Hà Nam:
Màn "sương bụi" dày đặc bao phủ 24/24h ở phía Tây sông Đáy
(Dân trí) - Theo kết quả phân tích của Viện Khoa học công nghệ và môi trường quan trắc vào tháng 8/2015 tại 5 xã ở phía Tây sông Đáy gồm: Thanh Thủy, Thanh Tân, Thanh Nghị, Thanh Hải và thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm đều có chỉ tiêu bụi ở tất cả các mẫu cao hơn quy chuẩn cho phép.
Hà Nam là một trong những tỉnh có nguồn đá vôi rất lớn, đặc biệt ở huyện Thanh Liêm, trữ lượng đá vôi hàng tỷ m3, tập trung chủ yếu ở 5 xã phía Tây sông Đáy gồm: Thanh Thủy, Thanh Tân, Thanh Nghị, Thanh Hải và thị trấn Kiện Khê.
Với nguồn tài nguyên rất lớn như trên, nên hiện nay ở khu vực này có đến 6 nhà máy xi măng, 57 cơ sở khai thác khoáng sản, 75 cơ sở khai thác, chế biến đá, bột đá siêu mịn, 16 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng khác và 54 bến xuất đá.
Những nhà máy, cơ sở khai thác và chế biến vật liệu góp phần thúc đẩy kinh tế, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động… Tuy nhiên, với việc hàng loạt các cơ sở, công ty ngày càng nở rộ tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây ngày càng xấu đi nghiêm trọng. Đặc biệt là hàm lượng bụi tại những điểm nóng ở khu vực phía Tây sông Đáy đều vượt mức cho phép khoảng 2-3 lần.
Việc khu vực này bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là do các doanh nghiệp thực hiện hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn chưa thực hiện đúng quy trình, quy phạm và đầy đủ các biện pháp, giải pháp bảo vệ môi trường đã cam kết. Hạ tầng giao thông khu vực này xuống cấp, cộng thêm lưu lượng xe tải chuyên chở vật liệu xây dựng chạy qua quá nhiều dẫn đến bụi bẩn nhất là khu vực cầu Kiện Khê.
Theo kết quả phân tích của Viện Khoa học công nghệ và môi trường quan trắc vào tháng 8/2015 tại 5 khu vực gồm: Thanh Thủy, Thanh Tân, Thanh Nghị, Thanh Hải và thị trấn Kiện Khê, đều có chỉ tiêu bụi ở tất cả các mẫu đều cao hơn quy chuẩn cho phép.
Cụ thể là tại thôn Hải Phú, xã Thanh Hải có hàm lượng bụi tổng cao hơn quy chuẩn cho phép khoảng 2,17 lần; tại thôn Bồng Lạng, xã Thanh Nghị có hàm lượng bụi tổng vượt quy chuẩn cho phép khoảng 3,15 lần; ở thôn Nam Công, xã Thanh Tân có hàm lượng bụi tổng cao hơn khoảng 1,96 lần; tại thôn Đồng Ao, xã Thanh Thủy có hàm lượng bụi tổng cao hơn quy chuẩn cho phép khoảng 2,69 lần; tại khu vực thị trấn Kiện Khê có hàm lượng bụi tổng cao hơn quy chuẩn cho phép khoảng 3,09 lần.
Để tự cứu mình, người dân phải mua vải, rèm, mành che kín cửa sổ, cửa chính. Khổ nhất là nhà nào có trẻ nhỏ, nếu không có chỗ gửi nhờ đành phải đóng kín cửa 24/24h, nhưng bụi vẫn lọt qua từng khe nhỏ nhất len lỏi khắp nhà. Tình trạng bụi bẩn khiến cuộc sống người dân vô cùng khốn đốn.
Mặc dù đã người dân các khu vực này liên tục làm đơn kiến nghị, yêu cầu nhưng công tác bảo vệ môi trường tại khu vực phía Tây sông Đáy vẫn tồn tại nhiều vấn đề chưa được giải quyết dứt điểm.
Đặc biệt như tình trạng xe chuyên chở hàng hóa, chạy tốc độ nhanh gây ô nhiễm bụi, tiếng ồn, gây mất an toàn giao thông; các cầu cảng, máng rót vật liệu trên sông Đáy hoạt động tự phát chưa được xử lý nghiêm; chưa kiểm soát chặt chẽ việc cấp vật liệu nổ công nghiệp tương ứng với công suất dự án khai thác đá…
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại khu vực phía Tây sông Đáy, phía UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương một mặt tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đối với các chủ doanh nghiệp, các ngành, nhân dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp chấp hành nghiêm, đúng, đầy đủ các quy định về trong hoạt động ở lĩnh vực môi trường…
UBND tỉnh Hà Nam cũng kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp tái phạm, cố tình vi phạm có thể dừng hoạt động, hoặc thu hồi giấy phép khai thác.
Phía người dân cũng rất mong các cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc nhằm hạn chế bụi bẩn, ô nhiễm môi trường…để người dân có môi trường trong sạch yên tâm sinh sống và làm việc.
Đức Văn