1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Miền Tây vào mùa nằm nghe đất lở

(Dân trí) - Biến đổi khí hậu, mưa bão thất thường khiến vùng sạt lở ngày càng mở rộng, cùng với nó là cảnh phập phồng, mất ăn mất ngủ của hàng ngàn hộ dân ĐBSCL.

Miền Tây vào mùa nằm nghe đất lở - 1

Một vụ sạt lở tại Phong Điền (Cần Thơ)
 
Vùng sạt lở đang mở rộng

 

Trong những ngày này, tình trạng sạt lở bờ sông ở Hậu Giang đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Từ Quốc lộ 91 khu vực xã Long Bình, huyện Long Mỹ trải dài đến thị xã Vị Thanh sạt lở đã “ngoạm” đến lề lộ nhiều con đường. Hiện các ngành chức năng của tỉnh đang tiến hành khẩn trương, gấp rút gia cố xây dựng bờ kè để đối phó.

 

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Châu Thành, Hậu Giang đã xảy ra 3 vụ sạt lở đất nghiêm trọng ở 2 tuyến kênh: Cái Đôi, Cái Chồi, thuộc 2 ấp Đông Thuận, Phước Thuận của thị trấn Ngã Sáu, dài khoảng 114 m, ăn sâu vào bờ từ 6-10 m, làm ảnh hưởng trực tiếp đến 4 hộ dân phải di dời. Mưa giông đã làm sập và tốc mái 73 căn nhà dân, trong đó có 22 căn bị sập hoàn toàn, ước tính thiệt hại hoa màu và tài sản của dân do bị sạt lở và giông lốc gây ra, hơn 1,625 tỉ đồng.

 

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hậu Giang Lê Phước Đại cho biết: Trong mùa lũ, huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy sạt lở sẽ diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Khó có thể nhận biết được trước hình thành sạt lở, cũng như vết nứt xuất hiện trước khi xảy ra sạt lở.

 

Tại Vĩnh Long, số liệu thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long cho thấy toàn tỉnh hiện có khoảng 497 điểm sạt lở, 57 tuyến, khu vực, tổng chiều dài gần 100 km, với hơn 4.800 hộ bị ảnh hưởng.

 

An Giang cũng là một trong những trọng điểm của sạt lở tại ĐBSCL. Tại khu vực bờ sông Tiền thuộc ba ấp Long Định, Long Bình và Long Thuận 2, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới (An Giang), có gần 300 hộ dân sinh sống đang bị sạt lở nghiêm trọng. Hiện tượng sạt lở ở những khu vực nói trên kéo dài nhiều năm khiến nhiều gia đình phải nhiều lần di dời nhà cửa chạy… sạt lở. Ông Nguyễn Văn Hải, một hộ dân tại ấp Long Bình, xã Long Điền 2 than thở: “Nước sông ngày một liếm sâu vào nhà cửa, dân ấp bị nước đuổi mỗi năm một ít, năm nay đã sát nách. Mùa mưa về chẳng nhà nào dám ngủ, chỉ sợ nhà xuống sông chú ạ”.
 
Miền Tây vào mùa nằm nghe đất lở - 2
Gia cố lại tuyến Quốc lộ 91 tại thị xã Vị Thanh, Hậu Giang đang bị sạt lở nghiêm trọng.

 

Cuống cuồng chạy sạt lở

 

Dự báo mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long trong năm 2009 sẽ cao hơn từ 0,2-0,3 m so với trung bình nhiều năm. Năm 2009, sẽ có khoảng 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên biển Đông. Trong đó, có 6-7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Riêng ở ĐBSCL, trước đây rất hiếm khi có bão đổ bộ trực tiếp. Tuy nhiên, chỉ trong thập kỷ gần đây, có đến 3 cơn bão lớn với sức tàn phá mạnh đã đổ bộ vào vùng này gây thiệt hại nặng nề do không chủ động đối phó.

Tháng 7/2009, Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh  Đồng Tháp  đã tổ chức sơ kết công tác giai đoạn I và triển khai thực hiện giai đoạn II năm 2009. Toàn tỉnh đã có 3 người chết và bị thương 2 người, thiệt hại về tài sản trên 3 tỷ đồng; sạt lở bờ sông tiếp tục xảy ra tại 35 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố. UBND tỉnh phải yêu cầu các địa phương và Ban Chỉ huy PCLB -TKCN tỉnh, các cấp đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình phòng chống lụt bão, các tuyến đường giao thông, khẩn trương di dời dân vào các cụm tuyến dân cư vượt lũ nhất là các hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao.

 

Tại Vĩnh Long, tỉnh sẽ xây dựng nhiều tuyến kè  chống sạt lở. Hiện tỉnh đang tiếp tục tiến hành triển khai thực hiện xây dựng 2 khu tái định cư: xã Tân An Hội huyện Mang Thít và xã Trung Thành huyện Vũng Liêm, bố trí tái định cư cho 400 hộ. Dự kiến trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các dự án theo giai đoạn 2010 - 2015 bố trí cho 1.720 hộ đang nguy cơ sạt lở đến nơi ở mới an toàn với 25 dự án khu tái định cư.

 

Chương trình cụm tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn II của tỉnh đến năm 2010 sẽ bố trí 2.350 hộ là đối tượng sạt lở, nguy cơ sạt lở với 14 cụm tuyến dân cư . Và đến cuối năm 2010 hoàn thành đầu tư 6 công trình đê bao khép kín đồng bộ bảo vệ dân cư (chống sạt lở), phục vụ sản xuất thuộc các huyện Vũng Liêm, Long Hồ với số hộ cần được bảo vệ là 2.242 hộ.

 

Ở khắp nơi tại ĐBSCL, các địa phương đang cuống cuồng chạy đua với bão lũ và sạt lở. Vẫn có hàng ngàn hộ dân gồng mình sống cạnh miệng hà bá tại những trọng điểm sạt lở đang mất ăn mất ngủ.

 

Nhật Trường