1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Màn trả thù độc ác của đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi từ lúc mới chào đời

Thiếu sự yêu thương, dạy bảo của cha mẹ nên từ nhỏ Hận đã sống khép kín. Lớn lên, Hận vùi mình trong game online, nơi hắn tìm niềm vui bằng những trò chém giết trên thế giới ảo…

…Không ai dám nghĩ, có ngày Hận lại mang những trò chơi ấy về “thực hành” với chính ông bà ngoại của mình.
Bà Eo buồn bã kể về đứa cháu bất trị.
Bà Eo buồn bã kể về đứa cháu bất trị.
 
Đứa cháu bất trị tên “Hận”

Men theo con đường nhỏ dẫn vào ấp Trường Phước A (xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, Hậu Giang), chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Kim Eo (60 tuổi), nạn nhân trong vụ đầu độc bất thành của đứa cháu ngoại là Nguyễn Văn Hận (SN 1998). Khuôn mặt còn nguyên nét sợ hãi, bà Eo nhớ lại sự vụ đau lòng vừa xảy ra với mình cách đó chưa lâu. Theo đó, bà Eo vốn có tất cả 5 người con, trong đó chỉ có duy nhất chị T. là con gái. Thời còn trẻ, vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên bà Eo cùng chồng phải đi rất xa để làm thuê kiếm sống. Khi ấy, chị T. còn trẻ người non dạ, lại ở nhà một mình nên đã bị kẻ xấu dụ dỗ. Sau mối tình vụng dại ấy, chị T. sinh ra một đứa con trai khiến vợ chồng bà Eo và anh em họ hàng đều phải “cúi mặt” mỗi khi ra đường. Nhiều lần, gia đình bà và chính quyền địa phương quyết tìm ra “tác giả” của bào thai nhưng rốt cuộc vẫn chẳng thể biết chính xác. Giận chuyện con “chửa hoang”, đứa cháu sinh ra không cha được gia đình bà Eo đặt cho cái tên “sặc mùi” u uất: “Hận”.

Về phần chị T., do mặc cảm chuyện không chồng có con nên sau thời gian ở cữ, chị đã bỏ nhà, bỏ luôn cả đứa con đỏ hỏn lên TP. HCM làm mướn. Thời gian sau, chị T. may mắn gặp một người đàn ông cảm thông cho hoàn cảnh và yêu thương chị thật lòng. Vì thế, chị đã đồng ý gắn cuộc đời mình với người đàn ông đó. Sau lễ cưới đạm bạc, cả hai dọn về bên nội ở huyện Thới Lai (TP. Cần Thơ) sinh sống. Hàng tháng, vợ chồng chị T. vẫn gửi tiền cho bà Eo, vừa để phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già, vừa nhờ ông bà chăm lo, dạy dỗ Hận nên người.

 Theo bà Eo, từ nhỏ Hận chỉ sống với ông bà ngoại nên thiếu hẳn đi sự yêu thương, dạy dỗ từ cha mẹ. Tuy vậy, cậu bé vẫn rất ngoan ngoãn, biết nghe lời người lớn và học giỏi. Đôi khi nhìn bạn bè đồng trang lứa có đầy đủ gia đình, Hận cũng về hỏi ông bà xem cha, mẹ mình ở đâu? Nhưng lần nào cũng vậy, bà Eo và người nhà đều trả lời rằng cha cậu đã chết còn mẹ đi làm xa rất lâu mới về. Sau này lớn lên, Hận tìm ra nguyên nhân vì sao mình không có cha mẹ. Biết sự thật, Hận “hận” chính gia đình, cha mẹ, thậm chí cả bản thân mình. Hắn tự nhận là người “thừa”, không cần ai quan tâm, chăm sóc. Hết ngày dài lại đến đêm thâu, thú vui duy nhất Hận là đắm mình với những trò chơi trong thế giới ảo, nơi hắn có thể thỏa sức trút giận vào việc chém giết. “Nó buồn vì chuyện mình là đứa con hoang nên tự xa lánh mọi người, ít khi tâm sự cùng chúng tôi. Từ lúc sang cấp 2, nó bắt đầu nghiện trò chơi điện tử. Cứ khi nào rảnh, nó lại cùng bạn bè tụ tập ngoài quán cạnh trường học”, ông Nguyễn Hoàng Ba (62 tuổi, ông ngoại Hận) kể.

Bi kịch từ thế giới ảo

Quá mê game, Hận nhiều lần bỏ học, kết quả trên lớp sa sút nghiêm trọng. Không những thế, những khoản tiền ăn sáng, ăn trưa, tiền học thêm, tiền đóng góp mà Hận về nói phải đóng, thực tế hắn đã mang đi nướng sạch vào những trò chơi trong thế giới ảo. Giận đứa cháu hư hỏng, ông Ba có lần đã tới tận quán trói Hận mang giao cho công an xã nhờ giáo dục “giúp”. Song khi được tha về, Hận vẫn chứng nào tật nấy. Để ngăn cháu lún sâu vào thế giới ảo, ông bà Eo bắt đầu cấm vận, không cho Hận tiền tiêu xài thoải mái như trước. Không có tiền, cũng không vay mượn được ai, Hận quay sang trộm cắp vặt. Sau nhiều lần đồ đạc trong nhà “một đi không trở lại”, vợ chồng ông Ba chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán.

Không chỉ ham chơi, trộm cắp, Hận còn đua đòi nhậu nhẹt để khẳng định mình là người lớn. Thời gian gần đây, Hận thường xuyên say xỉn, mặt mũi lúc nào cũng đỏ phừng phừng. Mỗi lần say, hắn lại quậy phá, chửi mắng ông bà rồi cả hàng xóm. Cách đây không lâu, Hận có xảy ra mâu thuẫn với ông Ba. “Lần đó, ông nhà tôi thấy nó xăm trổ đầy người nên quát mắng, bắt phải đi xóa. Vậy mà không những không nghe, nó còn vặc lại, dọa sẽ có ngày đâm chết ông mình”, bà Eo kể.

Để cụ thể hóa lời đe dọa, Hận âm thầm đi mua một chai thuốc sâu. Bà Eo nhớ lại: “Hôm 28/8, chúng tôi đi làm tới tận trưa mới về. Do đói bụng, tôi mới vào nhà lấy nồi cơm nấu từ sáng ra ăn thì thấy có mùi lạ. Nghĩ chắc do cơm để nguội, tôi vẫn ăn nên bị đau bụng, nôn mửa rất nhiều. Người nhà phải đưa tôi đi cấp cứu tại bệnh viện”. Ngay khi mới xảy ra chuyện, ông Ba đã nghi ngờ vợ bị cháu ngoại đầu độc. Nhưng đến lúc Hận tự khai nhận tội lỗi tại cơ quan công an, ông vẫn đau lòng, không cầm nổi nước mắt.

Ông Ba tâm sự: “Nó bảo đã lên kế hoạch đầu độc hai vợ chồng tôi từ trước. Mọi kịch đều sắp đặt sẵn theo một trò chơi game online mà nó là bang chủ. Tôi nghe xong vừa thương, vừa giận cháu. Nó đến nông nỗi này cũng chỉ vì thiếu sự quan tâm, giáo dục của cha mẹ. Bi kịch dù sao cũng xảy ra rồi, vợ chồng tôi sẵn lòng tha thứ và chờ ngày cháu trở về. Tôi chỉ mong cơ quan chức năng giúp đỡ giáo dục, chấn chỉnh nó thành người tốt. Nếu không, cuộc đời còn quá dài của nó sớm muộn cũng hỏng”.                    

Trao đổi với người viết, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất (giám đốc Công ty Tư vấn Tâm lý An Việt Sơn) nhận định: “Nghiện game” là nguyên nhân trực tiếp khiến Hận có hành vi độc ác với ông bà mình, tuy nhiên sâu xa của vụ việc này chính là sự thiếu hụt giáo dục. Hận sinh ra trong hoàn cảnh khá éo le, tuổi thơ lớn lên không bố mẹ đã “hằn” lên trái tim cậu những vết thương khó lành. Những người thân không tìm ra được biện pháp giáo dục phù hợp khiến Hận càng sa vào những thú vui tiêu cực và hậu quả là gây ra tội lỗi với chính những người nuôi nấng mình. Vụ việc trên là bài học cho các bậc phụ huynh trong việc quản lý, định hướng con cái trước sự cám dỗ của các trò chơi bạo lực. Đặc biệt là trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ. Một đứa trẻ sinh ra và lớn lên thiếu thốn tình cảm của cha mẹ rất dễ bị cuốn vào những tệ nạn xã hội”.

Theo Tây Đô

Gia đình & Xã hội