1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Mật phục “ma men”

CSGT TP.Hà Nội lập các tổ công tác, cả công khai, lẫn mật phục, để kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông. Qua 6 ngày ra quân (từ 16.12), bước đầu đã có chuyển biến tích cực… Tuy nhiên, trong công tác xử lý, cảnh sát giao thông gặp rất nhiều tình huống phức tạp do phản ứng quyết liệt của các “ma men” và hệ thống quán nhậu. thậm chí, có chủ quán bia còn cắt cử nhân viên “mật phục” lại CSGT.

Mật phục “ma men”
CSGT Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn của một “ma men” chiều 22.12 tại nút ngã tư Thái Hà - Láng Hạ. Ảnh: HẢI NGUYỄN

“Ma men” dày đặc trên đường

Trưa 22.12, tổ công tác thuộc Đội CSGT số 7 đang làm nhiệm vụ trên đường Lê Văn Lương kéo dài, nhiều trường hợp khi cảnh sát ra yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn đã quay đầu bỏ chạy. Thiếu tá Đỗ Trọng Tuân - Đội CSGT số 7 - cho hay, những ngày đầu ra quân, số lượng người vi phạm bị xử lý nhiều và rất nhiều trường hợp cảnh sát đã phải nhắc nhở khi lập biên bản xử lý thì cò quay, gọi điện giúp đỡ thậm chí chửi mắng, không tuân thủ hướng dẫn của cảnh sát.

Tại đường Lạc Long Quân, 13h20, nam thanh niên điều khiển chiếc xe máy BKS 29H1-003.83 có biểu hiện sử dụng rượu, bia, "mặt đỏ tía tai" được yêu cầu vào kiểm tra nồng độ cồn, khi dừng xe nam thanh niên này có biểu hiện chống đối lực lượng CSGT, nhưng với sự kiên quyết, CSGT đã đưa người này vào chốt. Tại đây, sau khi đo nồng độ cồn, lái xe đã vi phạm 0,5mg/lít khí thở. Thượng úy Đỗ Xuân Tùng đã cho lập biên bản xử phạt về hành vi sai phạm và nhắc nhở tuyên truyền, yêu cầu ký cam kết không tái phạm. Ghi nhận của PV trên đoạn đường này, sau gần 3h đồng hồ, hơn 10 xe được yêu cầu dừng kiểm tra nồng độ cồn và có 2 người trong số đó vi phạm, bị xử phạt.

15h ngày 22.12, trên tuyến đường Trần Quang Khải, từ quán bia Vân Bảo Khánh, một thanh niên mặt đỏ “phừng phừng” đang loạng choạng dắt xe từ quán bia, mọi cử chỉ hành động của thanh niên này đều không qua khỏi tầm nhìn của thượng sĩ Minh (đội CSGT số 1). Khi kiểm tra nồng độ cồn của thanh niên này, chỉ số hiện lên tới 0,36mg/lít khí thở, sau lúc trình bày với lý do “vui quá, uống hơi nhiều” đã được CSGT giải thích và ký vào biên bản xử phạt.

Theo báo cáo nhanh của phòng CSGT TP.Hà Nội, qua 6 ngày ra quân trong kế hoạch kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển xe cơ giới, nhưng đã xử lý 172 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (trong đó 12 trường hợp ôtô, 160 trường môtô); phạt tiền 269.750.000 đồng; tạm giữ 172 phương tiện, tước giấy phép lái xe 172 trường hợp.

Quán bia... mật phục CSGT!

Thiếu tá Nguyễn Hồng Hải - Đội phó Đội CSGT số 2 - cho biết, CSGT xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm do nồng độ cồn vượt mức cho phép hoặc chống đối. Số lượng người vi phạm cũng khá nhiều, một số trường hợp tỏ ra ngạc nhiên, không biết mình bị lỗi gì. Các trường hợp chưa đến mức xử lý, tổ công tác vừa tuyên truyền vừa nhắc nhở và yêu cầu cam kết không tái phạm.

Còn tại địa bàn quận Hoàn Kiếm, trung tá Nguyễn Văn Quỹ cho hay, đa số trường hợp khi phát hiện xử lý đều rất mất thời gian, CSGT phải kiên trì giải thích, người bị kiểm tra mới chấp nhận dùng máy thổi đo nồng độ cồn. “Có nhiều trường hợp gọi điện cho người thân cầu cứu. Có khi CSGT vừa mới giải thích với người vi phạm xong, người thân của người vi phạm là lãnh đạo ban ngành TP gọi điện. Lúc đó CSGT cũng phải giải thích lại. Tuy nhiên, CSGT quán triệt mềm dẻo trong giải thích nhưng cương quyết trong xử lý” - trung tá Quỹ nói.

Còn theo thượng úy Lê Hải Hà (Đội CSGT số 1), nhiều khi cử anh em mật phục nhưng ngược lại chủ quán bia cũng cắt cử nhân viên mật phục lại CSGT. “Mình cắt cử một chiến sĩ mật phục thì quán bia cử tới 2-3 người mật phục CSGT. Khi thấy xuất hiện họ báo lại với khách ở trong quán hoặc gọi taxi đưa về, nhưng khi CSGT rút đi thì mọi việc lại mình thường” - thượng úy Hà cho biết.

Trước việc CSGT ra quân kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển xe cơ giới, anh Lê Văn Trọng - chủ nhà hàng ZoZo, số 59 ngõ 168/1 đường Nguyễn Xiển - cho biết, việc CSGT lập chốt gần nhà hàng, quán bia… kiểm tra nồng độ cồn của thực khách là cần thiết, để làm giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, việc này gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của các nhà hàng…

Còn với người đi đường bị CSGT dừng kiểm tra nồng độ cồn cảm thấy bất ngờ, thắc mắc căn cứ vào đâu CSGT lại dừng xe của họ. Ông Nguyễn Xuân Thắng (53 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc, thấy mặt đỏ, họ yêu cầu dừng xe, thật là vô lý. Mùa đông trời rét, chạy xe ngoài đường mặt đỏ là chuyện bình thường. Cách nhận biết uống rượu bia chỉ qua khuôn mặt là vô lý, tốn thời gian của người không vi phạm.

 Chánh VP Uỷ ban ATGTQG Nguyễn Trọng Thái: Làm quyết liệt, chắc chắn TNGT sẽ giảm

Trong dịp cuối năm, cưới xin, liên hoan, tổng kết… mật độ dày đặc hơn, nên việc mở đợt cao điểm kiểm tra nồng độ đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ là hợp lý. Nếu làm quyết liệt sẽ thay đổi nhận thức, người uống bia có kế hoạch không điều khiển phương tiện cá nhân mà dùng phương tiện giao thông công cộng, tai nạn chắc chắn sẽ giảm.

Thượng tá Nguyễn Thanh Hải - Phó Trưởng phòng CSGT TP.Hà Nội: Tập trung kiểm tra các tụ điểm vui chơi, quán bar

Phòng CSGT có Kế hoạch 120 bám theo chỉ đạo của UB ATGTQG và chỉ đạo của GĐ CA TP.Hà Nội, kế hoạch chia làm 3 giai đoạn từ nay cho đến tháng 3.2015. Đợt này, CSGT giao cho các tổ 141, vào các khung giờ 18h-22h tập trung các tụ điểm nhà hàng quán bar để xử lý quyết liệt những đối tượng dùng nồng độ cồn tham gia giao thông... 

Theo T.Chí - T.An - C.Nguyên

Lao Động


Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm