Miền Trung "lên dây cót" ứng phó áp thấp nhiệt đới sắp mạnh thành bão
(Dân trí) - Trước những diễn biến của áp thấp nhiệt đới được dự báo sắp mạnh lên thành bão trên Biển Đông, các tỉnh, thành miền Trung đã chủ động triển khai công tác ứng phó.
Chủ động di dời dân vùng nguy hiểm
Nhằm ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) được dự báo đang mạnh lên thành bão số 4, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công điện đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển, biết, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, về nơi tránh trú.
Các đơn vị, địa phương rà soát, hoàn thiện kịch bản ứng phó với ATNĐ, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở, lũ quét, tập trung đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản. Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, nhất là các khu vực trọng điểm, xung yếu.
Sáng 18/9, tại Thanh Hóa trời nắng ráo. Thông tin từ Đài khí tượng thủy văn Thanh Hóa, từ đêm 18/9 đến ngày 21/9, địa phương này sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa có nơi trên 300mm.
Mưa lớn tập trung vào ngày 19 và 20/9, có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Tại Nghệ An, lãnh đạo tỉnh này đã yêu cầu các địa phương chủ động di dời dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Sáng 18/9, Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN&PTDS) tỉnh Nghệ An, cho biết, dự báo 18-22/9, địa phương này có khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn diện rộng.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng có thể xảy ra, tỉnh Nghệ An yêu cầu đơn vị, địa phương liên quan rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu.
Nghiêm cấm người dân đánh bắt cá, vớt củi… trên sông, suối khi có mưa lũ hoặc di chuyển vào vùng ngập lũ, hạ du các hồ đập; có phương án đảm bảo an toàn cho các đối tượng dễ bị tổn thương tại các khu vực bị ngập lụt.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, tối 17 và sáng 18/9, tại nhiều địa phương của tỉnh Hà Tĩnh như Can Lộc, Thạch Hà, thị xã Kỳ Anh và thành phố Hà Tĩnh có mưa rào và dông rải rác, nhiều nơi mưa vừa, cục bộ mưa to.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh này vừa ký ban hành công điện khẩn, trong đó, yêu cầu Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động chi viện cho các địa phương trong việc sơ tán dân, ứng phó bảo vệ đê điều, hồ đập và công trình xung yếu, đảm bảo an ninh trật tự và chủ động triển khai phương án ứng phó với thiên tai.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã được giao theo dõi chặt chẽ diễn biến ATNĐ để chủ động ứng phó.
Các địa phương được yêu cầu tổ chức cắt tỉa cành cây; chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển, các công trình cột tháp cao.
Nhiều địa phương cấm biển
Do ảnh hưởng của ATNĐ, từ đêm 17, rạng sáng 18/9, tại Quảng Bình đã có mưa dông. Chính quyền, các ngành, đơn vị, địa phương và người dân Quảng Bình đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó mưa bão.
Người dân chủ động chặt tỉa các cây xanh lớn, tránh gãy đổ, gia cố mái nhà; tại các âu thuyền ngư dân đang chằng néo tàu, thuyền để tránh va đập trong thời tiết sóng to, gió lớn.
Lực lượng biên phòng Quảng Bình đã thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để không đi vào hoặc thoát ra khu vực nguy hiểm; về nơi tránh trú an toàn.
Quảng Bình sẽ cấm biển từ 0h ngày 19/9 cho đến khi biển an toàn, không còn cảnh báo rủi ro thiên tai theo dự báo, cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia.
Các địa phương tại Quảng Bình đang khẩn trương kiểm tra những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, nhà yếu trước gió bão; sẵn sàng các phương án để ứng phó với bão, mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi cần thiết.
Quảng Ngãi cũng đã cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động từ 12h ngày 18/9 cho đến khi thời tiết ổn định.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương hướng dẫn, kêu gọi các chủ lồng, bè nuôi trồng thủy sản trên sông, biển khẩn trương di chuyển đến nơi an toàn; hướng dẫn, hỗ trợ người dân gia cố nhà ở để đảm bảo an toàn khi có thiên tai xảy ra; khẩn trương tổ chức chặt tỉa các cành cây có nguy cơ gãy, đổ.
Bố trí lực lượng canh gác 24/24h, cắm biển cảnh báo và quyết liệt trong việc ngăn cấm người dân đi lại qua các khu vực nguy hiểm khi chính quyền đã cắm biển cảnh báo, ngăn cấm; tạm dừng hoạt động các đò ngang, không để người dân đánh cá, vớt củi trên sông trong thời gian có mưa, lũ.
Tại Quảng Nam, từ rạng sáng 18/9 có mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được tại một số địa phương lên đến hơn 250mm.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam, tính đến 5h ngày 18/9, toàn tỉnh có 206 tàu/1.942 lao động đang hoạt động trên biển.
Trong đó, 144 tàu hoạt động vùng lộng với 761 lao động, 25 tàu hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa với 176 lao động, 37 tàu hoạt động vùng biển Trường Sa với 1.005 lao động.
Lực lượng biên phòng đã thông báo kêu gọi các phương tiện đang hoạt động khu vực có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp của ATNĐ vào bờ tránh trú; trong ngày 18/9 sẽ vào cảng An Hòa, huyện Núi Thành (Quảng Nam).
Tại Bình Định, theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh này, hiện có 7 tàu cá nằm trong vùng ảnh hưởng của ATNĐ (vùng nguy hiểm từ vĩ tuyến 15-19 độ bắc, phía đông kinh tuyến 112,5 độ nam).
Cơ quan chức năng tại Bình Định đã thông báo, kêu gọi các tàu, thuyền đánh bắt trên biển tìm nơi tránh trú, di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Đến nay, 159 phường, xã, thị trấn thuộc 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Định đã chuẩn bị các phương án phòng, chống thiên tai, trong đó tỉnh đề nghị các địa phương chuẩn bị tốt phương án 4 tại chỗ.
Xuất hiện nhiều điểm sạt lở trước áp thấp nhiệt đới
Để chủ động ứng phó trước khi mưa lũ xảy ra, tỉnh Thừa Thiên Huế rà soát, cập nhật cảnh báo các vị trí có nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, trượt lở, sụt lún đất đá đồi núi, sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn.
Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS Thừa Thiên Huế, toàn tỉnh hiện có 1.884 phương tiện thuyền, với 10.685 lao động. Đến sáng 18/9, còn 1 tàu hoạt động trên biển, với 9 lao động. Chủ thuyền đã nhận được thông tin cảnh báo, dự kiến 11h cùng ngày sẽ về nơi neo đậu an toàn.
Hiện có 2 tàu hàng với 15 thuyền viên neo đậu tại cảng Thuận An, 19 phương tiện tàu hàng (15 tàu Việt Nam, 4 nước ngoài) với 175 thuyền viên chở theo 759 Container thiết bị neo đậu tại cảng Chân Mây.
Ngoài ra có 23 phương tiện tàu thuyền ngoài tỉnh, với 194 lao động neo đậu tại các khu vực ven bờ tỉnh Thừa Thiên Huế. Lực lượng Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế tiếp tục phát thông tin, thông báo cho các phương tiện trên biển nắm diễn biến ATNĐ.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS Thừa Thiên Huế cũng phát đi công điện hỏa tốc của Chủ tịch UBND tỉnh này về việc chủ động ứng phó với ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão.
Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã cập nhật cảnh báo các vị trí có nguy cơ lũ quét, trượt lở đất vùng đồi núi, các tuyến giao thông; sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn.
Các vị trí có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, trượt lở đất vùng đồi núi, các tuyến giao thông; sạt lở bờ sông, bờ biển tập trung tại địa bàn huyện Phong Điền, A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Phú Vang, các thị xã Hương Thủy, Hương Trà và TP Huế.
Sở Công Thương cảnh báo nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá tại 13 công trình thủy điện trên địa bàn, đặc biệt tại khu vực A Lin - Rào Trăng.
Tại TP Đà Nẵng, ghi nhận của phóng viên Dân trí, tối 17/9 đến sáng sớm 18/9, do ảnh hưởng của ATNĐ, địa phương này có mưa lớn, một số tuyến đường như: Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Hải Phòng bị ngập.
Đường ngập khiến tình hình giao thông tại nhiều tuyến đường hết sức khó khăn, người đi xe máy lách qua từng khe hẹp giữa các ô tô để thoát khỏi đoạn đường ngập, tắc.
Dự báo từ đêm nay 18/9 đến 20/9, trên địa bàn TP Đà Nẵng sẽ có đợt mưa vừa, có nơi mưa to, mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 80-150mm, có nơi trên 200mm.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 22h ngày 17/9, vị trí tâm ATNĐ vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 115,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 410km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 25-30km/h.
Đến đêm 18/9, hình thái trên mạnh lên thành bão số 4 ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10; di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 20km/h.
Ngày 19/9, bão số 4 cách đất liền các tỉnh Quảng Bình đến Đà Nẵng khoảng 160km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km.
Trong 24 giờ tới, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, sóng biển cao 2-4m; vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10 (89-102km/h), sóng biển cao 3-5m, biển động rất mạnh.