện tay khắc tên mình lên bức tường đó. Tôi không nhớ căn hầm bị đóng lại khi nào bởi khi tôi rời Hà Nội năm 1976, nó vẫn mở cửa” - ông Devereaux hồi tưởng.

Theo tổng giám đốc Metropole, căn hầm được xây dựng khoảng năm 1965, khi Mỹ ném bom ác liệt miền Bắc. Có rất nhiều nhà ngoại giao, chính khách, nghệ sĩ nổi tiếng đến từ các nước đã xuống căn hầm này trú ẩn khi Mỹ ném bom phá hoại. Lúc ấy, Metropole là khách sạn sang trọng và đẹp nhất ở Hà Nội.

Phảng phất bóng dáng Jane Fonda

Ông Cao Xuân Nhã, cựu chuyên viên Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, năm nay đã gần 80 tuổi, là người có nhiều kỷ niệm khó quên với căn hầm trú ẩn trong khách sạn Metropole. Trong thời gian từ năm 1968 đến 1972, ông đã đưa gần 100 đoàn khách xuống căn hầm.

Kỷ niệm như trào dâng khi ông Nhã được mời tham quan căn hầm lúc vừa hoàn thiện. Ông bồi hồi xúc động, bước xuống căn hầm mà chân như muốn khụyu xuống. “Căn hầm đã được tân trang nhưng tôi vẫn thấy phảng phất bóng dáng Jane Fonda, nữ diễn viên điện ảnh Mỹ lừng danh. Cô ấy từng ngồi trong hầm chỗ tôi đang đứng đây…” - ông Nhã hồi tưởng.

Khoảng thời gian ấy, ông Nhã được phân công đưa khách - những trí thức, nghệ sĩ, nhà hoạt động xã hội… của nhiều nước trên thế giới đến Việt Nam để đồng cam cộng khổ với nhân dân ta -  nghỉ ở khách sạn. Hà Nội lúc đó mang hơi thở chiến tranh, không khí nóng bỏng, căng như dây đàn. Mỗi khi nghe vang lên giọng cô phát thanh viên: “Đồng bào chú ý, máy bay địch cách Hà Nội… cây số, đồng bào hãy nhanh chóng vào hầm trú ẩn”; thêm vào đó là tiếng còi báo động rú inh ỏi, ông Nhã vội đi từng phòng gõ cửa, mời khách xuống hầm trú ẩn. Căn hầm trong khách sạn Metropole chia thành 5 ngăn. Nhiều đêm máy bay Mỹ quần thảo ác liệt, một số khách hoảng sợ, không muốn ra khỏi hầm mà ngủ luôn ở đó.

Mở cửa căn hầm lịch sử
Ông Cao Xuân Nhã hồi tưởng về những vị khách nổi tiếng từng trú ẩn trong căn hầm ở khách sạn Metropole. Ảnh: MẠNH DUY
“Tôi từng đưa nữ diễn viên Jane Fonda xuống hầm nhiều lần” - ông Nhã khẳng định. Năm 1971, nữ minh tinh này đến Hà Nội một mình với bàn chân bị băng bó do tai nạn. Ông Nhã đã tận tình dắt tay cô từng bước leo xuống những bậc thang bằng sắt nhỏ xíu. Năm sau, Jane Fonda lại có mặt ở Việt Nam cùng chồng, nhà hoạt động chính trị - xã hội Tom Haydn và con trai để cổ vũ cho cuộc chiến tranh chính nghĩa của Việt Nam. “Lần này, cô cũng phải xuống hầm trú ẩn mấy bận nhưng đã mất đi cảm giác sợ hãi do tận mắt nhìn thấy cảnh tan hoang của Bệnh viện Bạch Mai vì bom Mỹ” – ông Nhã cho biết.
 

Cất tiếng hát trong hầm trú ẩn

Cuốn lịch sử khách sạn Metropole còn lưu lại cuộn băng của nữ ca sĩ nhạc đồng quê Joan Baez gọi điện về nhà cho con trai, kể lại cảnh mình phải trú ẩn trong căn hầm vào mùa đông khắc nghiệt năm 1972 khi máy bay B52 ném bom rải thảm xuống Hà Nội và các vùng lân cận. Với sự giúp sức của một tay guitar người Việt, bằng giọng ca trầm ấm, gợi cảm, nữ ca sĩ người Mỹ này đã cất lên tiếng hát ngay trong hầm trú ẩn, vừa như động viên vừa như nhắn nhủ mọi người hãy vững lòng.

Mở cửa căn hầm lịch sử
Cửa vào căn hầm trú ẩn ở khách sạn Metropole

Một nhân chứng sống khác, nhà báo truyền hình Philippines  Gemma Cruz Araneta, đã mô tả căn hầm một cách sống động và giản dị: “Nơi trú ẩn của khách sạn là căn phòng bê tông dài và hẹp, nơi mà tôi tưởng tượng có thể dựng thành một vũ trường sành điệu. Căn phòng có những chiếc ghế gỗ màu xanh lá cây xếp cạnh nhau. Dù không có điện, tôi vẫn nhìn thấy một chiếc quạt máy. Thật tình, người Việt Nam là những vị chủ nhà ân cần và chu đáo”.

Người đẹp đến từ Philippines từng đoạt giải hoa hậu quốc tế này cũng có nhiều kỷ niệm không thể quên về những đêm Hà Nội phải đối chọi với bom đạn Mỹ như một chứng nhân lịch sử: “Đêm 24-5-1968, vào lúc 12 giờ 30 phút, tôi thức giấc vì tiếng súng cao xạ từ xa vọng tới… 2 giờ 30 phút, còi rú lên báo động máy bay địch. Hầu hết khách lưu trú đã tập trung ở sảnh khách sạn để xuống hầm trú ẩn” - Gemma Cruz Araneta nhớ lại. 

Đón tiếp hàng trăm người nổi tiếng

Metropole là khách sạn sang trọng lâu đời nhất tại Hà Nội, đã tròn 100 tuổi vào ngày 6-4-2011. Nằm ở trung tâm thủ đô với một tòa nhà cổ kính mang đậm nét kiến trúc Pháp, suốt một thế kỷ qua, khách sạn này đã gắn bó với từng bước đi của Hà Nội.

Theo ông Augustin, lịch sử Metropole sẽ được tái hiện bằng các băng video chiếu dọc chiều dài 18 m hành lang của khách sạn, gồm những hình ảnh phục hồi từ những ngày đầu mở cửa, những dấu mốc thời gian, giới thiệu hơn 300 vị khách nổi tiếng đã từng nghỉ tại đây như vua hề Charlie Chaplin, minh tinh Jane Fonda, ca sĩ Joan Baez, ngôi sao Hollywood Angelina Jolie...

 

Bác tặng gậy cho 3 nhân sĩ Mỹ

Ông Cao Xuân Nhã cho biết suốt đời mình, có lẽ ông không thể nào quên chuyện Bác Hồ tặng gậy cho 3 nhân sĩ Mỹ để họ tiện đi xuống hầm trú ẩn trong khách sạn Metropole. Năm 1968, các nhân sĩ này sang thăm Việt Nam để ủng hộ cuộc đấu tranh của ta. Cả 3 người đều đã ở độ tuổi 80, đi lại khó khăn. Họ được Bác Hồ tiếp và nói chuyện thân mật. Thấy 3 nhân sĩ Mỹ tuổi đã cao mà lại phải xuống hầm trú ẩn, Người đã bảo Bộ Nội vụ đặt làm tặng họ 3 cây gậy gỗ tốt để chống đi cho an toàn.

Không thể kể hết sự xúc động của 3 nhân sĩ này khi nhận được món quà tuy nhỏ bé nhưng quý giá từ tay Hồ Chủ tịch.
 

Họ đã hứa với Người khi quay về nước sẽ làm hết sức để lên án cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam.

Theo Bích Diệp
Người lao động