Mất tết vì thất nghiệp
Thông tin thưởng tết ngập tràn trên các phương tiện truyền thông khiến anh Tuấn chạnh lòng. Tuy là quản lý cấp cao trong công ty nhưng những ngày giáp tết, công ty đột ngột tuyên bố ngừng hoạt động đẩy anh và nhiều lao động khác vào thất nghiệp.
Năm 2013, kinh tế sẽ vẫn chưa phục hồi, các doanh nghiệp sẽ vẫn khó khăn kéo theo tình trạng việc làm của người lao động cũng sẽ chưa được cải thiện.
“Chỉ còn khoảng hơn một tháng nữa là tết, tôi và nhiều lao động không có việc làm đúng thời điểm này, coi như mất tết”, anh Tuấn thở dài.
Không khác anh Tuấn, chị Nguyễn Thị Nhung đang làm hồ sơ để xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội. Công ty chị Nhung làm việc là công ty nhỏ chuyên sản xuất cửa nhựa. “Năm ngoái cũng khó khăn nhưng vẫn còn có việc làm, trả lương cầm chừng nhưng cũng vẫn còn cố được. Năm nay thì “chết” hẳn. Tôi làm kế toán nên biết, doanh thu không có, chi phí vẫn phát sinh nhiều, sớm muộn cũng đóng cửa”, chị Nhung kể. Không còn cách nào khác, công ty phải tạm dừng hoạt động để không phát sinh chi phí. Hơn 20 lao động của công ty mất việc đúng ngay khi tết sắp đến.
Những câu chuyện như vậy đã không còn là hiếm ở thời điểm này khiến các công bố về thưởng tết làm nhiều lao động chạnh lòng. Theo ông Trần Văn Thực, Chủ tịch liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, trong 11 tháng năm 2012 ở Hà Nội đã có 11.835 doanh nghiệp dừng hoạt động khiến hàng chục ngàn lao động mất việc.
Trong khi đó, theo dự báo mới đây từ cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), năm 2013, kinh tế sẽ vẫn chưa phục hồi, các doanh nghiệp sẽ vẫn khó khăn kéo theo tình trạng việc làm của người lao động cũng sẽ chưa được cải thiện. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, thị trường lao động có thể sẽ sáng sủa hơn khi Chính phủ thực hiện các chương trình kích cầu, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Theo Tây Giang
Sài Gòn tiếp thị