1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Miếu cô hồn có khả năng cầu tự con trai?

Không gian châu thổ sông Hồng luôn có những cây gạo bên cạnh cái miếu nhỏ bên đường. Đây được coi là nơi cư ngụ của những linh hồn phiêu dạt mà dân gian hay gọi là “ma cây gạo”.


Cây gạo toát lên vẻ cô độc, ma quái bên cạnh miếu cô hồn.

Cây gạo toát lên vẻ cô độc, ma quái bên cạnh miếu cô hồn.

Hoa gạo rất đẹp nhưng có thứ gì đó rất ma quái, có nghĩa chúng ta chỉ chiêm ngưỡng được nó một màu máu đỏ, cô độc, hoang vắng nhưng không chạm được vào nó…

Miếu cô hồn ở thôn Mãn Xoan

Cây gạo ma quái kia chính là nguồn cơn khiến anh bạn đồng nghiệp của tôi đột ngột dừng xe. Chỉ tay về phía bên kia đường, anh bảo: “Anh chưa thấy cây gạo nào như thế. Trông nó cô độc và ma quái quá em ạ”. Không biết anh có ý định “nhát ma” tôi không, nhưng nghe anh nói tôi cũng rùng mình, sởn cả gai ốc.

Quả như anh nói, giữa trưa ban ngày nhưng cây gạo chỉ toát lên độc một màu đen trơ trụi. Cây cao, to, đứng lẻ loi một mình giữa cánh đồng vắng vẻ mông quạnh. Phía dưới gốc vẫn còn sót lại những chân nhang mà người ta đã thắp tự bao giờ. Cành gạo khẳng khiu, trơ trụi, nửa như vẫy gọi, nửa như đùa cợt, lúc lại gợi cho người ta cái cảm giác như đang đứng rũ rượi than khóc cho các linh hồn hài nhi xấu số.

“Cây gạo này có từ lâu đời lắm rồi. Trước người ta còn thấy cả con người, con rắn lại biến mất vào trong thân cây. Khiếp lắm”, một người dân thôn Mãn Xoan (xã Kim Đường, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) sợ hãi kể lại cho chúng tôi biết.

Kế bên cây gạo là một cái miếu nhỏ. Thời gian đã phủ lên mình ngôi miếu những mảng rêu xanh rì. Ông Đặng Đình Khiêm, người trông miếu, năm nay đã 83 tuổi kể cho chúng tôi hay: “Ngôi miếu này có từ lâu lắm rồi. Năm nay tôi 83 tuổi rồi, trước đó bốn đời của các cụ nhà tôi, người ta đã xây miếu này rồi. Miếu này có tên là Bách Thiên Nhân, nhưng người ta quen gọi là miếu cô hồn. Vì nơi đây là nơi chôn cất thi thể của những người già và những hài nhi xấu số”.

Ông từ Đặng Đình Khiêm cho rằng ngôi miếu có khả năng cầu tự, đây cũng là địa điểm được người trong vùng đồn thổi với không ít chuyện liêu trai.
Ông từ Đặng Đình Khiêm cho rằng ngôi miếu có khả năng cầu tự, đây cũng là địa điểm được người trong vùng đồn thổi với không ít chuyện liêu trai.

Theo như lời ông từ này nói, nơi này trước đây thuộc vùng chiêm trũng, cứ đến mùa mưa bão là nước lũ ngập trắng xóa cả cánh đồng. Lạ kỳ thay, xung quanh ngập úng là thế, nhưng gò đất xây miếu bấy giờ lúc nào cũng khô ráo, sạch sẽ, nước lũ không khi nào bò tới được. Lúc này, một số cụ già trong làng tuổi cao không trụ được đã qua đời. Không còn cách nào khác, người ta đành phải mang xác ra đây chôn cất.

Cũng theo lời ông từ Đặng Đình Khiêm, ngoài chôn cất người già, gò miếu còn chôn cất cả những hài nhi xấu số. “Những người phụ nữ nào sinh con ra nhưng không may đứa trẻ đó không sống được thì cũng đem chôn ở đây. Nhưng xác hài nhi đó phải là những xác hài nhi được mang thai đủ tháng, đủ ngày. Còn như những xác hài nhi chưa thành hình đã bị người mẹ tước đoạt quyền sống bằng cách nạo, phá thai ở bệnh viện thì không được chôn ở đây”, ông từ khẳng định.

Khi được hỏi đã có bao nhiêu sinh linh bé bỏng được chôn cất ở đây, người trông miếu chỉ biết lắc đầu: “Ôi nhiều lắm, không thể nào nhớ hết mà đếm được. Đến thời tôi, mãi mấy năm trở lại đây người ta quy hoạch riêng khu nghĩa trang cách đây chừng một cây số thì người dân mới đem xác cụ già ra đó chôn. Còn như xác những hài nhi xấu số thì vẫn được chôn ở đây”.

Cũng lạ kỳ thay, miếu cô hồn là nơi chôn cất những vong linh hài nhi xấu số nhưng tuyệt nhiên không ai nghe thấy một tiếng trẻ con nào. Ở cách đó một đoạn có ngôi chùa thờ Phật, thì cứ đêm đến và lúc sáng sớm, người dân xung quanh lại nghe văng vẳng tiếng trẻ con kêu khóc ai oán. Chẳng thế mà vào những giờ đó, tuyệt nhiên không một ai dám bước chân ra khỏi nhà.

Có khả năng cầu tự?

Mỗi tháng hai lần, ngày rằm và mồng một, ông từ Đặng Đình Khiêm lại ra thắp hương, dọn dẹp. Nhờ bàn tay chăm sóc của ông cụ mà ngôi miếu lúc nào trông cũng sạch sẽ. Trái ngược với cảnh cô độc, già nua đầy ma quái của cây gạo là hình ảnh ngôi miếu với cảnh muôn hoa đua nở, cây cối mọc xanh rì xung quanh. Trên những bậc thang bước xuống miếu, hoa nở đỏ thắm như đang bước vào cổng một căn biệt thự nào đó ở Đà Lạt.

Và theo như lời ông từ, những linh hồn hài nhi kia thật đáng thương khi không được làm người. Và ông Đặng Đình Khiêm muốn trang hoàng ngôi miếu, cũng chính là ngôi nhà của chúng thật đẹp để chúng không thấy tủi thân.

Trên những bậc thang bước xuống miếu, hoa nở đỏ thắm khiến khách vãng lai có cảm giác như đang bước vào cổng một căn biệt thự nào đó ở Đà Lạt.
Trên những bậc thang bước xuống miếu, hoa nở đỏ thắm khiến khách vãng lai có cảm giác như đang bước vào cổng một căn biệt thự nào đó ở Đà Lạt.

Ngôi miếu rất nhỏ, chỉ rộng chừng 5-7m2 , đủ xây một ban thờ để bát hương thờ Phật. Khác nhiều nơi, ở đây người xưa đã cố ý xây làm ba bậc ở lối dẫn lên ban thờ. Ngụ ý là để cho linh hồn hài nhi có chỗ nhảy nhót, vui chơi. “Ngày xưa các cụ tâm niệm “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, những linh hồn hài nhi này dẫu sao cũng là trẻ con đang trong tuổi nghịch, tuổi chơi nên các cụ đã cố ý xây làm ba bậc cho chúng có chỗ mà nhảy nhót lên xuống để vui chơi. Khi chúng nhảy lên bậc thứ nhất, chúng được nhảy thêm lên bậc thứ hai, đến bậc thứ ba là đặt bát hương thờ Phật chúng không dám nhảy nữa mà phải quay xuống” - ông từ Đặng Đình Khiêm lý giải.

Cũng vì đây là nơi chôn cất những sinh linh hài nhi xấu số, nên những bà mẹ hiếm con cũng tìm đến đây để xin cầu tự. Theo lời kể của người trông miếu, trong suốt 10 năm trông giữ ông đã viết sớ cầu tự giúp cho 11 người phụ nữ. Trong số 11 người ấy thì 10 người đã có con, chỉ còn 1 người chưa có vẫn đang tiếp tục nhờ xin.

Đặc biệt, trong số 10 người đã có con kia thì có đến 9 người đã cầu xin được con trai. Bước đi chậm rãi, ông Đặng Đình Khiêm mang cuốn sổ đã ngả màu ra xem lại. Đây là cuốn sổ ghi chép về thông tin những người đã đến xin làm lễ cầu tự.

Ông cụ kể tiếp: “Trong số những người đến xin cầu tự, có chị làm nghề dạy học ở Hà Đông. Chị này hiếm muộn đã hai năm, nghe người ta mách về miếu Bách Thiên Nhân này nên đến nhờ tôi viết sớ xin thử. May mắn sao ứng nghiệm luôn. Tháng 7 đến xin thì tháng 8 đã đậu thai rồi sinh ra một thằng con trai. Vui quá, chị ta quay lại làm lễ tạ ơn, đồng thời còn biếu tôi một chiếc quạt điện. Đến giờ chiếc quạt ấy vẫn còn chạy tốt”.

Ngoài việc có khả năng cầu tự, miếu cô hồn cũng nhiều phen khiến người dân khiếp vía. Số là có một chị quê ở Bình Lục, Hà Nam lấy chồng ở thôn Mãn Xoan. Khi con lớn đến tuổi dựng vợ, gả chồng, chị này cất tiếng mời người chị gái của mình ở quê ra chung vui với cháu. Người chị gái đi đường mệt, đến gần nhà em gái nhưng chưa vội vào ngay mà muốn nghỉ ngơi sửa soạn cho tươm tất.

Thấy cái miếu nhỏ bên đường, chị ta liền ghé vào ngồi nghỉ. Chị này cũng vô tư, ngồi nghỉ quay mặt ra ngoài, mông hướng vào trong ban thờ. Đến lúc ngồi dậy, đột nhiên chị thấy xây xẩm mặt mày, phải lết mãi mới tới được nhà em gái rồi gục ốm luôn từ đó. Người em gái lo lắng, gặng hỏi mãi mới hay sự việc, vội vã bảo chị sửa soạn lễ vật rồi đến miếu cầu xin tha tội. Lúc bấy giờ người chị mới hết mệt mỏi, đau ốm.

Ngoài những câu chuyện trên, còn rất nhiều câu chuyện liêu trai mà người viết không tiện kể ra. Cũng như quan điểm của lãnh đạo địa phương, những câu chuyện trên chỉ là sản phẩm tưởng tượng của một số người, người dân không nên tin vào rồi ảnh hưởng đến cuộc sống của mình và những người xung quanh.

Theo Mai Hiền - Tuấn Ngọc

Pháp luật Việt Nam