Lý giải về nữ sinh có mái tóc... bốc khói
TS Nguyễn Văn Khải gọi đó là hiện tượng “hóa chất thăng hoa”. Nguyên nhân không thể xuất phát từ bên trong cơ thể. Nếu trong máu có lượng hóa chất đủ để thăng hoa thành hiện tượng bốc khói thì H. đã không thể sống được. Nếu do thức ăn thì em sẽ chết vì ngộ độc trước khi... bốc khói.
Ngày 10/1, sau một ngày nhập viện, các bác sĩ bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sức khỏe của H. không có thay đổi gì đáng chú ý. Bệnh viện đã làm một số xét nghiệm tâm lý, điện não đồ và điện tâm đồ nhưng không phát hiện biểu hiện bất thường.
Chiều cùng ngày, để ổn định tâm lý, bố H. đã chuyển em về nhà người thân. Hai bố con cũng đã bớt lo lắng hơn và tin rằng có thể do mặc áo dạ và áo len nên xảy ra hiện tượng bốc khói do tích điện.
Ẩn chứa khả năng đặc biệt
Chuyên gia nghiên cứu tiềm năng con người Nguyễn Phúc Giác Hải nhận định, hiện tượng mái tóc bốc khói như em H là khá hiếm. Tuy nhiên, theo ông Hải, trên thế giới vẫn có một số người có khả năng tự bốc cháy bằng năng lượng của mình. Đến nay các nhà khoa học trên thế giới chưa lý giải được việc này.
Tại Việt Nam, năm 2006, ở một tỉnh phía Nam, một cháu bé phát ra lửa gây cháy rơm rạ, quần áo. Về trường hợp của em H, ông Hải khẳng định, mặc áo len, dạ không liên quan đến việc phát hỏa. Ông Hải cho rằng vẫn cần phải tiếp tục theo dõi, nguyên nhân rất có thể xuất phát từ một khả năng đặc biệt nào đó bên trong cơ thể em.
Có thể chữa bằng... gội đầu
Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải gọi đây là hiện tượng “hóa chất thăng hoa”. Ông cho rằng, nguyên nhân không thể xuất phát từ bên trong cơ thể. Nếu trong máu có lượng hóa chất đủ để thăng hoa thành hiện tượng bốc khói thì cũng với nồng độ đó, H. không thể sống được. Nếu do thức ăn thì em sẽ bị chết vì ngộ độc trước khi... bốc khói.
Dưới góc độ vật lý học, chỉ có thể lý giải là do một chất dễ cháy ở môi trường bên ngoài, tiêu biểu như phốt pho. Thêm vào đó, tóc cô học sinh này lại khá dài làm tăng sự ma sát, khi giao thoa với môi trường không khí sẽ tạo ra sự bốc khói. Thậm chí là có thể cháy thành ngọn lửa. Còn sự tích điện tại áo len hay áo dạ chỉ có thể tạo ra những tiếng nổ hoặc tia lửa chứ không thể nào gây cháy. Ông Khải khẳng định có thể “chữa” hiện tượng này bằng phương pháp rất bình thường là... gội đầu.
Dự kiến hôm nay, Bệnh viện Nhi Trung ương sẽ tiến hành xét nghiệm tâm lý đối với H. Nếu không có gì thay đổi sẽ cho em xuất viện. Các bác sĩ cũng không xác định được nguyên nhân gây nên hiện tượng trên và cho biết từ trước đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương chưa gặp trường hợp nào như thế.
Theo Người Lao Động