Mở cơ chế để có thể kiện cả Kiểm toán nhà nước ra tòa
(Dân trí) - Bộ trưởng Tài chính than 10 vụ kiện cơ quan thuế thua cả 10, vì trách nhiệm hầu tòa đáng ra là của… Kiểm toán nhà nước. Trình sửa luật Kiểm toán nhà nước sáng nay, 11/3, Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc nhắc lại thông tin này, cho biết, sẽ mở đường cho việc các đơn vị được kiểm toán khiếu nại, kiện Kiểm toán nhà nước ra tòa.
Tổng Kiểm toán bị khiếu nại, ai là người giải quyết?
Phiên thảo luận về dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 diễn ra tại phiên họp sáng 11/3 của UB Thường vụ Quốc hội. Kiểm toán được trình sửa dù mới chỉ thực thi được 3 năm do có nhiều vấn đề mới phát sinh cần giải quyết.
Việc sửa luật cũng để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong công tác kiểm toán và thanh tra, kiểm tra, làm ảnh hưởng tới hoạt động của cơ quan, tổ chức liên quan..., ông Phớc cho biết.
Trình bày về những nội dung đề nghị sửa đổi, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đề cập, để tạo cơ sở pháp lý cho tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân (là đơn vị được kiểm toán hoặc tổ chức có liên quan) đều có quyền khiếu nại, kiến nghị về kết quả kiểm toán, cần sửa đổi lại điều 7 theo hướng bổ sung quyền kiến nghị, khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến việc sử dụng, quản lý tài chính công, tài sản công.
Mặt khác, để bảo đảm sư thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan khác, như: Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) chuẩn bị trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), Luật Tố tụng hành chính, đồng thời tạo điều kiện để nguời nộp thuế thực hiện quyền khiếu nại, khiếu kiện Kiểm toán Nhà nước theo quy định của pháp luât, kịp thời tháo gỡ, khắc phục những vướng mắc, khó khăn từ thực tiễn giải quyết khiếu nại, Kiểm toán nhà nước kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 6 điều 14 theo hướng thêm thẩm quyền của Tổng kiểm toán Nhà nước như việc niêm phong tài liệu, kiểm tra tài khoản, thu hồi tiền cho ngân sách… từ các cá nhân, đơn vị liên quan theo kết quả kiểm toán.
Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản thống nhất với việc bổ sung quy định này nhằm bao quát toàn diện quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Tuy nhiên, việc quy định “cơ quan, tổ chức cá nhân thực hiện quyền khiếu nại...” là mở quá rộng so với phạm vi được quyền khiếu nại, chưa chặt chẽ. Đề nghị quy định theo hướng “đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán...”.
Đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cũng cho rằng việc bổ sung quy định thẩm quyền của Kiểm toán Nhà nước trong xác minh, hồ sơ, tài liệu để làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng là không thực sự cần thiết. Vì khoản 2 điều 42 và điều 62 Luật Phòng chống tham nhũng đã quy định thẩm quyền, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong xác minh, làm rõ các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
Thảo luận thêm, trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đồng ý quy định quyền khiếu nại và khởi kiện ra tòa đối với các kết luận và báo cáo kiểm toán (hiện nay chưa có quy định).
“Nhưng luật cần quy định cụ thể, ví dụ khiếu nại cấp dưới của Tổng kiểm toán thì Tổng kiểm toán giải quyết, nhưng người ta khiếu nại chính Tổng kiểm toán thì ai giải quyết?” - bà Hải nêu vấn đề.
Liên quan đến việc này, tại phiên họp trước đó của UB Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng từng nêu thông tin về việc cơ quan thuế bị động trong những vụ kiện của cá nhân, doanh nghiệp, khiến “10 vụ kiện thì cơ quan thuế thua cả 10), có lý do là những vụ kiện xuất phát từ kết luận kiểm toán nhưng cơ quan thuế lại phải hầu tòa.
Kiểm toán nhà nước có vai trò gì trong vụ kiện của Unilever, Sabeco?
