Hà Tĩnh:
Mẹ già đánh rơi mâm cơm khi nghe tin con thoát cướp biển Somalia trở về
(Dân trí) - "Lúc đó tui đang bưng mâm cơm để chuẩn bị dọn ăn thì đột nhiên cả mâm cơm rơi xuống nền nhà, tui khựng lại không nói được gì vì quá xúc động. Mấy năm mất liên lạc về con, nay nghe được tin thế này tui mừng và xúc động lắm, cả mấy đêm nay không đêm nào tôi ngủ được. Tui mong nó sớm về để thấy con người bằng da bằng thịt của nó quá rồi”, mẹ già xúc động tâm sự.
Nghe tin anh Nguyễn Văn Hạ (SN 1981) bị cướp biển Somali bắt hơn 4 năm trước, nay đã được thả tự do, mấy ngày qua, nhà bà Nguyễn Thị Thủy (mẹ anh Hạ) ở thôn Qảng Ích, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh cũng nào cũng tấp nập người đến chia vui.
Căn nhà cấp bốn bé nhỏ ấy suốt hơn 4 năm nay không có một tiếng cười...
Hôm nay khuôn mặt của bà Thủy tươi tắn, vui sướng như chưa bao giờ có giây phút hạnh phúc như vậy. Con trai được cướp biển thả tự do, còn sống và sắp về nước, bà thấy cả bà lẫn con đều như được tái sinh.
Bà Thủy kể, anh Hạ là con trai đầu trong gia đình có 5 người con của vợ chồng bà, anh đã có vợ và 3 con nhỏ. Vì cuộc sống khó khăn nên gia đình vay mượn tiền cho anh đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan, mong sao kiếm được ít vốn về làm ăn. Nhưng đi chưa đầy được một năm thì vào tháng 9/2013 anh Hạ có điện về cho gia đình là đã bị cướp biển Somali bắt cóc, nói với gia đình ra gặp công ty Vinamotor, chi nhánh xuất khẩu lao động tại Hà Nội tìm hướng giải quyết. Nhưng mọi nỗ lực của gia đình đều bất thành.
Từ đó đến nay gia đình đều sống trong sự tuyệt vọng. Người bố Nguyễn Văn Điềm vì thương con mà đổ bệnh nằm một chỗ. Chị Bùi Thị Lệ (vợ anh Hạ) không có việc làm, cũng phải dắt díu ba người con về quê ngoại ở tận Thái Nguyên để cậy nhờ.
Mọi việc trong gia đình đều đè lên đôi vai bà Thủy. “Tôi như điên dại, đi thang thang gõ cữa ở khắp mọi nơi, mời luật sư bày hướng giải quyết, kể cả đến các đền chùa cầu khẩn cho con được an lành trở về”- bà Thủy kể lại thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời mình.
Bà Thủy gạt nước mắt nói: "16h ngày 22/10, chị Lệ điện về cho ông bà thông tin, anh Hạ vừa điện về báo đã được thả tự do, sức khỏe bình thường và sắp được về nước. Lúc đó tui đang bưng mâm cơm để chuẩn bị dọn ăn thì đột nhiên cả mâm cơm rơi xuống nền nhà, tui khựng lại không nói được gì vì quá xúc động. Mấy năm mất liên lạc về con, nay nghe được tin thế này tui mừng và xúc động lắm, cả mấy đêm nay không đêm nào tôi ngủ được. Tui mong nó sớm về để thấy con người bằng da bằng thịt của nó quá rồi”.
Anh Hạ (người áo sọc hồng) cùng toàn bộ thủy thủ đã lên máy bay sang Kenya để trước khi về nước. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Cùng chung niềm vui với gia đình bà Thủy, tại nhà chị Nguyễn Thị Quỳnh, vợ thuyền viên Nguyễn Văn Xuân, trú tổ dân phố Hòa Lộc, phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, cũng tấp nập người đến chia vui.
Tiếp chúng tôi, không giấu được sự xúc động, chị Quỳnh kể, vào tháng 5/2011,anh Xuân đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, nhưng đi chưa được một năm thì anh có điện về báo đã bị cướp biển Somalia bắt, gọi gia đình tìm cách liên hệ phía công ty để có hướng giải quyết. Nhưng từ đó đến nay gia đình không nhận được tin tức gì về anh.
“Hôm kia vừa cầm máy nghe anh Xuân điện về báo anh đã được thả tự do, sắp được lên máy bay đi về nước mẹ con tui mừng lắm. Các con rất muốn gặp mặt cha, muốn biết cha cháu như thế nào, vì khi lúc anh đi, mấy cháu còn nhỏ, cháu sau mới có 8 tháng tuổi...”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Đàn, Chủ tịch phường Kỳ Trinh, cho biết, nghe thông tin thuyền viên Nguyễn Văn Xuân sắp được trở về địa phương, chính quyền xã đã cử người sang tận nhà chia vui cùng gia đình, khi anh Xuân về chính quyền phường sẽ sang tận nhà động viên, hỗ trợ.
Tháng 4/2011, Chi nhánh Công ty Xuất khẩu lao động Vinamotor thuộc Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor) đưa 3 lao động Việt Nam là Nguyễn Văn Hạ (35 tuổi, quê xã Kỳ Khang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh); Nguyên Văn Xuân (35 tuổi, phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh); Phan Xuân Phương (27 tuổi, quê ở Nghĩa Đàn, Nghệ An) đi xuất khẩu lao động, làm việc trên tàu Na Ham 3 của tàu Đài Loan, chuyên đánh cá ngừ Đại dương.
Đến tháng 4/2012 các thuyền viên bị cướp biển Somalia bắt giữ, đòi tiền chuộc mỗi thuyền viên 30.000 USD. Không có tiền chuộc, các thuyền viên đã bị bắt giữ suốt từ đó đến nay.
Minh Đức