1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thanh Hóa:

Mất tiền để được... bới rác, "ngửi" ô nhiễm mỗi ngày

(Dân trí) - Hàng ngày có hàng trăm người đổ vào bãi rác Cồn Quán, phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa, bới rác thải tìm phế liệu. Họ làm việc theo ca và mỗi ngày đóng phí 3.000 đồng.

Bãi rác Cồn Quán là nơi tập kết rác thải lớn nhất thành phố Thanh Hóa, có lẽ với số đông đây cũng là nơi bẩn thỉu và ô nhiễm nhất thành phố. Nhưng đó lại là nơi hàng trăm người mỗi ngày đến "bám víu" mưu sinh.

Xe chở rác thải vừa đến bãi rác đã có hàng chục người vây quanh để nhặt rác.
Xe chở rác thải vừa đến bãi rác đã có hàng chục người vây quanh để nhặt rác.

Chiếc xe chở rác vừa vào đến bãi, hàng chục người quần áo lấm lem, mặt mũi bịt kín, trên tay mỗi người cầm một chiếc cào vây quanh, mong chờ nhặt được những gì có thể bán được trong đống rác sắp đổ ra.

Một ngày mưu sinh của những người nhặt rác nơi đây được bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng và kết thúc vào 21 giờ đêm. Mùa đông cũng như mùa hè, họ sống chung với một “thế giới rác thải” đủ chủng loại, núi rác đang trong thời gian phân hủy bốc mùi hôi thối nồng nặc. Khi rác trên xe được đổ xuống bãi, họ dùng cào bới quanh đống rác, tìm kiếm những gì có thể bán được.

Đồ hành nghề của những người nhặt rác chỉ là chiếc cào sắt và bao đựng rác bằng túi ni-lông hay bao tải cũ nát. Hầu hết họ mặc những bộ quần áo bảo hộ hoặc những bộ quần áo xấu nhất, cũ nhất. Tay đeo găng, chân đi ủng. Phần lón những món đồ "bảo hộ lao động" đó cũng là do họ nhặt được trong đống rác thải ngồn ngộn này.

Hì hục bới rác
Hì hục bới rác

Tìm kiếm những thứ đồ phế thải dù là nhỏ nhất có thể bán được.
Tìm kiếm những thứ đồ phế thải dù là nhỏ nhất có thể bán được.

Không kể nam hay nữ, già hay trẻ, họ đều rất cần cù lao động. Đào bới, tìm kiếm trên đống rác giúp họ kiếm được 50 - 100 nghìn đồng mỗi ngày. Tuy nhiên cuộc mưu sinh không đơn giản, họ vẫn thường giẫm vào mảnh chai vỡ, que thép nhọn, bị sắt gỉ hay thậm chí là kim tiêm chọc chảy máu, chưa kể thứ không khí vô cùng ô nhiễm mà họ phải hít thở hàng ngày. Cuộc mưu sinh khó nhọc này khiến họ phải đối mặt với nhiều bệnh tật nguy hiểm.

Chị Lê Thị Gái, làng Định Hòa, xã Đông Cương, thành phố Thanh Hóa, chia sẻ: “Thứ gì bán được cũng nhặt hết chú à, kể cả giẻ rách chúng tôi cũng nhặt để bán. Cái nghề khổ sở, vất vả, ô nhiễm này có ai muốn làm đâu. Nhưng không nghề nghiệp, không việc làm thì chỉ còn biết đi nhặt rác chứ làm gì được đâu chú”.

Những người nhặt rác ở đây cũng làm việc theo ca. Ca buổi sáng bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Ca buổi chiều từ 14 giờ và kết thúc lúc 21 giờ tối. Người đã làm ca buổi sáng thì phải nhường ca buổi chiều lại cho người khác. Mỗi ca, một người phải đóng phí cho cho ban quản lí bãi rác 3 nghìn đồng.

Hầu hết những người làm nghề nhặt rác ở đây đều là nông dân sống gần khu bãi rác, tranh thủ lúc nông nhàn kiếm thêm thu nhập. Cũng có người sống bằng nghề nhặt rác đã 20 năm qua.

Người phụ nữ này cào rác bằng tay với đôi gang tay cũng là đồ nhặt được tại bãi rác này.
Người phụ nữ này cào rác bằng tay với đôi gang tay cũng là đồ nhặt được tại bãi rác này.

Bà Lê Thị Biên cùng quê với chị Gái có tuổi nghề nhặt rác cao nhất ở đây. Năm nay 51 tuổi, bà có đến hơn 20 năm đi nhặt rác. Trước khi bãi rác cũ của thành phố Thanh Hóa chuyển về đây, bà Biên đã từng nhặt rác tại đó. Bà Biên có thâm niên đi nhặt rác từ khi sinh con đầu lòng, tới nay bà đã có cả cháu nội lẫn cháu ngoại.

Bà Biên tâm sự: “Trước kia tôi nhặt rác ở bãi rác Đông Hương phải đi gần 5 cây số, nhưng từ năm 2001 bãi rác chuyển về đây nên đi lại gần nhà hơn, chỉ có hơn một cây số. Nghề nhặt rác biết là khó nhọc với ô nhiễm là vậy nhưng chẳng còn nghề nào khác làm cả. Mỗi ngày đi nhặt rác kiếm thêm thu nhập cho gia đình, chẳng được là mấy những vẫn phải cố gắng để làm. Tôi chưa bao giờ có ý định bỏ nghề”.

Sau khi đào bới tìm kiếm là khâu phân loại rác để đem bán.
Sau khi đào bới tìm kiếm là khâu phân loại rác để đem bán.

Những gì nhặt được trong đống rác thải.
Những gì nhặt được trong đống rác thải.

Ở đây còn có cả những cặp vợ chồng cùng nhau đi nhặt rác. Số tiền kiếm được ít ỏi nhưng lương thiện ấy, họ dành dụm nuôi con cái ăn học.

Gạt đi những giọt mồ hôi trên trán, chị Phượng vợ anh Cương cho biết: “Hai vợ chồng tôi đều làm ruộng, gia đình làm nông là chính, nhưng những ngày nông nhàn này không có việc làm, chẳng biết làm gì để kiếm thêm thu nhập mà biết bao nhiêu khoản chi tiêu trong gia đình nên hai vợ chồng tôi xin đi nhặt rác. Vừa có thêm thu nhập lại có thêm tiền cho mấy đứa cháu ăn học”.

Tuổi đã cao nhưng vẫn đi nhặt rác, hơn 10 năm nay ông Bình mưu sinh bằng nghề nhặt rác .Vất vả, khó nhọc là vậy nhưng ông lại tìm thấy niềm vui riêng khi đến đây. Ông chia sẻ: “Nhặt rác lâu rồi nên tôi cũng thành quen, không đi lại thấy buồn. Đến đây nói chuyện với mọi người. Đủ thứ chuyện chú à, chuyện gia đình, chuyện làng xóm vui hơn ở nhà mà lại có thêm thu nhập”.

Những người nhặt rác nơi đây giống như những thân cò nhọc nhằm mưu sinh “bới rác tìm vàng”. Tìm kiếm những đồ phế thải người khác thải ra đem bán lây tiền lo cho cuộc sống của gia đình mình. Nguy cơ mắc bệnh từ bãi rác gây ô nhiễm hàng ngày những không ai quan tâm đến những việc đó. Điều mà họ quan tâm là nhặt được nhiều rác để bán lấy tiền.

Mưu sinh bên đủ các loại rác gây ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
Mưu sinh bên đủ các loại rác gây ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.

Con đường vào khu bãi rác ô nhiễm là nơi mưu sinh mỗi ngày của hàng trăm người.
Con đường vào khu bãi rác ô nhiễm là nơi mưu sinh mỗi ngày của hàng trăm người.

Thái Bá - Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm