1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Miền Trung sắp hứng chịu mưa đặc biệt lớn

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong những ngày đầu tháng 11, không khí lạnh kết hợp với nhiễu động đới gió Đông, gây mưa rất lớn kéo dài ở miền Trung.

Chiều 31/10, thông tin về tình hình thời tiết nước ta trong những ngày tới, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong 10 ngày đầu tháng 11, có nhiều loại hình thời tiết nguy hiểm ảnh hưởng đến nước ta.

Thứ nhất, theo ông Khiêm, ở vùng biển phía Nam Biển Đông có khả năng hình thành vùng xoáy thấp gây ra tình trạng mưa dông và nguy cơ gió giật mạnh trên khu vực giữa và Nam của Biển Đông.

Bên cạnh đó, cũng không loại trừ trường hợp vùng xoáy thuận có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới làm gia tăng tình trạng thời tiết xấu ở khu vực giữa và Nam của Biển Đông.

Thứ hai, trong những ngày tới nước ta còn chịu ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, đáng kể nhất là đợt không khí lạnh tăng cường vào giai đoạn từ ngày 4 đến 7/11 với cường độ mạnh.

Ông Khiêm cho rằng đợt không khí lạnh tăng cường này sẽ khiến khu vực Bắc và giữa của Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển tăng cao 2-4m, biển động mạnh.

Ông lưu ý, trên đất liền từ đêm 3 đến ngày 10/11, khu vực Trung Bộ có thể chịu ảnh hưởng tổ hợp của một số hình thái thời tiết xấu gây mưa lớn gồm: Vùng xoáy thấp ở Nam và giữa Biển Đông; ảnh hưởng của không khí lạnh liên tục được tăng cường cộng với đới gió Đông hoạt động mạnh trên độ cao 1.500-5.000m.

Đây là một hình thái thời tiết gây mưa đặc biệt lớn điển hình ở các tỉnh miền Trung, theo ông Khiêm.

"Chúng tôi dự báo đây là đợt mưa lớn trên diện rộng, đặc biệt là các trận mưa cường suất lớn, gây ra lũ lớn trên báo động 3 ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ, ngập úng diện rộng, lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực vùng núi", ông Khiêm nói.

Miền Trung sắp hứng chịu mưa đặc biệt lớn - 1

Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường tại TPHCM ngập sâu trong biển nước (Ảnh: Nam Anh).

Vùng mưa lớn không chỉ tập trung ở các tỉnh đã có mưa rất lớn trong những ngày qua (Hà Tĩnh đến Đà Nẵng), mà còn mở rộng ra phần phía Nam, cụ thể là các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên.

Ông Khiêm dự báo, sau ngày 10/11 mưa lớn ở miền Trung còn có diễn biến phức tạp với khả năng xuất hiện 2-3 đợt mưa lớn. Trong đó, nửa đầu tháng 11 tập trung nhiều ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, nửa cuối tháng 11 và đầu tháng 12 tập trung nhiều ở các tỉnh từ Quảng Bình trở vào đến Phú Yên.

Ngoài ra, theo tính toán với tác động của không khí lạnh và nhiễu gió Đông cũng ảnh hưởng mạnh đến thời tiết của các tỉnh miền Bắc, khiến cho khu vực Bắc Bộ từ đêm 4/11 trở đi có thể xảy ra đợt rét đầu tiên của mùa Đông năm 2024-2025.

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia lưu ý, đối với thời tiết biển là tình trạng thời tiết xấu, mưa dông gió mạnh, sóng cao, gây nguy hiểm cho tàu thuyền.

"Vì vậy, người dân cần lưu ý cảnh báo các nguy hiểm đối với các tàu thuyền, khu vực có lồng bè nuôi trồng thủy sản và công trình ven biển", ông Khiêm khuyến cáo.

Trên đất liền đáng ngại nhất là tình trạng mưa lũ ở miền Trung. Các tỉnh Trung Bộ giai đoạn từ ngày 26 đến 30/10, đã xảy ra mưa rất lớn, các hồ đã tích thêm nước, đất đã bão hòa.

Do đó, ông Khiêm cảnh báo nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn, nguy cơ đặc biệt cao về tình trạng lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng ở các tỉnh miền Trung và kèm theo đó là tình trạng ngập úng diện rộng có khả năng xuất hiện.

Ngoài ra, trong bối cảnh mưa lũ diễn biến phức tạp, việc đảm bảo an toàn của các hồ thủy điện, hồ thủy lợi cũng là mối quan tâm lớn đối với chính quyền địa phương và người dân.

Ông kiến nghị các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương cần thường xuyên cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai được cung cấp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Khí tượng Thủy văn tại địa chỉ: http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn//

Đồng thời, cần hướng dẫn các lực lượng xung kích phòng chống thiên tai rà soát các điểm xung yếu lũ quét và sạt lở, tắc nghẽn dòng chảy trên sông, suối để kịp thời phòng tránh, ứng phó,...