1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Mìn vẫn nổ trong hồ thuỷ điện Hoà Bình

Người lái thuyền máy trên sông Đà buông vút chiếc cần câu rồi hỏi chúng tôi đã thưởng thức món “cá mìn” chưa? “Cứ vào quán đặc sản ở thị trấn Hòa Bình, gặp món nào thịt nhũn xương rạn thì đích thị là cá mìn”- Người lái thuyền nói...

“Dê núi đá, cá sông Đà”- những tưởng sẽ được giới thiệu một món ăn đặc sản mới của lòng hồ, nhưng thật không ngờ lời giải thích chúng tôi nhận được lại là món cá sông Đà đánh bằng thuốc nổ.

 

Tận diệt nguồn cá

 

Theo lời kể của anh Hải-một thành viên của CLB câu cá thể thao Hà Nội thì  “cá sông Đà ở đoạn sông vòng ngắn cách đập thủy điện Hòa Bình vài ba cây số (thuộc địa bàn xã Thung Nai) nhiều vô kể và thơm ngon khác thường, trong đó phần lớn là cá trơn da, không vảy”.

 

Người lái thuyền máy cho biết thêm: “Trước đây ở khúc sông này còn có những loài cá quý hiếm như cá lăng và anh vũ, có con nặng tới nửa tạ, rêu mọc đầy mình, nom chúng di chuyển trong dòng nước như những tảng đá biết bơi”. “Chỉ là trước đây thôi, chứ dạo này tình trạng đánh cá bằng mìn đã làm cho những loại cá quý hiếm gần như cạn kiệt” - Anh Hải thở dài.

 

Đã nhiều lần các thành viên của CLB câu cá thể thao Hà Nội chạm mặt dân đánh cá bằng mìn, nhưng do phương tiện thô sơ, họ đành bất lực nhìn những chiếc thuyền máy được “vũ trang” bằng thuốc nổ ngang nhiên đe dọa bất cứ ai dám tranh giành nguồn lợi với bọn chúng...

 

Thuyền cập bến đầu kênh, chúng tôi tìm gặp ông Đinh Văn Diện, Chủ tịch HĐND xã Thái Thịnh.

 

Ông cho biết: “Những năm trước đây, vào mùa cá, lúc cao điểm có hàng chục thuyền đánh cá bằng mìn hoạt động trên sông Đà, nhiều khi bọn chúng nổ mìn chỉ cách đập thủy điện 500m, mỗi ngày ước tính có đến hàng tấn cá bị sát hại. Thậm chí, đã hình thành một đường dây đánh bắt cá bằng mìn từ cung ứng thuốc nổ đến tiêu thụ cá...”.

 

Tuy nhiên ông Diện cũng khẳng định rằng sau khi chính quyền địa phương tiến hành nhiều biện pháp kiên quyết, dân đánh cá bằng mìn không dám hoạt động ở vùng lòng hồ gần đập thủy điện thuộc địa bàn xã Thái Thịnh, mà dạt lên khúc sông phía trên thuộc địa bàn các xã Thung Nai, xã Bình Thanh (Cao Phong), xã Bầy Nưa, xã Hiền Lương (huyện Đà Bắc), xã Ngoài Hoa (huyện Tân Lạc)....

 

Bắt đã khó, xử lý càng khó

 

Trên đường vào xã vùng sâu miền núi Thung Nai, chúng tôi được đón tiếp bằng những tiếng “ầm, ầm, ục, ục” vang lên từ khúc sông bao quanh xã.  Leo lên ngọn đồi gần đó chúng tôi thực mục sở thị hai chiếc thuyền máy đang thu hồi “chiến lợi phẩm” bằng cách vợt số cá chết do sức ép của mìn nổi lềnh bềnh. Phát hiện thấy người lạ, lập tức hai chiếc thuyền nổ máy xuôi về phía đập thủy điện Hòa Bình như những thuyền máy du lịch bình thường khác!

 

Trước sự hoành hành của dân đánh cá bằng mìn, tổ ngành ngư xã Thung Nai với 9 thành viên được thành lập vào đầu năm nay với mục đích giành lại sự bình yên cho sông Đà. Ông Bùi Văn Hành, công an viên kiêm Tổ trưởng tổ ngành ngư, thở dài: “Xót xa lắm khi hàng ngày phải lắng nghe tiếng mìn trên sông”.

 

Trước những diễn biến phức tạp của tình trạng nổ mìn đánh cá hồ thủy điện Hòa Bình, không những gây tác hại cho môi trường sông Đà mà còn ảnh hưởng đến sự an toàn của đập thủy điện Hòa Bình, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an và chính quyền địa phương chỉ đạo, ngăn chặn, điều tra, xử lý nghiêm việc đánh bắt cá bằng mìn trong lòng hồ.

 

Ngay sau đó, UBND tỉnh Hòa Bình đã ra Công văn số 724 về việc nghiêm cấm dùng chất nổ, xung điện khai thác thủy sản trong vùng lòng hồ.

 

Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Minh cho biết: Lực lượng công an đã lập chuyên án phá một đường dây chuyên cung cấp thuốc nổ, bắt một số đối tượng có liên quan tại thị xã Hòa Bình, hiện vụ án đang được mở rộng điều tra.

“Thuốc nổ được bọn chúng nhồi vào ống bơ hoặc ống nứa, mỗi quả mìn to bằng quả trứng gà, với một đoạn dây cháy chậm không thấm nước. Bọn chúng thường đi thành nhóm 3 người, trên thuyền chứa một rổ mìn khoảng 15 đến 20...quả, đi đến đâu nhìn thấy luồng cá là bọn chúng châm ngòi cháy chậm rồi tung mìn xuống nước. Bọn này rất liều lĩnh, chúng sẵn sàng tung mìn vào thuyền máy của chúng tôi rồi bỏ chạy, nên khó mà bắt quả tang. Thông thường khi phát hiện thấy bọn chúng, chúng tôi phải huy động rất nhiều thuyền để bao vây. Hoặc tìm cách mật phục, khống chế bọn chúng khi lên bờ” – Ông Hành nói.

 

Vào sâu trong địa bàn xã Thung Nai là đến “điểm nóng” - khúc sông giáp ranh giữa hai xã Thung Nai và Bầy Nưa, mà người dân địa phương thường gọi là khu ngoài Nhòng Chái. Nơi đây chính là tụ điểm của nạn đánh cá mìn.

 

Trong vai khách du lịch, chúng tôi tiếp cận một thuyền máy được “chỉ điểm” là dân đánh cá bằng mìn. Lại gần hỏi xin lửa châm thuốc lá, chúng tôi khá bất ngờ khi trên thuyền lại là một đôi vợ chồng ngư dân nói giọng miền Trung với vẻ lam lũ, chất phác hiện rõ trên gương mặt.

 

Người đàn ông trao cho chúng tôi chiếc bật lửa Trung Quốc cũ mèm rồi thật thà: “Dạo này phải dạt lên trên này mần ăn, hồi trước đánh ở dưới kia chừng vài lạng thuốc là cá nổi đặc nước”! Dường như cảm nhận được vẻ ái ngại của chúng tôi, người đàn bà phân trần: “Làm gì cũng vì kiếm cơm thôi các chú, ở nhà chúng tôi còn mấy đứa con nheo nhóc lắm”.

 

Tiễn chúng tôi ra về, ông Nhàn và ông Hoành than thở: “Bắt quả tang được dân đánh cá bằng mìn đã khó, xử lý như thế nào lại càng khó. Mới đây, các đối tượng như Xa Văn Hiệu và con trai (trú tại xóm Xăng Trệch, xã Bầy Nưa), và 5 đối tượng trú tại bản Vạn (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La)..., đã bị chúng tôi bắt quả tang, nhưng cũng chỉ thu giữ tang vật báo cáo Công an huyện, rồi trục xuất họ ra khỏi địa phương, chứ không biết làm gì hơn. Vậy nên, có khi bắt được hôm trước thì hôm sau đã thấy họ lảng vảng trong vùng lòng hồ. Và những tiếng nổ lại vẫn vang lên đau xót...”.

 

 Theo Võ Văn Thành - Phong Cầm

Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm