(Dân trí) - "Ma trận" giếng nước lan dần khắp đảo Lý Sơn. Giếng nước giúp cuộc sống sinh sôi giữa biển cả. Nhưng sự phát triển quá ồ ạt đã làm cho đảo ngày càng "khát".
Từ những miệng giếng đầu tiên bên bờ biển, "ma trận" giếng nước lan dần khắp đảo Lý Sơn. Giếng nước giúp cuộc sống sinh sôi giữa biển cả. Nhưng sự phát triển quá ồ ạt lại làm cho đảo ngày càng "khát".
Huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) được hình thành từ quá trình phun trào của núi lửa hàng triệu năm trước. Hòn đảo vốn được gọi là Cù Lao Ré chỉ rộng chừng 10km2, phần lớn diện tích là đồi núi.
Hàng trăm năm trước, những cư dân Cù Lao Ré đã dò tìm mạch nước, đào giếng bên bờ biển. Từ những miệng giếng đầu tiên phục vụ sinh hoạt, giếng nước ngày càng sinh sôi nhanh hơn để phục vụ sản xuất. Những miệng giếng cứ thế lan ra khắp các cánh đồng. Có điều lạ là, số lượng giếng nước càng tăng thì đảo Lý Sơn càng "khát".
Mùa hè, đảo Lý Sơn quay quắt nắng. Khắp đảo, người dân bắt đầu xuống giống vụ hành mới. Vụ này, gia đình ông Đặng Anh cũng trồng 5 sào hành.
Là chủ giếng nước "khủng" nhất đảo nhưng ông Đặng Anh (52 tuổi) vẫn không khỏi lo lắng. Nắng quay quắt khiến lượng nước trong giếng sụt giảm nhanh chóng. Với đà này, năm nay đảo Lý Sơn có thể lại thiếu nước.
Đảo Lý Sơn có hơn 2.000 giếng nước nhưng nổi tiếng nhất là giếng cổ Xó La, giếng ông Anh và giếng ông Lý. Trong đó, giếng ông Đặng Anh là giếng nước lớn nhất đảo.
Giếng ông Anh được đào năm 2004 với miệng rộng 7,5 mét, sâu hơn 8 mét. Đây là giếng nước thứ 3 của gia đình ông Anh. Thời điểm đó, việc đào giếng hoàn toàn thủ công. Khó khăn lớn nhất là đảo Lý Sơn có một tầng đá cách mặt đất chỉ vài mét. Thợ đào giếng phải dùng chất nổ phá đá rồi tỉ mẫn đục đẽo. Đội thợ 5 người ròng rã khoét đá suốt 4 tháng mới bắt gặp mạch nước.
Tìm được mạch nước, người thợ lại cần mẫn kè đá kín từ thành đến đáy, chỉ để trống chỗ có mạch nước. Sở dĩ phải làm như thế bởi giếng này có 2 mục đích: một là tìm mạch nước, hai là biến giếng thành hồ chứa. Mùa khô, ông Anh bơm nước từ các giếng nhỏ xung quanh vào giếng lớn để trữ. Việc kè đá sẽ hạn chế lượng nước thẩm thấu. Có như vậy mới mong đủ nước canh tác .
"Bao nhiêu của cải tích góp rồi phải vay mượn thêm mới đủ đào giếng. Hồi đó tính ra phải mất đến 12 cây vàng, bằng cả gia tài đấy. May là đụng mạch nước, còn không là trắng tay", ông Anh nói.
Dù lớn nhất nhưng giếng ông Anh thường xuyên trơ đáy. Mùa khô, hơn 2.000 giếng nước khác trên đảo Lý Sơn cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Duy chỉ có giếng Xó La và giếng ông Lý là chưa bao giờ cạn nước.
Với người dân đất đảo Lý Sơn, những giếng nước không cạn trở thành điều đặc biệt. Do vậy, họ gọi giếng Xó La là giếng Vua, còn giếng ông Lý là giếng Thần.
Xó La là một giếng cổ nằm sát bờ biển, nước trong vắt quanh năm. Tuy vậy, giếng Xó La chỉ cung cấp một lượng nước nhỏ cho sinh hoạt. Trong khi đó, giếng ông Lý được ví như trạm cung cấp nước cho một cánh đồng rộng lớn.
Nhiều người khẳng định giếng ông Lý mới chính là giếng có lượng nước lớn nhất đảo. Nhìn vào khoảng 30 đường ống máy bơm chen kín thành giếng mới thấy nhận định này hoàn toàn có cơ sở.
Hơn 50 năm trước, gia đình ông Phạm Khắc Lý bắt tay đào giếng tìm nước trồng tỏi, hành. Ngoài 3 người trong gia đình, ông Lý thuê thêm 3 thợ đào giếng chuyên nghiệp. Giếng ông Lý rộng khoảng 3m, sâu 10m nhưng phải mất đến 6 tháng mới hoàn thành.
Ông Phạm Khắc Tráng (con trai ông Lý) cho biết, sau 6 tháng với không biết bao nhiêu công sức, tiền của, cha ông mới tìm được mạch nước. Nước trong giếng dâng cao không quá 1m nhưng chưa bao giờ cạn. Nguồn nước quá dồi dào nên nhiều người đến xin đặt máy bơm. Dù tốn không ít công sức đào giếng nhưng gia đình ông sẵn sàng chia sẻ nguồn nước miễn phí. Vì vậy, có thời điểm giếng phải gánh đến 35 máy bơm.
