1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"May mắn được chụp ảnh tướng Giáp giữa cuộc đời"

Nhà báo-Nghệ sĩ Nhiếp ảnh-Đại tá Trần Hồng nguyên là phóng viên báo Quân đội nhân dân, là nhà nhiếp ảnh có uy tín trong giới báo chí Việt Nam.

"May mắn được chụp ảnh tướng Giáp giữa cuộc đời" - 1

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh cùng Đại tá Trần Hồng
(Nguồn: Đại tá Trần Hồng cung cấp)
 
Đặc biệt, ông chính là người đã chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp suốt hơn 20 năm qua, phóng viên Vietnam+ đã gặp ông để phần nào hiểu hơn về vị Đại tướng huyền thoại khi chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

“Cậu chụp tôi để làm gì?”

- Đối với các nhà báo, các nghệ sĩ nhiếp ảnh… nếu được gặp và làm việc cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp dù chỉ một lần đã lấy làm hạnh phúc, còn ông đã được chụp ảnh Đại tướng tất cả bao nhiêu lần?

Đại tá Trần Hồng: Tôi không thể nhớ được số lần vì tôi đã có thời gian hơn 20 năm chụp ảnh Đại tướng. Tôi cũng nghĩ số lần và thời gian cũng chưa thể nói hết vấn đề.

- Vậy xin ông có thể cho biết, trong những lần ấy, lần nào ông thấy ấn tượng nhất?

Đại tá Trần Hồng: Nói thế này có thể ai đó nghĩ là “sáo” nhưng phải nói rất thật là lần nào cũng ấn tượng. Đại tướng luôn khiến người đối diện cảm thấy mình quá bé nhỏ.

- Khởi đầu từ đâu mà ông lại có may mắn được làm người nghệ sĩ chuyên chụp ảnh Đại tướng?

Đại tá Trần Hồng: Các đồng nghiệp đều hỏi tôi một câu giống nhau như vậy, rằng sao lại có sự may mắn ấy. Mọi người hỏi tôi, để hiểu thêm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi xin trả lời thế này: Tôi vô cùng may mắn.

Tháng 10/1994, khi tôi đang rất khó khăn xin đồng chí Nguyễn Huyên, trợ lý của Đại tướng vào chụp ảnh ông thì bỗng Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất hiện. Ông hỏi: “Cậu vào đây để làm gì?”; tôi đáp: “Tôi vào đây để xin chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.” Ông lại hỏi: “Cậu chụp tôi để làm gì?”

Khi ấy, tôi trả lời thế này: “Thưa Đại tướng, thế hệ đàn anh đi trước chúng tôi vô cùng hạnh phúc, sau này chúng tôi không may mắn như họ. Họ có hai đối tượng để chụp là người lao động và lãnh tụ. Chúng tôi bây giờ chỉ còn một đối tượng thứ nhất…”

Không để tôi nói thêm, qua đôi mắt nhìn người tinh tường, Đại tướng biết thành ý của tôi. Ông khoát tay nói với đồng chí trợ lý luôn ở bên mình: “Cậu cho cậu phóng viên báo Quân đội Nhân dân này vào gặp tớ bất cứ lúc nào.”

Nói thật rằng, nếu mình không có cá tính và không thẳng thắn như thế thì cơ hội được gặp và được chụp ảnh Đại tướng bất cứ lúc nào là không thể có. Cho dù trước đó tôi cũng đã có không ít lần chụp ảnh ông.

“Ghi sự thật và đi đến tận cùng của đối tượng”

- Có còn lý do nào nữa không, thưa ông?


Đại tá Trần Hồng: Còn lý do nữa đã khiến Đại tướng cho tôi được gặp ông không có giới hạn thời gian, không gian. Đó là sau khi ông xem triển lãm ảnh của tôi vào năm 1992 và sau đó củng cố thêm bằng cuộc triển lãm năm 1995. Cả hai triển lãm, tôi đã vinh dự được ông đích thân đến xem.

Năm 1992 là cuộc triển lãm chân dung những người đương thời. Lúc ấy tôi chỉ lấy tên: Triển lãm ảnh Trần Hồng tại 45 Tràng Tiền, Hà Nội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến và suốt cả tiếng ông xem rất say sưa.

Cuối cùng, ông ra đứng giữa phòng nói: "Tôi hỏi đồng chí Trần Hồng trong 78 bức ảnh này, đồng chí thích bức nào nhất?" Tôi đã trả lời: “Thưa Đại tướng tôi thích tất cả. Vì mỗi bức ảnh tôi đã đồn hết tâm sức để khắc họa cái thần của người được chụp.”

Ông bảo: “Cậu trả lời có cá tính lắm.” Nhìn dung nhan của ông tôi thấy sự đồng ý cao độ. Ông viết trong cuốn sổ ghi cảm tưởng những lời có giá trị lớn lao đối với tôi:  “Những tấm ảnh (những bức tranh) như thơ, như nhạc. Qua những hình ảnh ghi lại người xem rất xúc động với những tình cảm, những nỗi đau thương và những niềm vui qua những con mắt làm cho người xem nhớ mãi. Chúc Trần Hồng, người nghệ sĩ, chiến sĩ có những tác phẩm lớn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp 23/121992.”

- Thế còn cuộc triển lãm ảnh lần thứ hai, thưa ông?


Đại tá Trần Hồng: Triển lãm lần thứ hai, cũng vào 17 giờ ngày 23/12 như cuộc trước nhưng vào năm 1995, tôi có triển lãm ảnh mang tên “Chân dung mẹ.” Lúc đó tôi chỉ nhấn mạnh là “mẹ” chứ không chỉ là các bà mẹ anh hùng. Vì tôi nghĩ, bất cứ người mẹ nào cũng có thể có phẩm chất anh hùng.

Thấm thía về phẩm chất anh hùng trong sự nhọc nhằn và hy sinh thầm lặng, tôi đã khai thác chân dung một phụ nữ làm công việc quét rác ở Khâm Thiên và khi treo bức ảnh đó trong triển lãm ảnh tôi đã treo bên cạnh chân dung bà Nguyễn Thị Định anh hùng. Đại tướng đứng xem rất lâu và Đại tướng ghi vào sổ cảm tưởng: “Đồng chí Trần Hồng đã ghi sự thật và đi đến tận cùng của đối tượng.”

Mục tiêu của nhiếp ảnh là sự thật. Gần đây khoa học kỹ thuật phát triển nhưng nếu để công nghệ cứ “nhảy” vào nhiếp ảnh quá mức sẽ làm sai lệch, méo mó…

Lại còn có việc sắp xếp trong nhiếp ảnh cũng không nên. Như có lần tôi đã từng bị một đồng chí Thượng tướng mắng vì đã dám chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông đang uống nước bằng chai nước khoáng trên đường đi công tác. Tôi thì lại nghĩ đấy sẽ là hình ảnh gần gũi về vị Đại tướng của chúng ta. Và chính Đại tướng cũng luôn ủng hộ tôi để có những bức ảnh thật nhất.

“Tôi không tài giỏi mà may mắn”

- Vì được “đặc cách” chụp ở nhiều thời điểm nên ảnh chụp Đại tướng của ông sẽ rất quý hiếm, đó không phải là những tấm ảnh mà nhiều người khác thường chụp khi Đại tướng đi dự các hội nghị?

Đại tá Trần Hồng: Đúng vậy, tôi có may mắn hơn các đồng nghiệp là được tiếp cận gần với Đại tướng. Đó là tấm ảnh “Nhớ Bác” ông khóc khi đứng trước tượng Bác Hồ tại gia đình ông. Hay hình ảnh Đại tướng trong các sinh hoạt bình thường như một lão nông ở Quảng Bình thì không phải ai cũng có cơ hội chụp ông ở những khoảnh khắc quý hiếm ấy.

Tôi đã được đi cùng Đại tướng về quê ông ở Quảng Bình, mà đi tàu chợ như người dân bình thường. Ông giản dị lắm. Xin nhấn mạnh, không phải tôi tài giỏi mà do tôi may mắn được ở gần ông.

- Lần gần đây, khi ông gặp Đại tướng là hôm nào, ông có ghi lại hình ảnh trong buổi gặp hôm đó không?

Đại tá Trần Hồng:
Một trong nhữnglần gần đây tôi gặp Đại tướng là vào ngày 22/8/2010. Tâm nguyện của tất cả chúng ta và của bất cứ người cầm máy ảnh nào, đều muốn nhìn thấy Đại tướng hồng hào, khỏe mạnh và luôn luôn ở trong một tâm thế rất phấn chấn. Đại tướng của chúng ta rất vĩ đại. Nhưng quy luật của cuộc sống con người không loại trừ bất cứ ai.

Khi Đại tướng đã sống 100 năm thì ngoại hình thực không thể giống hình ảnh lý tưởng do lòng kính yêu mà ta muốn nhìn thấy. Ông gầy và lại đang điều trị ở bệnh viện nên nếu chụp thì ảnh khó được như mình muốn. Thế nên đã rất nhiều lần tôi giơ ống kính lên nhưng không sao bấm máy được.

- Trong lần sinh nhật 100 tuổi của Đại tướng, Đại tá thấy điều gì khó quên nhất?

Đại tá Trần Hồng: Khi đến Quân Y viện, tuy được phép và tôi rất muốn vào tận nơi nắm lấy tay ông, vậy mà tôi không dám, tôi cứ cảm thấy mình sẽ làm ảnh hưởng đến không khí mà ông đang thở.

Tôi đứng ngoài nhìn các bác sĩ đang làm các công việc chuyên môn để tăng cường sức khỏe cho ông. Tôi thấy ông vẫn hồng hào. Ông đã nhìn tôi vô cùng âu yếm, như một người ông nhìn đứa cháu, như một người cha nhìn con, như một cấp trên thương mến và gần gũi nhìn cấp dưới. Sau đó, tôi ra ngoài ngồi thần người ra hơn một tiếng đồng hồ mới về nhà được.

- Là một trong số ít người chụp ảnh Đại tướng nhiều nhất, với hơn 2000 tấm ảnh 'có thần' chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp các thời kỳ, song ông còn thấy tiếc nuối gì không?

Đại tá Trần Hồng: Tôi rất tự tin nhưng tiếc rằng dù rất cố gắng nhưng tài hèn sức mọn và đồ dùng tác nghiệp chưa tốt nên chưa ghi lại được nhiều hơn nữa, đẹp hơn nữa những hình ảnh của vị Đại tướng giữa cuộc đời.

- Xin trân trọng cảm ơn Đại tá Trần Hồng!       

Theo Nguyễn Anh
(Vietnam+)