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc giải trình các vấn đề liên quan đến dự luật
Trao đổi về vấn đề nêu ra, Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc giải thích, trong 13 vụ kiện được Bộ trưởng Tài chính đề cập thì một vụ toà bác đơn kiện, một vụ kiểm toán kiến nghị cơ quan quản lý thuế kiểm tra, thanh tra xử lý theo quy định và kết quả thanh tra thuế khiến đơn vị được thanh tra không phục nên kiện thanh tra thuế. Còn lại 11 vụ còn lại thì Kiểm toán nhà nước kiểm toán tại cơ quan thuế, chứ không trực tiếp đối chiếu với doanh nghiệp, chỉ kiến nghị cơ quan thuế kiểm tra làm rõ, xử lý.
“Nghĩa là các bằng chứng của kiểm toán không phải từ doanh nghiệp, nên nói kết luận kiểm toán sai khiến doanh nghiệp kiện là hoàn toàn không đúng” – ông Hồ Đức Phớc nói và nhắc tới hai trường hợp cụ thể là vụ truy thu thuế tại Sabeco và Unilever.
Tại Unilever, kết luận đầu tiên của Kiểm toán nhà nước là đề nghị truy thu 882 tỷ đồng trên cơ sở kiểm tra hồ sơ tại cơ quan thuế. Sau đó làm việc với doanh nghiệp thì Unilever không cung cấp được bằng chứng và uỷ quyền cho công ty tư vấn quốc tế.
Kiểm toán Nhà nước đã mời các bên đến làm việc để đánh giá hồ sơ nhưng các bên không cung cấp được bằng chứng. Sau một thời gian rất dài, sau khi có ý kiến của UB Tài chính – Ngân sách của Quốc hội yêu cầu tiếp tục làm lại thì lúc đó doanh nghiệp cung cấp hồ sơ bổ sung.
“Ba bên xác nhận lại là 575 tỷ đồng, doanh nghiệp chấp nhận 316 tỷ và phần còn lại thì không cung cấp được bằng chứng” – ông Phớc cho biết.
Tại cuộc làm việc cuối cùng tại Kiểm toán nhà nước với sự tham gia của các bên thì bằng chứng hết sức rõ ràng. Ký nhận vào văn bản thì DN phải nộp 316 tỷ đồng, số còn lại bằng chứng chưa rõ ràng và tiếp tục làm rõ số này.
“Nói như vậy để thấy kết luận của kiểm toán phải tâm phục khẩu phục và minh bạch” – ông Hồ Đức Phớc khẳng định.
Còn về trường hợp Sabeco, theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, từ khi phát hiện hiện tượng chuyển giá của doanh nghiệp, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị và phối hợp với Thanh tra Chính phủ kiến nghị nộp 4.700 tỷ đồng và doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách đầy đủ. Số còn lại là tiền phạt chậm nộp mà cơ quan thuế chưa phạt và bị “treo” lại.
Khi Kiểm toán nhà nước vào kiểm toán (thời điểm đó chưa bán cho Thái Lan) thì phát hiện khoản chưa chia 2.700 tỷ đồng nên kiểm toán yêu cầu phải chia khoản này. Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông trước khi Sabeco được bán, cũng không đưa ra quyết định việc chia lại khoản lợi nhuận trước thuế này. Sau đó Bộ Công Thương có văn bản giải trình, cho rằng đây là khoản dự phòng đề phòng việc Tổng cục thuế ra quyết định phạt chậm nộp của Sabeco hay không. Nếu phạt chậm nộp thì lấy khoản này để nộp.
“Sau này bán Sabeco thì bán cả gốc cả ngọn, gồm cả khoản 2.700 tỷ đồng. Giờ mới sinh ra chuyện thực hiện kiến nghị kết luận Kiểm toán nhà nước và xử phạt Sabeco. Tóm lại, Kiểm toán nhà nước kết luận đúng và đầy đủ bằng chứng tại thời điểm kiểm toán chứ không có gì sai” – ông Hồ Đức Phớc nhấn mạnh và cho rằng cơ quan này kiểm tra tại cơ quan thuế, đánh giá một số hồ sơ, đơn vị nộp thuế có thực hiện đúng chức năng quyền hạn hay không, có để sót nguồn thu hay không để từ đó kiến nghị chấn chỉnh chứ không phải đến “đụng chạm” doanh nghiệp hay người nộp thuế.
P.Thảo