1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An:

Mất giấy báo tử, vợ liệt sỹ 40 năm không được hưởng chế độ

(Dân trí) - Liệt sĩ Nguyễn Văn Huấn hy sinh tại chiến trường miền Nam đã gần 40 năm nhưng đến nay vẫn chưa được nhận chế độ liệt sĩ và Bằng Tổ quốc ghi công, mặc dù gia đình đã làm hồ sơ từ năm 2005...

Gần đất xa trời chờ chế độ
 
Liệt sĩ Nguyễn Văn Huấn (SN 1944, tại xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu, Nghệ An) - làm công nhân nông trường 1-5 tại huyện Nghĩa Đàn. Tháng 5/1965 anh nhập ngũ và lên đường chiến đấu tại chiến trường miền Nam (đi B).

Ngày 27/7/1972, vợ anh là chị Dương Thị Đàn (năm nay đã là bà Đàn, 75 tuổi) - công nhân nông trường Bến Nghè (huyện Quỳnh Lưu) nhận được giấy báo tử từ nông trường báo tin: Liệt sĩ Nguyễn Văn Huấn đã hy sinh tại chiến trường miền Nam.

Nhận giấy báo tử, Đảng uỷ, Ban Giám đốc Nông trường Bến Nghè đã trọng thể làm lễ truy điệu liệt sĩ Nguyễn Văn Huấn tại hội trường nông trường. Các ngày lễ, tết hàng năm, Đảng uỷ, Ban giám đốc Nông trường và Đảng uỷ, UBND xã Tân Thắng vẫn duy trì đến gia đình thắp hương tưởng niệm liệt sĩ Nguyễn Văn Huấn, thăm hỏi, động viên gia đình bà Đàn.

Mất giấy báo tử, vợ liệt sỹ 40 năm không được hưởng chế độ
Bà Đàn đã 75 tuổi - tuổi gần đất xa trời nhưng suốt 40 năm qua bà không được hưởng chế độ thân nhân liệt sĩ.

Sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Nông trường và Đảng uỷ chính quyền xã Tân Thắng vẫn luôn chu đáo. Tuy nhiên, năm 1988 trong một trận lũ lụt hoành hành gây ngập nhà bà Đàn, giấy báo tử của liệt sỹ Huấn bị nát hỏng. Từ đó đến nay, đã 40 năm trôi qua, gia đình bà Đàn không được hưởng bất cứ một loại trợ cấp gì đối với vợ liệt sỹ và gia đình liệt sỹ.

Lần cuối cùng, năm 1988, nông trường Bến Nghè ưu tiên cô con gái đầu của bà Đàn là Nguyễn Thị Thuỷ sang Liên Xô (cũ) làm việc theo chính sách con liệt sỹ. Liệt sỹ Nguyễn Văn Huấn hy sinh để lại cho bà Đàn cô con gái duy nhất này. Bà không “đi bước nữa” mà ở vậy thờ chồng.
 
Tiếp chuyện chúng tôi, những giọt nước mắt hiếm hoi của tuổi già lăn dài trên 2 gò má nhăn nheo, bà Đàn chậm rãi nói: “Tôi đã gần đất xa trời rồi, không mong gì hơn chỉ mong sao Nhà nước công nhận liệt sỹ, cấp bằng Tổ quốc ghi công cho chồng tôi để sau này con cháu biết được bố, ông chúng nó đã hy sinh vì Tổ quốc thôi”.

Đi đòi công bằng cho chồng

Tuổi già, đến giờ, bà Đàn không thể đi “gõ cửa” các cơ quan công quyền để tìm sự công bằng cho gia đình. Năm 2005, bà Đàn nhờ được người thân đi xin, làm lại các giấy tờ cần thiết chứng minh sự hy sinh của chồng - liệt sỹ Nguyễn Văn Huấn. Nhưng dù làm lại được gần hết giấy tờ, nhưng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Quỳnh Lưu lúc đó nhất quyết đòi phải có giấy báo tử mới làm chế độ liệt sỹ. Dù đã giải thích giấy báo tử bị nát hỏng trong trận lụt năm 1988, gia đình bà Đàn vẫn không được chấp nhận làm chế độ với rất nhiều giấy tờ chứng minh đã xin cấp lại được.

Mất giấy báo tử, vợ liệt sỹ 40 năm không được hưởng chế độ
Trên bảng ghi danh sách liệt sỹ xã Diễn Hạnh đề tên rõ ràng liệt sỹ Nguyễn Văn Huấn.

Bà Đàn đưa cho chúng tôi xem tập giấy tờ gồm giấy xác nhận của nguyên Giám đốc Nông trường Bến Nghè Hoàng Minh Am. Trong giấy xác nhận này ông Am ghi rõ: “Tháng 7/1972 nhận được giấy báo tử của ông Nguyễn Văn Huấn người Diễn Hạnh, Diễn Châu, Nghệ An có vợ là Dương Thị Đàn là công nhân của nông trường, Đảng uỷ Giám đốc nông trường đã tổ chức làm truy điệu tại nông trường cho ông Nguyễn Văn Huấn theo quy định”.

Tại đài tưởng niệm liệt sỹ ở xã Diễn Hạnh (Diễn Châu), trên “bảng vàng danh dự” ghi danh sách các liệt sỹ là con em xã Diễn Hạnh, hàng thứ tự số 112 cũng có tên liệt sỹ Nguyễn Văn Huấn. Phiếu xác nhận thông tin về mộ liệt sỹ năm 2005 được UBND xã Diễn Hạnh ghi cụ thể: “Nguyễn Văn Huấn, sinh năm 1944, Diễn Hạnh, Diễn Châu. Nhập ngũ tháng 5/1965, hy sinh năm 1972 có tên trên bảng vàng danh dự xã Diễn Hạnh, Diễn Châu, Nghệ An”.

Đơn xác nhận ngày 21/7/2005 của UBND xã Diễn Hạnh gửi Phòng Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Quỳnh Lưu : cũng ghi: “Ông Nhuyễn Văn Huấn là người sinh ra và lớn lên tại xã Diễn Hạnh, Diễn Châu. Sau đó đi công nhân, gia nhập vào quân đội và đã hy sinh trong chiến đấu, đã được đơn vị gửi giấy báo tử”.

Cùng năm này, Đảng uỷ, UBND, các tổ chức chính trị, đoàn thể xã Tân Thắng (nơi bà Đàn công tác và nghỉ hưu) đã làm “bản kiến nghị giải quyết chế độ liệt sỹ” và “biên bản đề nghị xác nhận liệt sỹ” gửi UBND tỉnh Nghệ An, UBND huyện Quỳnh Lưu và các cơ quan hữu trách các cấp nhưng cũng không có hồi âm.

Làm việc với lãnh đạo xã Tân Thắng, ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Bí thư Đang uỷ, ông Huỳnh Ngọc Trâm - Phó chủ tịch HĐND xã Tân Thắng đều khẳng định: “Liệt sỹ Nguyễn Văn Huấn hy sinh đã có giấy báo tử, có nhiều người chứng kiến. Hồ sơ đã đủ, nhưng chỉ vì thiếu giấy báo tử nên cấp trên không công nhận”.

Việc một liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc hơn 40 năm vẫn chưa được công nhận là liệt sỹ chỉ vì tờ giấy báo tử mất hỏng trong bão lũ hay chính do các ban ngành liên quan thiếu quan tâm, trách nhiệm. Thiết nghĩ, Sở LĐTB&XH Nghệ An cần sớm tích cực xác minh, công nhận để bà Đàn - vợ liệt sỹ Huấn được toại nguyện trước lúc lìa xa cõi dương thế.

Quang Ngọc - Nguyễn Duy