1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An:

“Máu” nhà sàn ngừng chảy?

(Dân trí) - Nhà sàn được xem là biểu tưởng và nét kiến trúc văn hoá độc đáo của đồng bào các dân tộc vùng cao. Vài năm trở lại đây, nét văn hóa ấy bị đẹp ấy đang “chảy máu” về xuôi. Về làng bản bây giờ thấy nhiều ngôi nhà ngói mới.

Nhà sàn theo nhau về xuôi

 

Chúng tôi có mặt tại bản Xết, xã Châu Lý (huyện Quỳ Hợp - Nghệ An) lác đác một số căn nhà xiêu vẹo cạnh một số nhà ngói khang trang; một già lão ngồi thấp thỏm dưới mái hiên than thở: “Ở miền xuôi lên bản ta lùng sục khắp bản làng, bảo con cháu bán nhà sàn có nhiều tiền mua được xe máy, xây được nhà đẹp, không sợ mưa gió. Nhà sàn ở bản ta nối đuôi nhau chảy về xuôi rồi. Ta buồn lắm”.

 

Bản Xết tan hoang giống như vừa qua một cuộc chiến. Nhà sàn hầu như không còn nữa, kể từ sau “đại dịch chảy máu nhà sàn” năm 2002, bà con đua nhau dỡ nhà sàn ra bán, lấy tiền xây nhà ngói.

 

Huyện Quỳ Hợp đã cử cán bộ vào tận bản tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn văn hóa nhà sàn. “Máu” được “cầm chừng” nhưng “hồn” nhà sàn đã bị “rao bán” hơn phần nửa.

 

Chung cảnh với bản Xết, tại bản Bàng, nhà sàn cũng lần lượt “đội nón ra đi”. Trưởng bản Vi Văn Thuỷ nhìn xa xăm, nuối tiếc: “Nhiều gia đình bố kiên quyết bán, các con khóc lóc kiên quyết giữ, thế mà nhà sàn vẫn đi”.

 

Trong khi đó, ở các khu vực thành thị, nhà sàn lại trở thành một thứ mốt. Riêng TP Vinh (Nghệ An) đã có hàng chục căn nhà sàn, đủ kiểu dáng, giá từ 2-3 tỷ đồng/nhà. Xu hướng đưa nhà sàn từ miền ngược về miền xuôi đang được xem là “thú chơi” tầm cỡ của các “đại gia” lắm tiền. Ngoài ra, nhiều kẻ cũng lợi dụng danh nghĩa mua nhà sàn để buôn gỗ lậu.

 

Nghệ An giờ chỉ còn lưu giữ được một số nhà sàn truyền thống như nhà sàn người Thái, nhà sàn người Tày Poọng, nhà đất người H’Mông,…

 

Dựng lại nhà sàn

 

Xã Châu Lý cách thị trấn Quỳ Hợp 30km, có hơn 1.000 hộ dân với gần 6.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm khoảng 85%. Nơi đây xưa là mảnh đất của người Mường Choọng. Nói đến văn hoá kiến trúc vật thể ở Châu Lý không thể thiếu yếu tố nhà sàn; “thiếu bóng nhà sàn thì Châu Lý không còn là Châu Lý”. 

 

Để lưu giữ được không gian kiến trúc nhà sàn đậm nét như hôm nay, chính quyền địa phương đã nỗ lực hết mình trong cuộc vận động bà con không được “rao bán” bản sắc dân tộc mình. Tiên phong trong việc này, xã đưa ra sách lược: lãnh đạo làm trước, dân bản học theo. Và trụ sở UBND xã được xây dựng bằng nhà sàn truyền thống.

 

Nhờ đó, “cơn lốc chảy máu” nhà sàn đã bị dẹp tan ở Châu Lý. Hiện toàn xã còn lưu giữ trên 600 căn nhà sàn.

 

Ông Vi Văn Sơn (60 tuổi) ở bản Cồn tâm sự: “Bởi cái đói cứ đeo đẳng bà con mãi, một thời nạn bán nhà sàn rộ lên thế là hàng chục căn nhà theo về xuôi”. Ông cho biết căn nhà của mình đã được lái buôn ngã giá 300 triệu đồng nhưng ông không đồng ý, ông bảo bán đi là đắc tội với tổ tiên.

 

Xã Châu Lý không ai không biết ông Vi Văn Quê (52 tuổi), người đã đến từng gia đình vận động bà con dựng lại nhà sàn. Bản thân gia đình ông cũng đã đầu tư gần 400 triệu đồng để dựng lại nhà sàn.

 

Ông Nguyễn Đình Phụng - chủ tịch xã - hồ hởi: “Bà con ta nay không ai bán nhà sàn nữa đâu, dân bản ta biết rồi, nếu bán là đắc tội với tổ tiên. Dù bồ có hết lúa, rẫy hết ngô, sắn… cũng không đem bán nữa đâu”.

 

Mặt trời khuất sau chân núi Phá Cồn, già Sơn kéo chúng tôi phải ở lại tối nay với bà con dân bản để thưởng thức hương thơm lúa nếp nồng trong bầu rượu cần, nghe tiếng hát giao duyên đón đợi nhau trong căn nhà sàn Văn hoá cộng đồng. Chập chờn trong ánh đèn le lói, bỗng có tiếng hát trong veo như nước suối bên tai: “Tiếng hát em làm cho lòng anh ngây ngất, cho con tim anh nhảy múa, cho rượu cần nhà anh nồng say, ta uống rượu cho thắm đôi môi, cho hồng đôi má… uống say rồi anh chẳng muốn về”.  

 

Nguyễn Duy