"Trong khi giếng nước khắp đảo cạn trơ đáy thì giếng này vẫn còn nước. Máy bơm chạy suốt ngày đêm không cạn. Người dân ở đây gọi giếng do cha tôi đào là giếng Thần", ông Tráng nói.
Mùa này, người nông dân Lý Sơn lại tất bật với việc tìm nước đưa về ruộng. Ông Phạm Văn Tú tất tả chạy quanh cánh đồng xem các điểm đấu nối của giếng đào với các điểm giếng khoan trước khi đóng điện cho máy bơm nước.
Nhà ông Tú cũng có giếng đào nhưng năm nào đến mùa này cũng cạn. Ông Tú phải xin đặt máy ở những giếng còn nước. Từ giếng chính, ông Tú kéo hơn 200 mét ống dẫn nước về ruộng. Có điều giếng chính cũng chẳng có quá nhiều nước. Cứ bơm khoảng 40 phút là giếng cạn, phải tắt máy đợi cho nước đầy trở lại. Cứ thế, ông Tú phải mất 4 giờ mới tưới xong cho ruộng hành.
"Mới đầu vụ nên vẫn còn nước, nhưng khoảng nửa tháng nữa là bắt đầu thiếu. Trồng hành phải tưới ít nhất 3 lần mỗi tuần, ruộng hành 500m2 cần khoảng 5m3 nước. Vậy nên mùa khô là thiếu nước, phải xin nước từ các giếng xung quanh rồi thay nhau tưới suốt ngày đêm", ông Tú nói.
Từ những miệng giếng đầu tiên bên bờ biển, "ma trận" giếng nước lan dần khắp đảo Lý Sơn. Ở thời ông Lý, ông Anh, những giếng nước giúp cuộc sống sinh sôi giữa bốn bề biển cả. Nhưng sau đó, sự phát triển ồ ạt lại khiến hòn đảo này ngày càng "khát".
Trước kia, phải mất từ 3-6 tháng mới đào xong một giếng nước. Bây giờ, chỉ cần một ngày, máy móc có thể hoàn thành một giếng khoan. Trước năm 2014, huyện đảo Lý Sơn có chưa đến 500 giếng nước thì đến năm 2017 con số này đã là 2.100 giếng. Trong số này có gần một nửa là giếng đào.
Năm 2014 là thời điểm Lý Sơn được nhiều người biết đến do có những giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử và di sản địa chất. Vì thế, loại nông sản chủ lực của đất đảo là hành, tỏi cũng bắt đầu nổi tiếng. Diện tích trồng hành, tỏi tăng lên nhanh chóng kéo theo tình trạng người dân ồ ạt đào, khoan giếng lấy nước phục vụ sản xuất.
"Ma trận" giếng nước khiến tầng nước ngầm trên đảo suy giảm nghiêm trọng. Giai đoạn 2012-2017, bề dày tầng nước ngầm trên đảo đã giảm 12 mét, nguồn nước mặn xâm lấn sâu vào đất liền đến 800 mét. Trữ lượng nước có thể khai thác từ 15.600 m3/ngày/đêm giảm xuống chỉ còn 3.200m3/ngày/đêm. Đó là lý do hàng nghìn giếng nước cạn trơ đáy vào mùa khô.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Đặng Tấn Thành, sự phát triển quá nhanh của ruộng hành, tỏi đã "hút cạn" nguồn nước ngầm trên đảo. Huyện đảo hiện có hồ chứa nước trên đỉnh núi Thới Lới và đang xây dựng những hồ chứa khác. Tuy nhiên, trữ lượng nước ngọt của các hồ quá nhỏ so với nhu cầu canh tác nông nghiệp.
Mặt khác, tốc độ bê tông hóa ngày càng nhanh khiến lượng nước thẩm thấu sụt giảm. Cùng với đó, tình trạng khoan giếng diễn ra tràn lan đã khiến nguồn nước ngầm suy giảm nghiêm trọng.
"Túi nước ngầm ngày càng bị bóp nghẹt. Mùa nắng hầu như tất cả giếng nước đều khô cạn, nhiễm mặn", ông Thành thông tin.
Đứng trước thực trạng đó, năm 2016, tỉnh Quảng Ngãi đã cấm đào, khoan giếng mới để bảo vệ túi nước ngọt trên đảo Lý Sơn. Bất cứ tổ chức, cá nhân nào muốn khoan giếng đều phải xin phép. Tuy nhiên, tình trạng khoan giếng trái phép vẫn tiếp tục tái diễn. Hàng năm, chính quyền địa phương phát hiện, xử phạt nhiều trường hợp lén lút khoan giếng lấy nước trồng hành, tỏi.
"Có rất nhiều giải pháp, nhưng quan trọng nhất là phải giảm được diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Muốn vậy phải đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển dịch vụ du lịch. Phải bảo vệ được nguồn nước ngầm mới đảm bảo cho huyện đảo phát triển bền vững", ông Thành nói.
Huyện đảo Lý Sơn nằm cách đất liền 17 hải lý. Huyện đảo có khoảng 22 nghìn dân. Nhiều năm qua, đảo Lý Sơn trở thành điểm nhấn trên bản đồ du lịch Việt Nam với những danh lam thắng cảnh như chùa Đục, hang Câu, cổng Tò Vò, những bãi tắm trong xanh... cùng văn hóa bản địa độc đáo. Trước khi đại dịch bùng phát, mỗi năm huyện đảo đón trên 250.000 lượt du khách
Bài & Ảnh: Quốc Triều
Thiết kế: Thủy Tiên