1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Miền Tây phập phồng lo “sông đuổi”

(Dân trí) - Đến hẹn lại lên, ĐBSCL đang vào mùa mưa lũ. Năm nay nhiều tuyến đê biển xung yếu ở ĐBSCL trong tình trạng xuống cấp và bị sạt lở trầm trọng khiến cư dân châu thổ phập phồng nỗi lo “sông đuổi”.

Sổ đỏ trên bờ, đất đã trôi sông

Sông Giao Hoà - An Hoá (thuộc huyện Bình Đại và Châu Thành, tỉnh Bến Tre) đang độ nước chảy xiết, tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Mới đây, mưa lớn và nước xoáy đã cuốn trôi toàn bộ trụ sở Công ty TNHH Phước Sang (xã Long Định, huyện Bình Đại) có diện tích 350m2 và 700 tấn than, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.

Trưởng ấp Châu Thành, xã An Hóa, Châu Văn Tươi cho biết: “Ấp Châu Thành là nơi bị sạt lở nặng nhất trên dòng sông này. Từ năm 2003 đến nay, có hơn 110 hộ dân phải di dời để tránh nguy hiểm. Vào mùa mưa, nước lớn, người dân ven sông này ăn ngủ không yên, thay nhau túc trực bên con nước, lơ là một chút là… xuống sông”.

Nguy hiểm hơn, sạt lở ngày càng tiến dần về khu vực móng cầu An Hoá (nằm trên tỉnh lộ 883 đi huyện Bình Đại) và tỉnh Bến Tre phải đầu tư gần 20 tỷ đồng để gia cố móng cầu. Ngoài ra, nhà máy nước An Hóa vừa mới xây dựng hàng chục tỷ đồng, đưa vào sử dụng chưa đầy 3 năm cũng đã lọt thỏm trong khu vực sạt lở, có thể bị xóa sổ bất cứ lúc nào.

Toàn tỉnh An Giang hiện có 42 điểm sạt lở nguy hiểm trên sông Tiền sông Hậu, sông Vàm Nao... Ngay trước mùa lũ, các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã tổ chức di dời gần 1.300 hộ dân sống trong vành đai sạt lở nguy hiểm ven sông Tiền ở xã đầu nguồn Vĩnh Hoà, huyện Tân Châu vào nơi an toàn.

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương trong tỉnh, rất đông hộ vẫn sống trong vùng sạt lở nguy hiểm ngày đêm thấp thỏm vì chưa thể di dời… Hàng trăm hộ dân trong những vùng này cười ra nước mắt vì sổ đỏ còn giữ trong tay nhưng đất đai thì đã đi theo con nước từ lâu.

Tại TP Cần Thơ, thời gian qua xuất hiện nhiều điểm sạt lở mới ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm hộ dân tại huyện Phong Điền, Bình Thuỷ, Ninh Kiều… Còn tỉnh Đồng Tháp hiện có gần 100 km bờ sông Tiền và sông Hậu chạy qua 39 xã phường, thị trấn của 9 huyện, thị, thành phố bị sạt lở nặng nề.

Đê biển cũng tái mặt

Đê biển Hiệp Thạnh (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) bị nước biển tàn phá rất dữ dội. Hàng phi lao bị cuốn bật gốc, nằm trơ trọi, lớp rào làm bằng những tảng đá lớn gia cố chân thân đê bị sóng biển xé rách toạt, quăng xa hơn chục mét, nhiều đoạn mặt đê còn chưa đầy 2m.

Miền Tây phập phồng lo “sông đuổi” - 1
  

Những hàng phi lao trên đê biển bị sạt lở, bật gốc.

Ông Tư Quân có phần đất ngay tại đoạn đê sạt lở, nói: “Mùa gió chướng năm ngoái, chỉ trong một con nước lớn, đã cuốn trôi đoạn đê 30m này, nước tràn vào rẫy hoa màu của dân. Huyện cho xe cạp đất gia cố. Một đống đất cao ngồn ngộn vậy mà đêm sau sóng đánh không tìm ra dấu tích…”.

Ông Lê Văn Nhớ, Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh cho biết: Tình hình sạt lở đê biển Hiệp Thạnh đang nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Tuyến đê dài 2 km, mặt đê rộng hơn 5m, được xây dựng từ năm 1997, bảo vệ gần 1.000 hộ dân và 2.200 ha đất sản xuất nhưng giờ đang bị nước biển tàn phá trơ trọi.

Năm 2005 và 2007 trước tình hình sạt lở ngày một nhiều, tỉnh Trà Vinh đã 2 lần cho gia cố đê bằng rọ đá, bảo vệ phía ngoài nhưng đến nay, sóng biển đã phá vỡ các rọ đá, gây xói lở thân đê. Người dân địa phương rất lo lắng và không dám đầu tư làm ăn, sản xuất quy mô lớn ở địa phương.

“Chúng tôi đang rất lo là nếu như việc sửa chữa chậm thì chỉ cần một trận bão hoặc triều cường bất thường thì toàn bộ diện tích tự nhiên của xã sẽ chìm trong biển nước. Còn không thì vào mùa gió chướng sắp tới nhiều khả năng nước biển sẽ tràn vào đồng ruộng và nhà của dân gây thiệt hại rất lớn” - ông Nhớ tâm sự.

Tuyến đê biển Tây đoạn qua tỉnh Cà Mau dài 92,7 km (từ xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển đến phần giáp ranh giữa Cà Mau và Kiên Giang thuộc xã Khánh Tiến, huyện U Minh) cũng đang bị sạt lở nặng nề, tác động trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân.

Hiện cao trình của tuyến đê chỉ còn từ 1,7 - 2,0 (cao trình kỹ thuật cao 2,5m) làm giảm hiệu quả trong việc chắn sóng, ngăn mặn, bảo vệ dân và mùa màng. Trên tuyến đê hiện có 12 điểm sạt lở lớn với tổng chiều dài gần 3km. Lo ngại nhất là có 2.800 hộ dân (hơn 12.000 nhân khẩu) đang bao chiếm, cất nhà, sinh sống trong phạm vi bảo vệ đê.

Theo chi cục thuỷ lợi tỉnh Cà Mau để nâng cấp, sửa chữa, chống sạt lở và di dời dân bao chiếm trên toàn tuyến đê biển Tây cần 90 tỷ đồng… Trong khi đó, tuyến đê biển Đông dài 125 km từ sông Bảy Háp đến giáp sông Gành Hào (Cà Mau) cũng đang sạt lở khá nghiêm trọng.

Nhật Trường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm