Miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển?

(Dân trí) - Dự luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp chiều 20/9 gây chú ý với đề xuất miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển, đơn phương miễn thị thực

16 khu kinh tế ven biển “ngóng” quy định miễn thị thực

Miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển? - 1
Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam trình dự luật trước UB Thường vụ Quốc hội.

Thay mặt Chính phủ cáo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết, dự luật ra đời nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, bổ sung các quy định để giải quyết những vướng mắc phát sinh trong thực tế.

Trên tinh thần đó, dự luậtbổ sung các quy định thời hạn, đối tượng cấp thị thực điện tử; trình tự, thủ tục cấp thị thực điện tử; cấp thị thực qua giao dịch điện tử. Các điều kiện, thẩm quyền quyết định danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử, các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử cũng được quy định tại luật này.

Đáng chú ý, cơ quan soạn thảo đề nhị bổ sung quy định miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển với các điều kiện cụ thể là các khu kinh tế này có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, được cách biệt với lãnh thổ bên ngoài.

Ngoài ra, theo yêu cầu của dự luật, các khu kinh tế này còn phải có sân bay quốc tế, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

Với quy định trên, theo Thứ trưởng Bùi Văn Nam, quy định miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài nhập cảnh đảo Phú Quốc sẽ tiếp tục áp dụng, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để nghiên cứu áp dụng đối với các khu kinh tế ven biển có đặc điểm tương tự.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt thông tin, có ý kiến cho rằng, việc bổ sung trường hợp được miễn thị thực là “Vào khu kinh tế ven biển theo quyết định của Chính phủ” (khoản 7 Điều 1) và phải đáp ứng các điều kiện về sân bay quốc tế, có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, cách biệt lãnh thổ với bên ngoài (điểm b khoản 18 Điều 1) là chưa thỏa đáng.

Các ý kiến này đề nghị, đối với 16 khu kinh tế ven biển ở trong đất liền cần được áp dụng chính sách miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh tương tự như đối với các khu kinh tế cửa khẩu mà không phải kèm theo điều kiện. Còn các khu kinh tế ven biển thuộc huyện đảo (Khu kinh tế Vân Đồn, Khu kinh tế Phú Quốc) thì quy định rõ điều kiện như dự thảo luật.

Tuy nhiên, thường trực UB Quốc phòng – An ninh cũng cho rằng, nếu tất cả các khu kinh tế ven biển đều miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh sẽ tiềm ẩn các nguy cơ về quốc phòng, an ninh, khó khăn trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự và quản lý hoạt động người nước ngoài.

“Việc bổ sung quy định miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào các khu kinh tế ven biển kèm theo các điều kiện chặt chẽ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể là bảo đảm sự linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay” – Chủ nhiệm UB Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt nói.

Siết quy định đơn phương miễn thị thực cho người nước ngoài?

Miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển? - 2
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nêu nhiều điểm "vướng" cho ngoại giao khi áp dụng quy định đơn phương miễn thị thực.

Một trong những nội dung được bổ sung trong dự luật là quy định điều kiện quyết định đơn phương miễn thị thực cho công dân của một nước (mà nước đó phải có chính sách tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp thị thực hoặc đơn phương miễn thị thực cho công dân Việt Nam).

Theo giải trình của Chính phủ, điều này nhằm tạo căn cứ, điều kiện rõ ràng hơn khi quyết định đơn phương miễn thị thực trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc có đi có lại, bảo vệ quyền lợi tương ứng cho công dân Việt Nam.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm UB Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cho biết, một số ý kiến tán thành với dự thảo Luật vì cho rằng quy định này sẽ thắt chặt điều kiện đơn phương miễn thị thực, tiến tới thu hẹp dần và có thể dừng áp dụng đơn phương miễn thị thực để bảo đảm sự chủ động trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm.

Tướng Võ Trọng Việt phân tích, hiện nay Việt Nam đang đơn phương miễn thị thực cho công dân của 13 quốc gia và có 6 quốc gia đơn phương miễn thị thực có điều kiện cho công dân Việt Nam. Với chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thì không nên thu hẹp diện các được đơn phương miễn thị thực, mà ngược lại phải mở rộng diện các nước được đơn phương miễn thị thực.

“Mở rộng diện các nước được miễn thị thực cũng là một trong những nội dung đã được Chính phủ quan tâm, đã giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với các bộ có liên quan nghiên cứu, đề xuất” – ông Việt thông tin.

Hơn nữa, khi nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh thì công dân Việt Nam cũng sẽ được các nước tạo điều kiện thuận lợi hơn khi họ xuất cảnh ra nước ngoài.

Từ đó, cơ quan thẩm tra dự luật đề nghị không bổ sung điều kiện bắt buộc nước khác phải có chính sách tạo điều kiện hoặc đơn phương miễn thị thực cho công dân Việt Nam trước mà giữ nguyên quy định về đơn phương miễn thị thực tại khoản 1 Điều 13 của Luật hiện hành.

Trao đổi lại về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng chỉ rõ, nguyên tắc đối đẳng trong ngoại giao là rất quan trọng, vì thế cần cân nhắc thêm điều kiện các nước được đơn phương miễn thị thực cũng phải tạo điều kiện cho công dân Việt Nam.

“Trong số 13 nước được đơn phương miễn thị thực hiện nay thì phần lớn không miễn cho công dân Việt Nam” – ông Dũng cảnh báo, miễn thị thực đơn phương cũng khiến Việt Nam mất lợi thế trong việc đàm phán miễn thị thực cho công dân Việt Nam, kể cả với các hộ chiếu ngoại giao, công vụ.

Dự kiến, sau khi được UB Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, dự luật này sẽ được lấy ý kiến và thông qua trong một kỳ họp Quốc hội.

P.Thảo