"Luật Thủ đô được thông qua có ý nghĩa lịch sử"

Hà Mỹ

(Dân trí) - Nhấn mạnh việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) có ý nghĩa lịch sử, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị thành phố nắm bắt tốt cơ hội, hành động quyết liệt để khai thác hiệu quả các cơ chế đặc thù.

Quan điểm được Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, khi phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp giữa năm của HĐND TP Hà Nội sáng 1/7. Kỳ họp dự kiến diễn ra trong các ngày 1-4/7, nhằm xem xét thông qua nhiều nội dung quan trọng. 

Tại phiên khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết Quốc hội vừa hoàn thành khối lượng công việc lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong đó có 3 nội dung liên quan trực tiếp, đặc biệt quan trọng với Hà Nội, gồm cho ý kiến về 2 quy hoạch và thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi).

"Việc Quốc hội xem xét và thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) với tỷ lệ rất cao có ý nghĩa lịch sử với nhiều quy định vượt trội, có tính đột phá nhằm thúc đẩy xây dựng phát triển thủ đô, để thủ đô vươn tầm phát triển, xứng đáng là đô thị đặc biệt, có vai trò dẫn dắt sự phát triển chung của cả nước", bà Thanh nhấn mạnh. 

Luật Thủ đô được thông qua có ý nghĩa lịch sử - 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc kỳ họp HĐND TP Hà Nội sáng 1/7 (Ảnh: Thanh Hải).

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Luật Thủ đô (sửa đổi) với những cơ chế, chính sách đặc thù để Hà Nội phát triển đột phá tạo động lực dẫn dắt cả vùng, cả nước.

Trong đó, luật thể hiện sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP Hà Nội, nhưng cũng đặt ra trách nhiệm cao hơn đối với chính quyền thành phố trong việc thực hiện đồng bộ nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển thủ đô, đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng của nhân dân.

Thống kê cho thấy Luật Thủ đô có trên 50 quy định nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của HĐND TP, bà Thanh đề nghị Hà Nội nói chung, HĐND TP nói riêng nắm bắt tốt cơ hội, hành động quyết liệt để khai thác tối đa hiệu quả của các cơ chế đặc thù nhằm khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy, phát huy các lợi thế sẵn có.

Thành phố cũng cần chủ động nghiên cứu, rà soát, xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai, thực hiện, trong đó cần xác định rõ lộ trình, phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan để Luật Thủ đô đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả thiết thực ngay khi có hiệu lực (từ ngày 1/1/2025). 

Luật Thủ đô được thông qua có ý nghĩa lịch sử - 2

Kỳ họp thứ 17 HĐND TP Hà Nội khóa XVI diễn ra trong các ngày 1-4/7 (Ảnh: Thanh Hải).

Cùng với đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị HĐND TP Hà Nội quan tâm việc quy hoạch đội ngũ cán bộ, chuẩn bị nhân sự của HĐND, cho Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 sẽ được thực hiện trong năm 2026.

Thành phố được yêu cầu khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã và cấp huyện, quan tâm thực hiện chính sách giải quyết lao động dôi dư, chính sách đãi ngộ đối với những người đương chức, những người nghỉ hưu và những người trong diện sắp xếp…

Báo cáo tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết thời gian tới, Hà Nội tập trung chỉ đạo chuẩn bị triển khai tổ chức thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) để sớm đưa Luật đi vào cuộc sống.

Theo đó, UBND TP Hà Nội sẽ ban hành quyết định hoặc trình HĐND TP ban hành nghị quyết quy định phân cấp của từng ngành, lĩnh vực đảm bảo đồng bộ, đầy đủ theo chuyên ngành và đồng bộ, đầy đủ cho cấp huyện, cho cấp xã theo quy định trong quý IV năm nay.