1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Mắc bệnh tâm thần vì lấy chồng ngoại

M lấy chồng Đài Loan. Chưa đầy 1 tháng ở nhà chồng, M bị đưa về nước, thân thể rũ rượi trong bộ quần áo cũ nát. M bị đuổi về vì mắc bệnh tâm thần phân liệt.

21 ngày địa ngục

 

Trưa miền Tây nắng như đổ lửa, chiếc xe ôm rách nát chở ba người băng qua quãng đường 60 cây số từ một miền quê yên bình về trung tâm thành phố Cần Thơ. Hai người đàn ông kẹp giữa một người phụ nữ xinh đẹp giãy giụa, cào cấu, kêu khóc thảm thiết. Thỉnh thoảng, một tiếng thét vang lên, chiếc xe chao đảo, tấp vào lề đường một lúc rồi đi tiếp. Họ đến Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ để chữa bệnh cho cô gái, mỗi tháng một lần…

 

Cô gái đó tên là M, ở ấp Phúc Lộc 1, xã Trung Nhứt (Thốt Nốt, Cần Thơ). M trở về từ Đài Loan năm 2001. Bây giờ, mỗi khi tỉnh táo, cô chỉ còn nhớ loáng thoáng về một buổi trưa nào đó, người mai mối tại thành phố Cao Hùng (Đài Loan) đến nhà chồng cô bảo cô thu xếp đồ đạc rồi đưa thẳng ra sân bay.

 

Mẹ M kể lại: Từ Đài Loan trở về, khi đến sân bay Tân Sơn Nhất, cô chỉ còn độc mỗi bộ quần áo cũ nát. Người phụ nữ ngày xưa dẫn mối đưa cô sang Đài Loan giúi vào tay gia đình cô 100 ngàn đồng rồi “chuồn” thẳng.

 

M không còn nhận ra cha mẹ hay người thân nữa. Họ đưa cô đến Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ khám bệnh, kết quả: M bị bệnh tâm thần phân liệt, dân gian gọi là điên!

 

Năm 2001, M 18 tuổi, cùng hơn 10 cô gái trẻ đẹp khác trong xã được chọn đưa đi lấy chồng Đài Loan. Bà mẹ M nhớ rõ sau một đám cưới tập thể chóng vánh tại TPHCM, bà “cò” T.H đưa cho gia đình 1 triệu đồng. Đó là tiền của gia đình chú rể trả sau khi trừ các chi phí.

 

Rồi họ đưa M đi theo chồng. 21 ngày sau, bà nhận được một cuộc điện thoại lên sân bay đón con. Năm đầu tiên, bệnh tình của M rất nghiêm trọng. Sau khi xuất viện về nhà, cô vẫn còn hoảng loạn đập phá hết đồ đạc, nửa đêm bỏ đi lang thang. Người nhà phải dùng xích sắt trói cô vào chân giường.

 

M bây giờ đã 25 tuổi, bệnh tình đã thuyên giảm rất nhiều. Cô vẫn xinh đẹp với nụ cười rất tươi, thậm chí nói chuyện rất có duyên, chỉ thỉnh thoảng bị lạc đề. “Bác sĩ bảo đừng chọc tức em là được” - cô hồn nhiên.

 

“Em lành bệnh rồi, thật đấy! Anh mà đưa em qua sân bay Cao Hùng (Đài Loan) là em tìm được nhà chồng ngay”. “Thế chồng em tên gì?”. “Dạ không biết, nó hơn em 20 tuổi”. “Anh ta làm nghề gì?”. “Cũng không biết, ổng đi từ sáng sớm, tối mịt mới về!”.

 

M kể cô ở chung với mẹ chồng và một ông anh chồng hành nghề ăn xin, mình đầy ghẻ lở. Mỗi bữa ăn, bà mẹ chồng bắt cô uống một lọ thuốc màu đen có mùi hăng hắc, cô không uống là bị đánh. M chẳng biết là thuốc gì, hỏi cũng chẳng biết tiếng, thế là làm theo. Mẹ chồng nhốt cô trong nhà không cho đi đâu. Cô cũng chẳng mấy khi được thấy mặt chồng mình. M sống như thế được 21 ngày thì phát bệnh.

 

Mẹ M nuốt nước mắt tâm sự: “Nhà nghèo quá, mong nó đi lấy chồng gửi tiền về giúp gia đình, ai ngờ…”. Từ năm 2001, mỗi tháng phải đưa M đến bệnh viện khám và thuốc men chữa trị hết 300 ngàn đồng. Gia đình bà không có ruộng đất, phải đi làm mướn và vay thêm tiền chữa bệnh. Đến nay, gia đình đã mang nợ vài chục triệu đồng.

 

Mắc bệnh tâm thần vì lấy chồng ngoại - 1
 

M hạnh phúc trong ngày cưới.

 

Năm 2003, tưởng M lành bệnh, gia đình tháo chiếc xích khỏi chân cô. Đêm đó M bỏ nhà đi. Cô bảo lên Cần Thơ làm ăn. Vài ngày sau, người nhà tìm thấy cô ở tận Đồng Tháp. Và sau 9 tháng, con gái M ra đời.

 

M bảo cha đứa bé cũng ở Thốt Nốt, nhưng chẳng bao giờ ghé thăm đứa nhỏ. Nhà thêm một miệng ăn và bớt đi một người làm vì mẹ M phải lo cho hai mẹ con cô, gánh nặng đè lên vai người cha đã ngoài 60.

 

Chẳng ai trong nhà còn biết cười, trừ M thỉnh thoảng lên cơn mê muội.

 

Không có thiên đường

 

Dân ấp Phúc Lộc 1 ai cũng biết câu chuyện của H, cách chỗ M vài con ngõ. H may mắn hơn vì lấy được tấm chồng tử tế ở Đài Loan, có nghề nghiệp ổn định và yêu thương cô hết mực.

 

H theo chồng năm 2003, thường xuyên gọi điện và gửi tiền về nhà. Bẵng đi 2 năm không thấy cô liên lạc, một ngày nọ gia đình chồng dẫn cô về Việt Nam trả lại.

 

Từ một cô gái xinh đẹp H biến thành một người xấu xí, già nua, không nói với ai một lời nào. Cô co rúm vào góc phòng nói huyên thuyên một mình. Gia đình tìm cách chạy chữa khắp nơi nhưng không khỏi.

 

Năm trước, chồng cô từ Đài Loan sang, năn nỉ gia đình được đưa cô đi chữa bệnh. Nhiều người kể cô đã lành hẳn và sinh con, người khác bảo cô đã điên nặng nên chồng cô giấu luôn bên xứ người.

 

Cả xã Trung Nhất có 5 người lấy chồng Đài Loan đã ly dị và bỏ về. Tất cả họ đều trở nên u uất, trầm cảm. Nhiều người bỏ địa phương đi đâu không rõ.

 

Cũng trong năm 2003, Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ tiếp nhận một bệnh nhân là người đi lấy chồng Đài Loan trở về. T ở ấp Xáng Mới, xã Thạnh Xuân (Châu Thành A, Hậu Giang) nhập viện trong tình trạng mất trí nhớ, thỉnh thoảng lên cơn điên loạn.

 

Cô phải mất 3 năm điều trị đặc biệt mới qua được hiểm nghèo nhờ có sự quan tâm chăm sóc đặc biệt của người bây giờ là chồng cô. Hết bệnh, hai người lấy nhau rồi dắt díu nhau lên Sài Gòn làm ăn. Đến bây giờ, T vẫn chưa thôi ám ảnh về những ngày tháng đắng cay tủi nhục nơi đất khách.

 

Nỗi đau không hồi kết!

 

Bác sĩ Lê Hoàng Vũ ở Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều ca giống như M, H và T. Những cô gái lấy chồng nước ngoài thường rơi vào hoàn cảnh bị ép buộc, bị đặt vào một môi trường xa lạ, không người trò chuyện dẫn đến bị lạc lõng dần dần sinh ra trầm uất. Người không được chia sẻ, thông cảm thì dẫn đến rối loạn tâm thần cấp; bị ngược đãi thì dẫn đến điên loạn.

 

Y sĩ Lương Hiền Thành thì khẳng định hiện tượng các cô gái lấy chồng Đài Loan bị bệnh thần kinh trở về là không ít nếu không muốn nói là đã trở thành “hội chứng”. Chỉ những trường hợp bị nặng, người nhà mới đưa vào bệnh viện, hàng trăm trường hợp khám và điều trị tại các phòng mạch tư do sợ lộ chuyện.

 

Một ngày lân la tại xã Trung Nhất, có hàng trăm câu chuyện về các cô dâu xứ người, nhưng toàn là chuyện buồn.

 

6 tháng đầu năm 2007, có 25 người trong xã lấy chồng Hàn Quốc, 7 người lấy chồng Đài Loan. Đặc biệt, có đến 235 chị em xin xác nhận độc thân, sẵn sàng xuất ngoại. Con số cho thấy làn sóng lấy chồng ngoại tại các vùng quê ĐBSCL không hề thuyên giảm dù hàng loạt rủi ro đã được khuyến cáo.

 

Mỗi năm, hàng ngàn cô gái vẫn lũ lượt tìm đường đến miền đất hứa với tham vọng đổi đời. Không ít trong số đó vĩnh viễn mang trong mình bệnh tật và nỗi đau không hồi kết.

 

Theo Thùy Trang

VietNamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm