1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Mặt đất TPHCM đang tiếp tục sụt lún

(Dân trí) - Diện tích vùng sụt lún nhanh (> 15 mm/năm) là hơn 1.900 ha, diện tích lún tương đối nhanh (10-15 mm/năm) là hơn 7.900 ha. Ngoài một số khu vực tiếp tục sụt lún thì xuất hiện vùng lún mới ở ngoại thành.

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, nhu cầu khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn thành phố là gần 720.000 m3/ngày. Mật độ tập trung nhiều tại quận ven thành phố như quận 9, 12, Gò Vấp, Bình Tân và các huyện ngoại thành như Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn.

Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Trương Thị Ánh kiểm tra tình hình cấp nước sạch tại huyện Củ Chi
Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Trương Thị Ánh kiểm tra tình hình cấp nước sạch tại huyện Củ Chi

Để có cơ sở đánh giá một cách tổng thể về tình trạng lún mặt đất trên địa bàn thành phố, từ năm 2010, TP đã triển khai dự án “Quan trắc biến dạng mặt đất khu vực TPHCM bằng kỹ thuật INSAR vi phân”.

Kết quả quan trắc năm 2017 cho thấy, khu vực TPHCM tiếp tục có hiện tượng sụt lún bề mặt đất. Diện tích vùng lún nhanh (> 15 mm/năm) là hơn 1.900 ha, diện tích vùng lún tương đối nhanh (10-15 mm/năm) là hơn 7.900 ha, diện tích vùng lún trung bình (5-10 mm/năm) là 16.800 ha.

Theo Sở Tài nguyên – Môi trường, nếu so sánh với giai đoạn 1996-2016, khu vực trung tâm thành phố đã tương đối ổn định. Khu vực quận 5, 10, 11, Tân Bình không còn xuất hiện thêm các vùng lún.

Trong khi đó, các khu vực quận 8, 12, huyện Bình Chánh vẫn tiếp tục bị lún. Ngoài ra, có nhiều vùng lún mới xuất hiện ở khu vực ngoại thành như huyện Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.

Kết quả giám sát cho thấy, lún mặt đất ở TPHCM mang tính cục bộ với diện tích ảnh hưởng lún nhỏ và ở một vài công trình khai thác nước dưới đất lưu lượng lớn; ở những khu vực san lấp để xây dựng khu công nghiệp, các công trình giao thông, khu dân cư tập trung trên các vùng phân bố đất bùn, yếu và vùng trũng thấp.

Sở Tài nguyên – Môi trường cho rằng nguyên nhân lún do đặc điểm địa chất, thủy văn; do tốc độ đô thị hóa và phát triển đô thị; khai thác nước ngầm. Tuy nhiên, hiện nay thành phố chưa có một đánh giá cụ thể tỷ lệ các nguyên nhân gây lún mặt đất.

Tính đến cuối năm 2016, TP có 466 công trình được cấp phép khai thác với tổng lưu lượng hơn 300.000 m3/ngày, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép 15 công trình với tổng lưu lượng gần 143.000 m3/ngày.

Tính đến tháng 9/2018, Bộ Tài nguyên – Môi trường đã giảm lưu lượng khai thác nước ngầm đối với 1 công trình với lưu lượng 3.000 m3/ngày (khu công nghiệp Vĩnh Lộc), Sở Tài nguyên – Môi trường giảm khai thác 353 công trình với tổng lưu lượng gần 68.000 m3/ngày.

Theo kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khoan khai thác nước trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, giai đoạn 2024-2025, giảm lượng khai thác còn 100.000 m3/ngày.

Riêng đối với Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO), lượng nước khai thác dưới đất hiện nay là 130.000m3/ngày, đến năm 2025 sẽ giảm còn 30.000m3/ngày.

Quốc Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm