1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Lý giải hành động “Nữ sinh đánh bài cởi áo”

(Dân trí)- Trao đổi với <i>Dân trí</i>, Ths tâm lý giáo dục Trần Văn Thức nhận định, việc nữ sinh chơi bài cởi áo ngay trong lớp có thể là hành động bộc phát nhưng cũng cần tìm hiểu, phải chăng những việc chúng ta cho là bất bình thường thì giới trẻ lại thấy… bình thường.

Lý giải hành động “Nữ sinh đánh bài cởi áo” - 1
Sau hàng loạt video clip nữ sinh đánh nhau, nay lại xuất hiện clip nữ sinh chơi bài cởi áo ngay trong lớp nên nhiều người lo ngại về việc xuống cấp lối sống của một bộ phận học sinh hiện nay. Dưới góc độ một nhà tâm lý, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Ở đây tôi không bàn về trường hợp cụ thể em học sinh và không có ý định bình luận về tính đúng sai hay đạo đức cá nhân. Bởi hành động của em học sinh có thể chỉ là một hành động bộc phát, nhất thời nông nổi. Cái tôi muốn đặt ra ở đây là vấn đề trên diễn ra như thế nào ở giới trẻ? Có hay không một thực tế trước những hiện tượng như trên, chúng ta thấy là không bình thường, không ổn, đáng lo ngại… thì với một bộ phận học sinh, có thể lại coi đó là bình thường, không có gì ghê gớm.

Theo ông, tại sao các em lại có hành động như vậy?

Đã có những nghiên cứu và tài liệu thống kê cho thấy cần phải lưu tâm về hiện tượng phạm pháp, lối sống thiếu lành mạnh ở một bộ phận thanh thiếu niên. Tôi không cho hiện tượng nêu trên đã tới mức phổ biến nhưng có lẽ nó không còn quá cá biệt, bởi nếu không thì dư luận xã hội đã chẳng phải quan ngại như vừa qua. Vấn đề đặt ra ở đây là phải có sự quan tâm thỏa đáng, để những hiện tượng còn cá biệt không trở nên phổ biến.

Còn tại sao các em lại có hành động như vậy? Trước hết phải khẳng định có nhiều nguyên nhân. Chúng ta nói nhiều đến mặt trái của cơ chế thị trường, của văn hóa phẩm độc hại, sự thiếu quan tâm của gia đình, tệ nạn xã hội… các nguyên nhân đó đặt ra là đúng đắn. Bên cạnh đó ở đây tôi muốn đề cập đến khía cạnh chủ quan ở thiếu niên nói chung, đó là đặc trưng tâm sinh lý lứa tuổi.

Học sinh phổ thông rất nhạy cảm trước các ảnh hưởng từ môi trường, nhất là những yếu tố mới lạ. Các em dễ tiếp cận những nguồn thông tin đa dạng với tính chất khác nhau, điều này có thể tạo ra nhận thức, thái độ tiêu cực và đưa đến những hành vi sai lệch.

Một lý do nữa tôi muốn lưu ý là mọi học sinh dường như không bao giờ muốn mình là một “con số không”, nên bằng cách này hay cách khác đều muốn khẳng định một “giá trị” nào đó của mình, vì vậy sẽ có những em học sinh tuy học kém nhưng vẫn “tự tin” bởi mình là người sành điệu hay nổi tiếng với vai trò là thủ lĩnh của một nhóm. Điều này dẫn đến xu thế khẳng định “giá trị ngược” ở học sinh, ngược lại với mong muốn của người lớn.

Đây là lứa tuổi chuyển tiếp từ trẻ con sang người lớn nên tạo ra nhiều khó khăn với chính bản thân các em, với cả cha mẹ và thầy cô giáo. Trẻ muốn khẳng định mình là người lớn trong khi hiểu biết, kinh nghiệm, kỹ năng cũng còn hạn chế nên hành động của các em dễ bộc phát, cảm xúc dễ lấn át lý trí.
 
Lý giải hành động “Nữ sinh đánh bài cởi áo” - 2
Hình ảnh trích từ clip "Nữ sinh đánh bài cởi áo". (Ảnh chụp qua màn hình)

Cá nhân ông có thế đưa ra biện pháp nào để giải quyết tình trạng này?

Theo quan điểm của tôi, việc tạo ra môi trường giáo dục thống nhất giữa gia đình, nhà trường và xã hội là hết sức quan trọng. Giúp học sinh định hướng giá trị đúng đắn, không thành kiến với học sinh chưa ngoan, tránh tạo ra hiện tượng khẳng định “giá trị ngược” nhất là ở học sinh cá biệt.

Cách nhìn, cách nghĩ của học sinh nhiều khi không giống với người lớn. Vì thế, chúng ta phải hiểu học sinh ở mọi khía cạnh tâm sinh lý, có sự đồng cảm với khó khăn của các em trong quá trình học tập và phát triển.

Ông có lời khuyên gì với phụ huynh của nữ sinh cởi áo trong video clip?

Trong tình huống này thì phụ huynh nên bình tĩnh, không buông những lời mắng mỏ, miệt thị mà phải gần gũi, động viên chia sẻ với con và giải thích, phân tích cho con hiểu làm như thế là không được, không văn minh chút nào. Hành vi đó của con là dại dột. Cha mẹ hy vọng lần sau, con suy nghĩ kỹ hơn trước mọi vấn đề.

Theo tôi, cha mẹ nên giáo dục chỉ bảo con để các con tự nhận ra hành vi sai trái của mình bởi các bậc làm cha, làm mẹ không thể theo con đi suốt cuộc đời.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Hạnh (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm