Luật sư “tố khổ” về luật tố tụng hình sự
(Dân trí) - Bàn về việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự 2003, các thành viên của Đoàn luật sư Hà Nội than trời, bức xúc với nhiều quy định “kết án sớm” với nghi phạm, quay lưng với luật sư. Theo đó, Bộ luật một cần cuộc cải tổ toàn diện.
“Thà để lọt còn hơn làm oan”
Ngay từ đầu bản tham luận, LS Đỗ Ngọc Quang phân tích, Bộ luật cần chỉnh ngay từ điều khoản đầu tiên khi đặt ra mục tiêu quá cầu toàn: “không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không làm oan người vô tội”.
Theo ông Quang, trong thực tế, chính vì mục tiêu không để lọt tội phạm nên cơ quan tố tụng buộc phải làm mọi cách áp tội cho nghi phạm, không ít trường hợp, vụ án kéo dài nhiều năm, vận dụng hết tội danh này tới tội danh khác soi vào đều không xuôi.
Ông Quang nêu quan điểm “thà để lọt còn hơn làm oan” và đề nghị bỏ vế đầu của điều khoản này trong Bộ luật. Theo quy luật của tội phạm, thói xưa khó bỏ, có thể lọt lần này cũng sẽ sa lưới lần khác, không thể thoát tội.
Trong khi đó, việc làm oan một người vô tội không chỉ đày một sinh mạng mà còn ảnh hưởng tới cả gia đình, thân nhân, rất nhiều mối quan hệ xã hội khác.
Vấn đề thời hạn điều tra, truy tố hành vi của một con người, Viện trưởng viện khoa học xét xử (TAND tối cao) Đỗ Văn Đương xác nhận theo quy định hiện hành là quá nhiều, kéo dài. Thời hạn tạm giam cũng “không thấy nước nào dài như Việt Nam, nhóm tội đặc biệt nghiêm trọng, thời hạn này tới 20 tháng.
Luật sư Hoàng Huy Được - Phó chủ nhiệm Đoàn LS Hà Nội nhấn: “Thời hạn tạm giam, thực tế còn dài hơn rất nhiều so với những gì Viện trưởng nói”.
Ông Đương cũng nhìn nhận, nhiều thủ tục mang tính hình thức không màng tới nỗi khổ của nghi phạm, cũng là sự lãng phí lớn, tính ra mỗi năm có thể giúp xóa đói giảm nghèo cho vài ba huyện khó khăn.
Quyền luật sư, chỉ thực thi 50%?
Rất nhiều những câu chuyện nghề, những “than phiền” được chia sẻ về việc Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) có nhiều quy định trao quyền cho các luật sư tranh tụng nhưng việc thực thi các quyền này rất hạn chế và gặp không ít rào cản từ chính các cơ quan tố tụng. Khái quát chung, chỉ 50% quyền của luật sư theo quy định của Bộ luật được thực thi.
Nhiều động thái làm khó dễ của cơ quan tố tụng với hoạt động của LS được đơn cử là việc cấp giấy chứng nhận bào chữa. “Luật hiện hành định hạn 3 ngày nhưng thực tế gần như 100% trường hợp không bao giờ được cấp giấy chứng nhận bào chữa đúng thời hạn 3 ngày như quy định, có trường hợp kéo dài cả năm” - LS Đỗ Ngọc Quang quả quyết.
LS Nông Thị Hồng Hà nhận định, một số trường hợp, giấy chứng nhận người bào chữa còn được cơ quan điều tra sử dụng như một "công cụ" để hạn chế luật sư tham gia tố tụng". Lý do được đưa ra cho cho việc này thường là bưu điện chuyển đến chậm (nếu gửi qua bưu điện) hoặc người có thẩm quyền cấp giấy đi công tác vắng...
Mối quan hệ “cơm chẳng lành” lâu nay giữa luật sư và điều tra viên cũng được mổ xẻ. LS Đỗ Ngọc Quang đặt vấn đề: gặp thân chủ đang bị tạm giam, luật không quy định phải có điều tra viên “bảo mẫu” mà sao luôn luôn phải có người ngồi cạnh. Quy định chỉ định luật sư đối với trường hợp nghi phạm là vị thành niên, biên bản hỏi cung đối tượng phải có chữ ký của luật sư lại chẳng mấy khi được “nhớ” tới.
Tham gia buổi hội thảo, ông Đinh Văn Hiệp, điều tra viên C15 (Cục cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ - Bộ CA) quả quyết: “Điều tra viên không dại gì cố ý gây khó vì cũng rất cần LS hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu bản cung nào cũng cần luật sư ký thì tôi e lực lượng LS phải tương đương lượng điều tra viên - hàng trăm nghìn người”.
Ông Hiệp phản pháo, không ít trường hợp thông báo lịch hỏi cung, luật sư chỉ có mặt được 1 - 2 buổi đầu, sau có mời gọi thiết tha cũng… mất dạng.
Viện trưởng Viện khoa học xét xử Đỗ Văn Đương tỏ ý đồng tình. Theo ông Đương, việc quan trọng nhất với LS không phải là tham gia hỏi cung, lấn việc của CQĐT. Quan trọng hơn, LS phải tìm mọi chứng cứ có thể gỡ tội cho thân chủ, làm đối trọng với các quan điểm buộc tội.
Ghi nhận các ý kiến “tố khổ”, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của QH Lê Thị Nga cho rằng, các luật sư đã phản ánh tương đối toàn diện các bất cập, hạn chế của BLTTHS.
Bà đề nghị Đoàn luật sư Hà Nội có văn bản đêu rõ những điểm cần bổ sung, sửa đổi để trình Thường vụ QH xem xét thêm. Việc cải tổ toàn diện Bộ luật theo Phó chủ nhiệm UB tư pháp có thể thực hiện vào QH khóa tới.
P. Thảo