TPHCM:
“Ma trận” dây điện chằng chịt trên đầu dân
(Dân trí) - Đã qua năm văn minh đô thị, đường sá TPHCM có vẻ bớt lô cốt hơn, thế nhưng, dọc theo nhiều tuyến phố vẫn còn chi chít những “mạng nhện” lơ lửng trên đầu.
Nam Bộ đang vào mùa mưa. An toàn lưới điện cho người đi đường, dân cư đang được đặt lên hàng đầu. Thế nhưng, thực tế vẫn còn những thòng lọng dây điện ở nhiều tuyến đường. Một trụ điện “ôm đủ” loại dây điện, cáp viễn thông và nhiều loại dây “vô chủ” khác. Điều đáng nói, năm nào TPHCM cũng có kế hoạch dẹp gọn dây thông tin trên cột điện nhưng hầu như chưa đạt được hiệu quả. Cột điện đang rối như tơ vò bởi các loại dây cáp.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 20 đơn vị được phép xây dựng hạ tầng mạng viễn thông, Internet đang sử dụng chung trên 211.860 cột điện do ngành điện quản lý thông qua các hợp đồng, thỏa thuận sử dụng trụ điện. Chính vì thế, trụ điện “cõng” trên mình thêm trọng lượng nên quá tải.
Chiều 15/8, đi dọc các tuyến đường như Ngô Tất Tố, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Chính Thắng, Nơ Trang Long, Cách Mạng Tháng Tám… vẫn còn xuất hiện khá nhiều “mạng nhện” giăng chằng chịt. Trên đường Đinh Bộ Lĩnh, do mưa lớn, một dây điện sà xuống, chắn ngang mặt tiền khiến việc kinh doanh của một số tiệm bị cản trở. Khách hàng không dám vào mua vì sợ bị điện giật nếu vướng phải cái “thòng lọng” trước cửa hàng…
Điều đáng nói, hiện TPHCM đã vào mùa mưa, nên việc trụ điện “ôm” đủ loại dây khiến trở nên quá tải. Như cây trụ điện dưới gầm cầu chui Nguyễn Hữu Cảnh, đang oằn mình, nghiêng hẳn sang một bên bởi “gánh” quá nhiều cáp viễn thông… “Mạng nhện” lơ lửng trên đầu không những làm mất mỹ quan mà còn đang đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng con người.
UBND TPHCM cho biết, trong năm 2011, TP sẽ chỉnh trang, làm gọn cáp viễn thông trên 446 đoạn tuyến đường, 26.778 cột điện với tổng chiều dài hơn 600 km đường. Sắp tới, TP cũng có đề án ngầm hóa cáp viễn thông nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, công tác này còn gặp nhiều khó khăn do thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, địa phương; kỹ thuật thi công, kinh phí ngầm hóa của ngành điện rất phức tạp và lớn hơn rất nhiều so với ngành viễn thông. Hiện chưa có đơn giá cho thuê hạ tầng ngầm hóa…
Công Quang