1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Miền Trung đương đầu với dịch bệnh nguy hiểm

(Dân trí) - Dịch lợn tai xanh đang bùng phát dữ dội ở miền Trung và bệnh liên cầu lợn gây chết người có mối liên hệ với nhau. Đáng lo ngại là vi khuẩn liên cầu lợn có khả năng lây nhiễm sang người và cả các loại gia súc, vật nuôi khác như chó, mèo, trâu, bò, ngựa...

Nhiều người mắc bệnh từ lợn

 

Tại cuộc họp giao ban của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) diễn ra chiều qua (24/7), Bộ trưởng Cao Đức Phát bày tỏ nỗi lo lắng về sự bùng phát dịch bệnh lợn tai xanh ở miền Trung. Tính đến nay, dịch đã phát tại 76 xã thuộc 3 tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ngãi với hơn 27.000 lợn nhiễm bệnh.

 

Viện trưởng Viện Thú y Trương Văn Dung cho biết: Các phân tích ban đầu cho thấy có sự liên hệ giữa bệnh lợn tai xanh với bệnh liên cầu lợn. Đáng lo ngại là vi khuẩn liên cầu lớn có khả năng lây nhiễm sang người và cả các loại gia súc, vật nuôi khác khiến nguy cơ lây bệnh liên cầu khuẩn cho người ở các tỉnh miền Trung là rất cao.

 

Qua theo dõi các bệnh nhân nhập viện do nhiễm liên cầu khuẩn tại Viện Các bệnh Nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia, ông Dung khẳng định đa số các ca nhiễm bệnh đều do tiếp xúc trực tiếp hoặc có ăn tiết canh lợn hay thịt lợn bệnh.

 

Đại diện Cục Y tế dự phòng xác nhận: Ngoài 22 người nhiễm liên cầu lợn được phát hiện ở miền Bắc đã xuất viện, lại có thêm 2 trường hợp nghi nhiễm ở Thừa Thiên Huế và đang được điều trị tại bệnh viện. Cả hai đều ăn thịt lợn bệnh.

 

Theo Thông tấn xã Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh đã có trường hợp đầu tiên bị nhiễm bệnh liên cầu khuẩn ở lợn, hiện đang được điều trị tại Viện Các bệnh Nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia.

 

“Người tiêu dùng tuyệt đối không được ăn tiết canh từ lợn. Không mua thịt khi thấy các hiện tượng lạ. Những người trực tiếp giết mổ gia súc phải đeo găng tay bảo vệ đề phòng liên cầu lợn lây lan xâm nhập qua các vết xước, vết thương trên da” - Ông Dung cảnh báo.

 

Được biết, Viện Thú y đã phối hợp với Viện Các bệnh Nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia ở cả miền Nam, miền Bắc nhằm đưa ra kết luận: Chủng phân lập từ người và từ lợn có là một? Cùng đó sẽ nghiên cứu, sản xuất autovăcxin cho lợn, đề phòng bệnh liên cầu khuẩn.

 

Tập trung đối phó với dịch

 

* Cũng trong chiều qua, đại diện Bộ Công an cho biết: Đã phát hiện một cán bộ thú y ở thị xã Cao Lãnh, Đồng Tháp, có hành vi bán 1.000 giấy chứng nhận khống kiểm dịch thú y cho những người buôn bán gia súc trên địa bàn.

 

* Trong khi dịch trên gia súc bùng phát thì cúm gia cầm có chiều hướng lắng dịu. Hiện chỉ còn 4 tỉnh chưa khống chế được dịch là Điện Biên, Đồng Tháp, Quảng Bình và Ninh Bình, trong đó Điện Biên là tỉnh có số gia cầm chết vì dịch nhiều nhất.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã yêu cầu ngành thú y tỉnh Quảng Ngãi và Đà Nẵng tiêu huỷ toàn bộ số lợn bệnh, tránh để dịch lan rộng.

 

Đối với tỉnh Quảng Nam, vì không thể cùng lúc tiêu huỷ hàng chục nghìn con lợn nên biện pháp tạm thời là giám sát và áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt như tiêu độc, khử trùng trên phạm vi toàn tỉnh; lập biển báo nơi có dịch; lập chốt kiểm tra ở trục giao thông ra vào vùng dịch; cấm bán thịt lợn tại xã có dịch khi chưa công bố hết dịch; tiêu huỷ số lợn bị bệnh nặng; không  di chuyển lợn bệnh ra khỏi khu vực chăn nuôi, tiêm phòng đầy đủ với lợn còn khoẻ mạnh…

 

Bên cạnh đó, Bộ đã có văn bản đề nghị Chính phủ hỗ trợ 10 tỷ đồng đối với Quảng Nam để tỉnh có kinh phí phòng chống bệnh dịch và khôi phục đàn lợn.

 

Hiện Bộ NN&PTNT đang khẩn trương phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương lập đoàn điều tra, giám sát, khoanh vùng, nghiên cứu dịch tễ học và xây dựng bản đồ phân bổ bệnh để xác định biện pháp phòng chống dịch ở miền Trung.

 

Trước đó, Bộ trưởng cũng đã có công điện khẩn gửi chủ tịch UBND các tỉnh yêu cầu cán bộ thú y tỉnh tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân và người chăn nuôi về triệu chứng bệnh tai xanh để người chăn nuôi kịp thời phát hiện bệnh và khai báo với chính quyền địa phương.

 

Công điện nêu rõ: Những cá nhân, tập thể cố tình làm lây lan dịch bệnh, có hành vi tiêu cực hay yếu kém trong công tác phòng chống dịch sẽ bị  áp dụng các hình thức xử lý nghiêm khắc.

 

P. Thanh