1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Luật Tiếp cận thông tin: Cột mốc quan trọng trong quá trình dân chủ

(Dân trí) - Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin dự kiến trình Quốc hội lần đầu vào cuối năm 2009 và thông qua vào đầu năm 2010 sẽ trở thành cột mốc quan trọng trong quá trình dân chủ, thể hiện tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Đăng Dung, giảng viên khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, một thành viên trong Ban Soạn thảo Dự Luật này.

 

Ít có luồng thông tin phản biện

 

Thưa PGS, tại sao ở nước ta quyền được tiếp cận thông tin đã được xác định trong Hiến Pháp 1992 nhưng bây giờ mới được đưa ra thành luật?

 

Thực ra quyền tự do thông tin được quy định trong Hiến Pháp 1992 là một quyền rất mới so với trước đây, Hiến Pháp năm 1980, 1959 không có quy định về quyền này. Nó cũng là thành quả phát triển của thế giới đương đại từ khi có CNTT, internet... Chúng ta đang đi theo một “băng chuyền” có tính hệ thống.

 

Nhưng trên Thế giới đã có rất nhiều nước thậm chí có nước đã có luật này cách đây mấy trăm năm. Phải chăng chúng ta đang chậm trễ?

 

Chúng ta chịu ảnh hưởng bởi điều kiện lịch sử. Quyền lực nhà nước rất ít được khẳng định là của công cộng, của chung. Vào thời kỳ kháng chiến giành độc lập, thông tin luôn được bảo mật là điều kiện quan trọng cho các cuộc kháng chiến của chúng ta thành công. Các phong trào ba không: không nói, không biết, không tin trong giai đoạn đó được coi là “quốc sách”. Rồi đến thời kì tập trung bao cấp, chúng ta cũng chỉ có thông tin một phía. Trong lịch sử phát triển của nước ta hầu như chỉ có nhu cầu tuyên truyền một chiều từ Trung ương, Nhà nước xuống cho người dân. Người dân luôn là người bị động. Đó dường như là một thói quen “sâu rễ bền gốc” tới tận bây giờ.

 

Bưng bít thông tin là nuôi dưỡng tham nhũng

 

Một xã hội văn minh là một xã hội mà người dân có quyền được biết những thông tin mà họ cần một cách chính đáng. Nhưng như PGS đã nói, thực tế việc tiếp cận thông tin của người dân ở nước ta còn rất hạn chế. Tại sao vậy?

 

Chúng tôi thường nói với nhau quyền tiếp cận thông tin là thứ quyền thời thượng, quyền quý tộc và cũng có những người đánh giá rằng đó là thứ quyền khá nhạy cảm. Thông tin về nguyên tắc là phải mở, đầu tiên là Chính phủ phải mở, các tổ chức phải mở, các quyết định phải mở để mọi người đều biết, và dễ tiếp cận khi cần thiết.

 

Trong bộ máy nhà nước có 3 quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Trong đó, chỉ hành pháp là thiếu sự “mở” bởi chúng ta hoạt động vẫn theo cơ chế thủ trưởng, quyết định được đưa ra không có sự bàn bạc hoặc có bàn bạc đi chăng nữa, thì khi quyết định Thủ trưởng vẫn là người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước nhân dân. Thế nên mới có chuyện, trong khi luật quy định tham nhũng 500 triệu có thể dẫn tới án “dựa cột”, tử hình thì các quyết định hành chính có khi làm mất của người dân hàng ngàn tỷ đồng, thu lợi cho một cá nhân hàng trăm tỷ đồng thì lại bị “ỉm” đi và chẳng có ai chịu trách nhiệm cả. Câu trả lời chính là sự bưng bít thông tin của các cơ quan công quyền.

 

Nhắc đến “bưng bít thông tin”- một vấn nạn đã, đang hoành hành trong xã hội, có ý kiến rằng: chuyện bưng bít thông tin là mảnh đất nuôi dưỡng tham nhũng và lạm quyền. Tiến sỹ  nghĩ sao về điều này?

 

Việc bưng bít thông tin diễn ra rõ nhất trên các lĩnh vực đất đai, đền bù giải tỏa, dự án ưu đãi... Lòng dân hiện nay không an vì tham nhũng, vì khiếu nại đất đai. Mà nguyên nhân chủ yếu của các vụ khiếu nại đất đai là do chính quyền không thông tin kịp thời, đầy đủ đến dân.

 

Tôi ví dụ, Quy hoạch đất đai của chúng ta không công khai, minh bạch nên nhiều đối tượng trục lợi từ việc này. Một mảnh đất sắp lên đô thị, thông tin sẽ rò rỉ “kín đáo” cho một đối tượng nào đó, anh ta sẽ mua trước với giá rất rẻ. Đến khi đất đó trở thành đô thị, anh ta bán với giá đắt gấp hàng trăm, nghìn lần. Lợi nhuận ấy rơi vào túi cá nhân. Bao nhiêu người dân ngày càng nghèo đi, bao nhiêu người giàu càng giàu lên mà không phát hiện ra ai là người vi phạm.  Bưng bít thông tin như thế gây bất bình đẳng về thông tin dẫn đến bất bình đẳng về tài sản mà như ông TS. Lê Đăng Doanh nói đó là “những cú lừa ngoạn mục”.

 

Cuộc chiến giữa công khai và bí mật

 

Ông đã từng thẳng thắn: Quyền tự do thông tin  rải rác trong các luật nhưng không cưỡng lại được với Pháp lệnh Bí mật của Nhà nước. Xin ông cụ thể hơn về điều này?

 

Tôi hình dung cái Pháp lệnh Bí mật là một pháo đài kiên cố “bất khả xâm phạm”, còn quyền tự do thông tin lại là một căn nhà tranh nhỏ bé, tuềnh toàng... Chúng ta không những có Pháp lệnh Bí mật Nhà Nước, mà còn có cả những Hướng dẫn của các văn bản dưới luật rất cụ thể để các cơ quan nhà nước thực hiện sự giữ gìn bí mật nhà nước. Nhưng điều đáng nghi ngại ở đây là những gì bí mật đều do  chính cơ quan nhà nước đề xuất. Các cơ quan nhà nước không ngần ngại quy định một cách tràn lan những vấn đề cần phải bảo mật của họ. Theo nguyên tắc “cẩn tắc vô ưu”, các cơ quan công quyền “vin” vào đó để quy định “bảo mật” tràn lan. Một động tác rất nhỏ nhưng bắn được nhiều mục đích. Dễ làm, vì quen như thế và nhất là lại chẳng bao giờ phải lo vi phạm vấn đề để lộ bí mật quốc gia.

 

Ngược lại, các quy định về công khai thông tin cho đến nay đã được quy định rải rác trong nhiều văn bản pháp luật: Như Luật Đất đai, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Phòng chống Tham nhũng, Luật Kiểm toán… một cách chung chung, với mục đích thi hành những đạo luật kể trên được thuận lợi.

 

Điểm rất thiếu của các quy định trên là vắng bóng các thủ tục thực hiện các quyền và trách nhiệm cung cấp thông tin, như hình thức yêu cầu tiếp cận, hình thức cung cấp thông tin, và thời hạn thực hiện chúng. Tình trạng tuân thủ pháp luật chưa nghiêm, cộng với cách làm của người công chức đã từng quen theo cơ chế bí mật của thời chiến và tập trung, thiếu các quy định về mặt thủ tục, nên các quy định trên khó có thể thực thi trên thực tế, đây lại là kẽ hở rất lớn cho người khác lợi dụng.

 

Tình trạng “người cung cấp thông tin bảo là mật, người yêu cầu bảo không” vẫn còn, cuộc giằng xé giữa công khai và bí mật dường như “chưa ngã ngũ”?

 

Đúng vậy. Một trong những điểm khó nhất khi xây dựng Dự Luật Tiếp cận thông tin này chính là việc xác định ranh giới giữa cái “mật” và cai “không mật”. Cái cần công khai lại bị giữ bí mật (như quy hoạch đô thị bị giữ bí mật nên nhiều người được lợi và nhiều người bị thiệt không chính đáng), nhưng có những thông tin đang trong giai đoạn phải giữ bí mật thì lại công khai, tạo thành dư luận xấu trong xã hội, gây ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của các cơ quan công quyền (nhất là quá trình tố tụng).

 

Cuộc cách mạng thông tin

 

Trong buổi lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin vừa qua, một người dân cho ý kiến rằng: “Dân không đói ăn, đói mặc mà đói thông tin. Có thể xếp chúng tôi vào diện nghèo hoặc cận nghèo với thông tin”. Ông có suy nghĩ gì về câu nói chua chát nhưng tiếc thay lại rất chính xác này?

 

Tôi đã hơn một lần phát biểu: Quyền lực trong xã hội xuất hiện ở nhiều nơi, nhưng trong thời hiện đại quyền lực quan trọng nhất là ai nắm được thông tin và xử lý thông tin. Thông tin là tiền bạc, thông tin là sức khoẻ, thông tin là tất cả mọi thứ. Nếu anh không nắm được thông tin anh có thể mất tiền bạc, mất danh dự, mất sức khoẻ thậm chí là mất cả tính mạng. Người dân này đã nâng vấn đề cao hơn, quyền tiếp cận thông tin gắn với niềm tin của người dân với Đảng, tôi hết sức thán phục. Vấn đề người dân phản ánh là điều mà các cấp lãnh đạo đáng phải suy nghĩ. Chỗ này tôi còn muốn có thể bổ sung thêm ý nghĩa của Luật này ở chỗ quyền thông tin sẽ tạo đà cho sự phát triển của xã hội Việt Nam nói chung, và xóa đi sự nghèo đói nói riêng cho từng người. Đó cũng là mong muốn của Đảng và Nhà nước ta.

 

Là một người trong Ban soạn thảo Luật Tiếp cận thông tin ông có quá tự tin về sự thành công của nó?

 

Tôi tự tin có cơ sở. Trước hết, điều mà bất cứ ai cũng biết đó là vai trò quyết định của thông tin trong cuộc sống. Quyền thông tin là quyền cơ bản, quyền phát triển, tạo công bằng, bình đẳng. Nó không chỉ “xóa đói” mà còn 'xóa sự lạc hậu”. Thứ hai là chúng tôi đã đưa ra lấy ý kiến của nhân dân, sẽ tiếp thu và thực hiện các nguyện vọng chính đáng của nhân dân đảm bảo “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. 

 

Ông đã từng phát biểu trước công luận rằng: Người cung cấp thông tin sai có thể phải ra tòa?

 

Đó là quy định trong Luật Tiếp cận thông tin mà chúng tôi đang soạn thảo. Vấn đề bưng bít thông tin, thông tin “mật” tràn lan... là nhằm “trục lợi” cho một đối tượng cụ thể    trách nhiệm thuộc về cơ quan công quyền. Chúng tôi đặt ra trách nhiệm của công chức trong việc cung cấp thông tin. Nếu anh không cung cấp, cung cấp thông tin sai hoặc không đúng hạn thì anh phải chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước, thậm chí có thể phải đến tòa.  Không đơn giản chỉ dừng lại ở việc  từ chức, bãi nhiệm, bãi miễn... mà có thể phải lãnh án tùy mức độ nặng nhẹ. 

 

Vâng xin cám ơn ông!

 

Hà Vân (thực hiện)