Mánh lới, thủ đoạn của các đối tượng buôn người
(Dân trí) - Một chiếc taxi mang biển số Hà Nội chạy vùn vụt trên quốc lộ chở theo người đàn bà và đứa trẻ sơ sinh. Dọc đường, người đàn bà luôn tỏ ra cưng nựng, trìu mến khiến không ai nghĩ đó là một “mẹ mìn”...
Cung đường buôn bán trẻ em
Dọc biên giới Việt – Trung những năm trở lại đây đang trở thành “cung đường nóng” của tội phạm buôn người. Móng Cái (Quảng Ninh) có điều kiện tự nhiên là đường biên giới dài, nhiều đường tiểu ngạch như Hải Sơn, Bắc Sơn... khiến người dân có thể đi bộ vượt biên khá dễ dàng.
Dọc bờ sông Ka Long (TP Móng Cái), nhiều con đường mòn xuyên trong những bãi lau sậy dẫn đến các địa điểm Z1, Z2… sau đó chỉ cần một con đò là các đối tượng buôn người có thể đưa những đứa trẻ bị bắt cóc vượt sông sang thành phố Đông Hưng (thuốc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), bất chấp sự tuần tra nghiêm ngặt của lực lượng Biên phòng.
Đại uý Lê Anh Quân (Đội trưởng Đội điều tra hình sự, CA TP Móng Cái) nhớ lại, năm 2014, một chiếc taxi biển Hà Nội chạy vùn vụt ra Móng Cái, mang theo người đàn bà và đứa trẻ còn đỏ hỏn. Suốt quá trình ngồi trên taxi, người đàn bà này luôn cưng nựng đứa trẻ khiến ai cũng nghĩ đó là con ruột của chị ta.
Nhưng tất cả các hành động của người đàn bà đó đều không qua được mắt các chiến sĩ trinh sát. Kế hoạch vây bắt “mẹ mìn”, giải cứu đứa trẻ 7 ngày tuổi đã được vạch ra khi người đàn bà đang chuẩn bị ẵm đứa trẻ vượt biên trái phép.
Ngày 29/6/2015, một người phụ nữ dáng vẻ gày gò, khuôn mặt hốc hác sau nhiều đêm mất ngủ đến gõ cửa trực ban CA TP Móng Cái trình bày, con gái chị là Nguyễn Thị Như N. (19 tuổi, trú tại xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bị một đối tượng lừa bán sang Trung Quốc.
Sau đó, gia đình chị liên tục nhận được điện thoại của một người phụ nữ yêu cầu gia đình mang tiền ra TP Móng Cái chuộc người. Từ những thông tin do gia đình nạn nhân cung cấp, bằng biện pháp nghiệp vụ, Công an TP Móng Cái đã xác định và bắt giữ được đối tượng liên lạc, đòi tiền chuộc là Lưu Thị Dung (SN 1995, trú tại xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng).
Qua đấu tranh, Lưu Thị Dung thừa nhận và khai báo việc bán Nguyễn Thị Như N. cho một ổ mại dâm tại TP Sáo Châu (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) với số tiền 7.000 nhân dân tệ.
Công an TP Móng Cái trao đổi thông tin qua đường dây nóng và gửi thông báo hợp tác điều tra, đề nghị Cục Công an thị xã Đông Hưng phối hợp giải cứu.
Đến ngày 3/7/2015, Công an TP Móng Cái phối hợp với Cục Công an thị xã Đông Hưng, Trung Quốc giải cứu được N. và đưa về Việt Nam.
Đại uý Quân cho biết, trong 5 năm qua, các đơn vị chức năng nghiệp vụ TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh phát hiện, bắt giữ 30 vụ, 46 đối tượng phạm tội mua bán người, giải cứu 40 phụ nữ, 11 trẻ nhỏ và 4 trẻ sơ sinh.
Công an TP Móng Cái phối hợp với các Đồn Biên phòng và Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận từ Cục Công an thị xã Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc 116 nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc.
Những thủ đoạn buôn người
Đánh giá về thủ đoạn của bọn buôn bán trẻ em, Đại úy Lê Anh Quân cho biết: “Có căn cứ để tin rằng bọn buôn bán trẻ em đã hình thành những đường dây chuyên nghiệp. Gần đây, chúng thường có thủ đoạn là tiếp cận với các cô gái có bầu ngoài ý muốn, sau đó dụ dỗ họ xuất cảnh sang nước khác, sinh sống ở đó trong thai kỳ, bán lại đứa bé sơ sinh và trở về nước. Tuy nhiên, cách này không phổ biến và khá tốn kém”.
Theo CA TP Móng Cái, đối tượng phạm tội buôn người chủ yếu là phụ nữ Việt Nam lấy chồng Trung Quốc hoặc cư trú trái phép tại Trung Quốc. Trong đó, không ít kẻ vốn là nạn nhân trong các vụ mua bán người.
Nạn nhân thường là những người không có nghề nghiệp hoặc việc làm không ổn định, thu nhập thấp, kinh tế khó khăn, kém hiểu biết; số còn lại là phụ nữ, trẻ em gái có lối sống buông thả, dễ dãi, thích ăn chơi, đua đòi; trẻ sơ sinh nam bị bỏ rơi...
Hầu hết các nạn nhân đều tự nguyện đi theo các đối tượng phạm tội. Một số trường hợp cưỡng ép nạn nhân qua biên giới, nơi mà nạn nhân không biết tiếng, không có quan hệ, không biết đường về...
Ngoài ra có những đối tượng đã lao động hoặc đang sinh sống tại Trung Quốc quay trở lại Việt Nam dụ dỗ, lôi kéo nạn nhân là những người nông dân có thu nhập thấp, kinh tế khó khăn, không có trình độ hiểu biết sang Trung Quốc lao động tại các nhà máy, nông trường với lời hứa kiếm được thu nhập cao.
Thực tế các nạn nhân này được đưa đi làm các công việc nặng nhọc, vất vả nhưng không được trả lương và không được ăn uống đầy đủ. Sau khi thu hoạch xong vụ mùa hoặc hoàn thành hợp đồng sản xuất, chủ lao động người Trung Quốc báo lực lượng chức năng bắt giữ, trao trả số lao động này về nước với lý do cư trú trái phép.
Qua khai thác thông tin từ các nạn nhân cho thấy có dấu hiệu của việc mua bán người nhằm mục đích lao động khổ sai tại các công, nông trường, nhà máy, xí nghiệp. Do không xác định được đối tượng môi giới, đối tượng chủ mưu lại cư trú tại Trung Quốc nên không xử lý được.
Tuấn Hợp