1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Méo mặt” đi chợ thời lợn dịch

(Dân trí) - Nỗi lo lợn tai xanh, liên cầu khuẩn bắt đầu tràn vào Hà Nội. Người tiêu dùng vẫn mua thịt lợn nhưng vừa ăn vừa lo; trong khi giá thịt ngoài chợ tăng đến chóng mặt. Người mua “méo mặt”, nhưng các chủ kinh doanh cũng chẳng sung sướng gì.

Giá thịt tăng chóng mặt

 

Thịt lợn trên thị trường Hà Nội đã có dấu hiệu phản ứng dịch từ hơn nửa tháng trước bằng việc… tăng giá. Một tuần nay, khi cả nước phát hoảng với những thông tin dồn dập về dịch bệnh ở miền Trung thì nguồn thịt lợn ở Hà Nội cũng bắt đầu giảm. Nguyên nhân vì các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hải Dương, Hà Tây… đã có lệnh cấm vận chuyển, tiêu thụ thịt lợn từ khá lâu.

 

Giá thịt tăng đều, từ 33.000đ/kg nạc vai lên đến 40.000đ, rồi 50.000đ và giờ là 55.000đ/kg. Chân giò, thịt ba chỉ cũng tăng thêm tới 10.000đ/kg. Thắc mắc thì được chủ hàng giải thích chung chung: mùa dịch, ít hàng lắm.

 

Một tuần trở lại đây, khi thông tin dịch bệnh tai xanh và liên cầu khuẩn lợn dồn dập trên đài báo, nhiều bà nội trợ đã quay lưng hẳn với thịt lợn. Bác Lương (Lê Thanh Nghị) đi chợ về, chìa làn thực phẩm toàn rau, đậu ra phân trần: “Xem tivi mà rùng mình. 5 ngày nay nhà tôi không ăn thịt lợn rồi. Nhưng loanh quanh rau, đậu, cá hơn chục bữa cũng chán lắm. Ra chợ ngẩn ngơ, không biết lựa thứ gì”.

 

Bác Lương lo lắm vì thằng cháu nhỏ ở nhà chỉ “kết” món trứng đúc thịt với canh sườn hầm, không chịu ăn món khác. Sáng nay, mẹ thằng bé nghĩ ra việc mua thịt hộp về cho con ăn, đỡ nhớ.

 

Thịt lợn vẫn chiếm 60-80% trong bữa ăn của các gia đình nên với nhiều bà nội trợ, “tẩy chay” hoàn toàn là việc khó. Nhiều gia đình chuyển sang mua thịt tại các siêu thị thể “mua” sự an tâm, giá cũng không cao hơn thịt chợ quá nhiều.

 

Siêu thị Fivi mart trên phố Đại La, mấy ngày nay lượng thịt lợn tiêu thụ tăng gấp rưỡi. Tuy nhiên, không phải bà nội trợ nào cũng có điều kiện vào siêu thị. “Không phải chỗ nào cũng có sẵn siêu thị. Mà đã vào đến tận siêu thị hiếm khi chỉ lấy 1 đĩa thịt lợn mang ra tính tiền, lại phải chọn thêm thứ này thứ khác, tốn nhiều thời gian, rất khó để đi mua hàng ngày” - chị Hoàng Thùy Anh (Hai Bà Trưng) phân tích. Chị cho biết, nhà ngay gần chợ Âm phủ (chợ 19/12) - “trung tâm” thịt của Hà Nội - nên bỏ thói quen đi mấy bước chân sang chợ để đến siêu thị cách nhà hàng cây số là rất khó.

 

Chị vẫn chép miệng mua thịt ngay tại chợ nhà nhưng cẩn thận hơn, chọn hàng quen, thịt tươi, đòi xem dấu kiểm dịch và kiên quyết không mua thịt buổi chiều.

 

Dẹp sạp vì khan hàng

 

Giá thịt tăng “bất tận”, người tiêu dùng “quay lưng”, nhiều hàng kinh doanh thịt tại các chợ Hà Nội khóc mếu vì lỗ. Nguồn cung ít, lấy được hàng đã khó, bán cũng trầy trật. Dãy hàng thịt san sát nhau tại chợ 19/12 hơn một tuần nay mất hẳn những bàn thịt ngồn ngộn. Lượng hàng lấy về chỉ bằng một nửa so với trước mà vẫn ế. Giá mua vào cao, giá bán cũng phải lên theo, người mua thì đã giảm phân nửa. Mấy bà chủ sạp mới 8-9h sáng đã ngồi vêu, tán dóc.

 

Chợ lớn thị trấn Yên Viên (Gia Lâm), người kinh doanh còn khó khăn hơn. Chị Hương, một chủ sạp thịt lý giải, khu vực này gần như bị “vây” bởi các điểm dịch Bắc Ninh, Hưng Yên, Sóc Sơn, “nội bất xuất ngoại bất nhập”, không có lợn bán. 2 ngày đầu tuần liên tiếp chị phải đóng sạp vì không tìm được hàng và đã gần tháng nay không tìm được lợn to.

 

Cả dãy hàng thịt lợn trong chợ Ngọc Hà cũng trống trơn các bàn, chỉ còn 3 sạp bám trụ.

 

“ Ăn theo” dịch lợn, các thực phẩm khác cũng “ngấp nghé” lên giá vì đông người mua hơn. Ông chủ quầy thịt gà sạch Lý Công cho biết, từ đầu tuần, lượng gà bán ra đã tăng nhẹ (trên dưới 100 con/ngày). Thịt gà “trái vụ” vẫn giữ giá 70.000đ/kg. Thịt ngan, vịt cũng được tiêu thụ mạnh, giá ngan đã tăng thêm chừng 10.000đ/kg.

 

Cá, tôm và các loại hải sản khác, giá cũng nhích rõ rệt. Một bà nội trợ khẽ rụt cổ, lắc đầu khi nhắc tới giá cá biển. Thường ngày, cá nục tươi chỉ 14.000-15.000đ/kg, giờ đã là 20.000đ/kg. Cá nước ngọt cũng đồng loạt tăng giá.

 

Tuy nhiên, phản ứng của thị trường thể hiện tâm lý lo lắng đột biến từ người tiêu dùng. Nhiều người lập tức “tẩy chay” thịt lợn khi nghe dịch có nguy cơ lây lan mạnh nhưng lại tỏ ra khá lơ mơ trong việc phân biệt dịch lợn tai xanh và liên cầu lợn, không biết gì về nguy cơ nhiễm bệnh ở người.

 

TPHCM: Thịt heo trong siêu thị vẫn "chạy" tốt 

 

“Méo mặt” đi chợ thời lợn dịch - 1

Thịt heo trong siêu thị vẫn lấy được lòng tin của khách hàng.

 

Trước thông tin bệnh viêm cầu lợn, heo tai xanh có thể lan truyền vào phía Nam, TPHCM đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại các cửa ngõ giao thông, lò giết mổ.

 

“Để ngăn chặn tình trạng vận chuyển heo từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào, Chi cục Thú y TPHCM phối hợp với các cơ quan chức năng bố trí trực 24/24 giờ tại những tuyến giao thông trọng điểm” - ông Phan Xuân Thảo, Chi cục phó Chi cục Thú y cho biết.

 

Dạo quanh các chợ trọng điểm: Chợ Bà Chiểu, chợ Bến Thành hay các chợ nhỏ như chợ Chiều (Bình Thạnh)… thì số lượng người mua ở các quầy thịt có phần giảm đáng kể. Thông tin bệnh dịch về lợn tác động mạnh đến tâm lý người tiêu dùng.

 

Bà chủ quán bún trên đường Nguyễn Hữu Cảnh cho biết: “Thật khó phân biệt thịt tươi, hư là thế nào. Để an toàn đừng mua thịt ở quầy dọc đường mà vào các cửa hàng thịt lớn, hoặc Co.op Mart”.

 

Chị Nguyễn Thị Hiệp, chủ hàng thịt ở chợ Bắc Ninh (Thủ Đức): “Quầy thịt của tôi hằng ngày vẫn đông. Nhưng hôm nay, lượng người mua cũng giảm đi ít nhiều. Một phần do sợ các bệnh lây nhiễm về lợn, một phần do hôm nay là ngày rằm”.

 

Trong các siêu thị Co.op Mart Thủ Đức, Cống Quỳnh (quận 1), Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), Đinh Tiên Hoàng (Bình Thạnh)… thì lượng khách mua hàng thịt không giảm. Giá thịt trong siêu thị đắt hơn vài ngàn so với giá ngoài chợ. Giá thịt heo trong Siêu thị Cống Quỳnh: Chân giò: 42.000 đồng, Sườn non: 64.000 đồng, thị vai: 45.000 đồng, nạc đùi: 53.000 đồng, ba rọi: 48.000 đồng. Trong khi đó giá ở ngoài chợ, nạc đùi 40.000 đồng, ba rọi: 32.000 - 37.000 đồng.

 

Chị Nguyễn Thị Hiền, nhân viên bán thịt heo của Công ty chăn nuôi & chế biến Thực phẩm Sài Gòn tại Co.op Mart Cống Quỳnh cho hay: “Thịt heo này từ con giống, chăn nuôi, đến giết mổ đều theo một quy trình khép kín. Giá thịt trong siêu thị cao nhưng mọi người mua nhiều vì tính an toàn thực phẩm cao”.

 

Theo ghi nhận của Dân trí, tại TPHCM, thông tin về bệnh viêm cầu lợn, heo tai xanh hầu như người dân nội thành đều nắm được. Mọi người đều ý thức được mức độ nguy hiểm của loại bệnh này. Trong các siêu thị, chợ trên địa bàn thành phố, các quầy rau, quả, cá… tăng đột biến lượng người mua.

 

Ngày hôm qua (26/7) một báo đã đưa tin đường số 3, Bình Hưng Hoà, Bình Tân, TPHCM có nhiều xác lợn vứt lăn lóc ngoài đường. Tiếp nhận ý kiến của báo, chiều cùng ngày, UBND phường cùng nhiều cán bộ đi tìm xác heo để tránh ô nhiễm, bùng phát bệnh. “Đến hôm nay vẫn không có xác heo nào vứt lăn lóc ngoài đường như tờ báo nọ đưa tin, tôi cam đoan trên địa bàn Bình Hưng Hoà không có tình trạng heo bệnh” - ông Nguyễn Văn Năm, Phó Chủ tịch HĐND Phường Bình Hưng Hoà quả quyết.

 

Phương Thảo - Công Quang