1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lụi tàn những vườn dừa Bình Định

(Dân trí) - Những vườn dừa rộng lớn nối tiếp nhau thành rừng đã từng là niềm tự hào của người Bình Định. Sách cổ còn ghi nhận Tam Quan có giống dừa ngon được chọn tiến vua. Thế nhưng hiện nay, cái niềm tự hào ấy đang bị quên lãng và phải đối diện với nguy cơ tàn lụi do không được đầu tư chăm sóc và dịch bọ cánh cứng gây hại...

Bình Định có diện tích dừa lớn thứ hai cả nước sau Bến Tre, khoảng 13.000 ha với trên 2 triệu cây. Diện tích dừa tập trung nhiều nhất ở các huyện Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ. Trước đây, cây dừa là nguồn hỗ trợ kinh tế chính yếu cho người dân trong vùng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, giá dừa quá thấp, chỉ từ 500-600 đồng/trái dừa khô, đã khiến nguời nông dân trở nên chán nản, không còn bỏ công sức đầu tư chăm sóc, cũng như không phát triển thêm diện tích trồng dừa. Chính vì vậy, diện tích dừa của Bình Định phần lớn là dừa đã già cỗi, thoái hóa, không được xanh tươi như trước nữa. Bên cạnh nỗi buồn bị bỏ rơi, cây dừa ở Bình Định lại còn phải chịu đựng "đại họa" trước sự tàn phá của bọ cánh cứng hại dừa.

 

Tháng 8/2000, bọ cánh cứng xuất hiện và gây hại dừa ở thành phố Quy Nhơn, chỉ sau một thời gian ngắn đã lan rộng hầu hết diện tích dừa trong tỉnh. Các địa phương có diện tích dừa lớn như Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát... đều bị nạn bọ cánh cứng phá hại dừa trên diện rộng. Diện tích dừa ở Bình Định hiện nay đã giảm từ 13.000 ha xuống còn xấp xỉ 11.495 ha, giảm tới 2.500 ha so với năm 2001. Sự tàn phá của bọ cánh cứng đã khiến cho  năng suất và sản lượng quả dừa kém đi rất nhiều.

 

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo ngành chức năng nghiên cứu, khảo sát, tìm biện pháp diệt trừ bọ cánh cứng hại dừa. Đồng thời, hàng năm, UBND tỉnh đều phát động tháng đồng loạt ra quân phòng trừ bọ, hỗ trợ tiền thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cho nông dân với mức 1.000 đồng/cây dừa...

 

Các địa phương cũng tích cực tuyên truyền, vận động tập huấn chuyển giao các biện pháp phòng trừ bọ cánh cứng cho nông dân. Nhiều biện pháp phòng trừ như: phun thuốc BVTV; chặt bỏ, đốt những tàu lá bị nhiễm bệnh, đục thân dừa bỏ thuốc vào thân cây... đã được nông dân áp dụng, nhưng đều mang lại hiệu quả không cao.

 

Bọ cánh cứng là một loại côn trùng có vòng đời khá dài, sinh trưởng và phát triển mạnh vào mùa nắng nóng, hoạt động chủ yếu vào ban đêm. Việc leo trèo lên ngọn dừa để phun thuốc hoặc đục thân cây đưa thuốc vào tiêu diệt bọ cánh cứng là rất khó thực hiện. Hơn nữa, nếu sử dụng nhiều loại thuốc hóa học diệt trừ bọ còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường xung quanh.

 

Ông Đoàn Văn Kim, ở thôn Tấn Thạnh, xã Hoài Hảo (Hoài Nhơn) cho biết: "Ở đây nhà nào cũng có dừa, hộ ít nhất vài chục cây, hộ nhiều hàng trăm cây. Trước đây cây dừa mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các gia đình, nên bà con tích cực phòng chăm sóc, đầu tư diệt trừ bọ cánh cứng. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã khác. Mất công, tốn sức mà không có hiệu quả về kinh tế nên nhiều hộ nản chí chặt bỏ dừa, hoặc phó mặc cho... ông trời!".

 

Trước thực tế của những vườn dừa bị xâm hại bởi bọ cánh cứng, từ năm 2004, Chi cục BVTV đã phối hợp với Trường Đại học Nông lâm (TP Hồ Chí Minh) tiến hành nuôi cấy ong ký sinh vào con bọ cánh cứng, tạo thành một loại thiên địch của đối tượng hại dừa này.

 

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, cán bộ kỹ thuật của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: "Phương pháp này đã được các tỉnh Bến Tre, Phú Yên, Tiền Giang... áp dụng và mang lại hiệu quả cao. Sau khi thả ong vào các vườn dừa, ong sẽ tự tìm kiếm bọ cánh cứng để ký sinh và tiêu diệt bọ. Dùng ong để diệt trừ bọ cánh cứng sẽ không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, môi trường xung quanh, không tốn tiền và công sức của nông dân, mà hiệu quả cao hơn các phương pháp phòng trừ trước đây đã sử dụng".

 

Tính đến thời điểm hiện nay, Chi cục Bảo vệ thực vật đã thả gần 1 triệu con ong ký sinh vào một số vườn dừa ở các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, việc sử dụng ong ký sinh cũng chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Ong ký sinh chỉ phát huy hiệu quả trong mùa mưa, nhiệt độ thấp, trong khi bọ cánh cứng lại hoạt động mạnh trong mùa nắng nóng.

 

Bảo Chương