Hà Tĩnh:
Mẹ già cạn nước mắt ngày ngày dõi tin con điều trị đột quỵ ở xứ Đài
(Dân trí) - Sau khi đi làm về, anh Nguyễn Viết Trình (SN 1995, trú xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) bỗng nhiên bị đột quỵ, được đưa vào viện ở Đài Trung (Đài Loan) trong tình trạng hôn mê nguy kịch. Nhận được tin dữ về con, gần 2 tuần trôi qua, bà Trương Thị Cứ mất ăn mất ngủ, khóc cạn nước mắt.
Trong căn nhà cấp 4 xập xệ, bà Nguyễn Thị Cứ (SN 1956, trú thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) ngồi rầu rĩ một góc tường, thỉnh thoảng có một vài người làng xóm ra vào hỏi thăm. Lâu lâu bà Cứ lại nhấc điện thoại lên xem có bạn bè nào của Trình gọi về thông báo tình hình sức khỏe của con có dấu hiệu tích cực hay không.
Bà Cứ thông tin, tối ngày 1/8, sau khi đi làm về, Trình có gọi điện về trò chuyện với mọi người trong nhà. Tới nửa đêm, Trình thấy có dấu hiệu mệt, đau đầu rồi bị nôn ói. Khoảng 4h sáng ngày hôm sau, thấy tình trạng của Trình không thuyên giảm, đồng nghiệp cùng phòng mới gọi điện cho công ty và đưa tới bệnh viện cấp cứu.
“Tối ngày 2/8, phía công ty mới thông báo cho gia đình việc Trình đang chữa trị ở bệnh viện TP Đài Trung (Đài Loan). Họ nói là Trình bị rối loạn mạch máu não, lúc đưa tới bệnh viện thì các mạch máu đã vỡ, máu tràn vào trong não. Hiện Trình phải thở bằng máy, việc chăm sóc cũng nhờ bạn bè đồng nghiệp” – bà Cứ kể.
Bà Cứ hết sức lo lắng cho tình hình sức khỏe của con đang hôn mê bất tỉnh ở Đài Loan.
Cũng theo bà Cứ, cuối năm 2017, Trình ký hợp đồng với công ty cổ phần Nhân Đạt – Kesa (trụ sở đóng tại huyện Khoái Châu, Hưng Yên) sang Đài Loan làm việc trong thời hạn 3 năm với chi phí 2.036 USD. Trước khi đổ bệnh, Trình đang làm thợ nhôm kính ở thành phố Đài Trung (Đài Loan).
“Trình là con út trong gia đình có 5 anh em, bố mất từ khi nó mới 5 tuổi. Học hết cấp 3, nó đi bộ đội xong nghĩa vụ thì vào Bình Dương làm công nhân 2 năm. Năm 2017, nó về bảo với mẹ vay mượn tiền đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan kiếm vốn về làm ăn, cưới vợ chứ ở nhà đi làm công nhân rất khó khăn. Mới đi được hơn 1 năm thì xảy ra cơ sự như vậy, giờ cả gia đình rất lo lắng cho nó mà không biết làm cách nào” – bà Cứ nghẹn ngào.
Từ khi nghe tin Trình gặp nạn, anh Nguyễn Viết Lam (SN 1978, anh trai của anh Trình) nghỉ đi phụ hồ ở nhà chăm sóc mẹ, cùng ngóng thông tin về em.
“Mấy ngày qua, chúng tôi cũng chỉ nghe thông tin và hình ảnh hiện tại của Trình qua bạn bè của em ấy, nhìn qua ảnh thấy em nằm bất động trên giường bệnh ở xứ người, xung quanh toàn máy móc mà không có ai thân thích bên cạnh chăm sóc khiến chúng tôi nóng hết ruột gan” – anh Lam lo lắng.
Anh Trình đang được điều trị tại bệnh viện ở thành phố Đài Trung (Đài Loan) trong tình trạng nguy kịch.
Cũng theo anh Lam, gia đình muốn phía công ty cung ứng nhân lực cho một người nhà sang để chăm sóc Trình nhưng chưa được chấp nhận. Trong hợp đồng lao động ký thì mẹ (bà Trương Thị Cứ) là người bảo lãnh cho Trình nhưng hiện đã nhiều tuổi, đi lại còn khó khăn chứ chưa nói tới việc chăm sóc con.
Theo hợp đồng bảo lãnh cho anh Nguyễn Viết Trình sang làm việc ở Đài Loan mà gia đình cung cấp cho chúng tôi, người đại diện cho Công ty CP Nhân Đạt – Kesa là ông P.M.Q., chức danh Phó tổng Giám đốc.
Tuy nhiên, khi chúng tôi liên lạc theo số điện thoại ghi trong hợp đồng thì không gặp được vị này mà có một người phụ nữ bắt máy. Người này nói sẽ liên hệ với ông Q. và gọi lại nhưng sau đó không thấy hồi âm.
Tiến Hiệp