1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Lượng nước thấm qua thân đập thủy điện sông Tranh 2 chưa giảm

(Dân trí) - Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Hoàng Quốc Vượng, thực tế lượng nước thấm qua thân đập chưa giảm mà chỉ thu về các đường ống... Ngay các số liệu về lượng nước thấm từ chính EVN cũng chưa cho thấy sự khả quan.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1934/Su-co-o-thuy-dien-Song-Tranh-2.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Sự cố ở thủy điện Sông Tranh 2</b></a>

Ngày 18/5, Chủ nhiệm UB Khoa học - công nghệ và môi trường Quốc hội - ông Phan Xuân Dũng – dẫn đầu đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra, giám sát việc khắc phục sự cố rò rỉ ở thủy điện Sông Tranh 2.
 
Tham gia hoạt động giám sát và làm việc lần này còn có lãnh đạo các Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên môi trường cùng các nhà khoa học đầu ngành và UBND tỉnh Quảng Nam.
 
Lượng nước thấm qua thân đập thủy điện sông Tranh 2 chưa giảm
Đoàn UB KHCN-MT Quốc hội kiểm tra, giám sát thực tế trong hành lang thân đập thủy điện Sông Tranh 2

Một thông tin làm mọi người bất ngờ nhất trong báo cáo của đại diện Tâp đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là lượng nước thấm qua thân đập kể từ ngày 31/3 đến nay giảm dần từ 91,6 l/s đến 71,57 l/s sau khi tiến hành các biện pháp chống thấm ban đầu.

Như vậy, không phải con số 30 l/s như báo cáo của BQL dự án thủy điện 3 khi sự cố thủy điện Sông Tranh mới được đưa ra công luận, hay như báo cáo 75 l/s ngày 18/4 khi đoàn lãnh đạo cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đi kiểm tra.
 
Lượng nước thấm qua thân đập thủy điện sông Tranh 2 chưa giảm
Ông Phan Xuân Dũng (ảnh giữa), Chủ nhiệm UB KHCN-MT Quốc hội tại buổi làm việc sáng 18/5

Mặc khác, qua báo cáo cũng nhận thấy số lượng nước thấm qua thân đập Sông Tranh 2 đến thời điểm này vẫn không hề giảm nhiều so với cách đây một tháng nhưng lượng nước này đã được xử lý bằng cách đưa vào các đường ống thu gom cho chảy về hạ lưu.

Tại thân đập sáng 18/5, theo quan sát bằng mắt thường, nhiều nơi nước vẫn còn bị rò rỉ chảy thành dòng từ trên thân đập xuống sông. Ngoài ra, dưới chân đập nước vẫn còn rò rỉ thành dòng chảy ra từ các bụi lau sậy hai bên nách thân đập.

Theo báo cáo, lượng nước thấm chủ yếu qua 10 khe nhiệt lớn là K7, K8, K11, K14, K16, K18, K20, K23, K25, K28 chiếm 79% tổng lượng nước thấm, đặc biệt hai khe K11, K16 chiếm 70% tổng lượng nước thấm. Các khe nhiệt còn lại có lưu lượng nước thấm nhỏ chiếm khoảng 8% tổng lượng nước thấm. Lưu lượng nước thấm qua nền chiếm khoảng 6%, lưu lượng nước thấm qua các vị trí bê tông khuyết tật chiếm 7%, tổng lưu lượng nước thấm.

Hiện nay mực nước hồ là 156,8m, tổng lượng nước thấm đo được qua các máng đo ở hố thu cao trình 95m là 75 l/s.
 
Lượng nước thấm qua thân đập thủy điện sông Tranh 2 chưa giảm
Nhiều vị trí trên thân đập nước vẫn còn rò rỉ ra bên ngoài

Sau khi tiến hành kiểm tra giám sát tại hiện trường đập thủy điện Sông Tranh 2, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường Quốc hội (UB KHCN-MT), ông Võ Tuấn Nhân – băn khoăn 3 vấn đề. Đó là chủ đầu tư chưa có báo cáo cụ thể về nguyên nhân hiện tượng rò rỉ nước thân đập; các số liệu quan trắc được còn rất sơ sài; chưa có bản đánh giá toàn diện về sự an toàn thân đập. Bên cạnh đó, kết luận không có vết nứt bất thường chưa có căn cứ khoa học, chưa thuyết phục.

Còn theo Phó chủ nhiệm UB KHCN-MT Quốc hội - ông Lê Quang Huy - đối với Thủy điện Sông Tranh 2, ngoài phương án xử lý do EVN đang tiến hành thì phải có thêm phương án dự phòng các đợt lũ bất thường ở thời điểm này. Đồng thời, cần quan tâm đến phương án chống lũ, bảo vệ nhân dân vì khoảng cách từ đập thủy điện đến khu vực người dân sinh sống rất ngắn.

Ông Huy cũng cho rằng, khi ứng dụng các tiêu chuẩn nước ngoài để xây thủy điện Sông Tranh 2 thì các cơ quan chức năng phải nghiên cứu công nghệ này có phù hợp với điều kiện khí hậu, địa chất của Việt Nam hay không? Phải tính toán toàn diện về công trình thủy điện này và sau đó phải có thông tin cụ thể, minh bạch để an dân.

Bà Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực UB KHCN-MT Quốc hội cũng cho rằng chủ đầu tư phải thẳng thắn nêu ra những khó khăn trong quá trình khắc phục sự cố, đảm bảo thông tin công khai cho người dân yên tâm, từ đó tập trung giải pháp khắc phục cho tốt hơn.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương – ông Hoàng Quốc Vượng cho rằng, thực tế lượng nước thấm qua thân đập chưa giảm mà chỉ thu về các đường ống, việc quan trọng hiện nay là triển khai các giải pháp giảm nước thấm qua thân đập để đảm bảo chất lượng công trình. Cùng với việc triển khai xử lý chống thấm, sẽ tiến hành đánh giá toàn diện từ khâu thiết kế đến thi công và đưa vào vận hành để công bố cho người dân yên tâm.
 
Lượng nước thấm qua thân đập thủy điện sông Tranh 2 chưa giảm
Nước vẫn tuôn ra thành dòng từ dưới chân đập

“Đại diện nhà tư vấn thiết kế và chủ đầu tư thì nói an toàn, còn các chuyên gia đầu ngành thì nói tình trạng đã nguy hại. Thế thì chân lý của sự việc nằm ở đâu?”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng phát biểu.

Hầu hết ý kiến của các đại biểu cho rằng cần thành lập tổ chuyên gia độc lập, trong đó thuê chuyên gia nước ngoài, sử dụng các thiết bị hiện đại, đánh giá trong một khoảng thời gian nhất định để khẳng định bằng luận cứ khoa học rằng đập an toàn. Đồng thời, đề nghị chủ đầu tư đưa tất cả các thiết bị quan trắc đi vào hoạt động để thu thập và xử lý các thông tin từ các thiết bị quan trắc.

Cuối cùng, Chủ nhiệm UB KHCN-MT Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, sự cố tại thủy điện Sông Tranh 2 được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, các cơ quan chức năng đã vào cuộc kịp thời. Ông Dũng đề nghị chủ đầu tư cần tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, các bên liên quan đã trao đổi hôm nay để rút kinh nghiệm, tiến hành khắc phục, xử lý thành công sự cố rò rỉ nước thân đập thủy điện Sông Tranh 2 và trên hết là phải đảm bảo an toàn đối với người dân.

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm