Xét xử vụ để mất rừng ở Bình Phước:

Luật sư đề nghị hoãn phiên tòa vì cáo trạng… lơ mơ

(Dân trí) - Cáo trạng cho rằng 18 hộ dân nhận khoán để mất 226,9ha đất rừng nhưng tại công văn của chính viện kiểm sát lại khẳng định diện tích rừng bị phá trước khi khoán cho dân. Cho rằng cáo trạng của VKSND còn… lơ mơ, luật sư đề nghị hoãn phiên tòa.

Luật sư đề nghị hoãn phiên tòa vì cáo trạng… lơ mơ - 1
Người dân nhận khoán và đã trồng rừng tràm nhiều năm qua nhưng vẫn bị xâm canh vào phá.

Trong các ngày 3, 4, 5/8, TAND huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã đưa ra xét xử sơ thẩm các bị cáo nguyên là lãnh đạo Ban quản lý rừng kinh tế Suối Nhung (BQLRKT Suối Nhung) về các tội: “Vi phạm các quy định về quản lý rừng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đứng trước vành móng ngựa là những “quan” nguyên là lãnh đạo BQLRKT Suối Nhung gồm: Trương Văn Đỏ (SN 1957, nguyên giám đốc), Nguyễn Anh Dũng (SN 1963, nguyên phó giám đốc), Đinh Đức Hạnh (SN 1962, nguyên quyền giám đốc) và Tôn Quốc Yên (SN 1951, cò đất), tất cả cùng ngụ tỉnh Bình Phước.

Theo cáo trạng của VKSND huyện Đồng Phú, vào năm 2003 bị cáo Đỏ, Dũng, Yên, Trần Văn Khinh (đã bỏ trốn) lập hồ sơ, trình lãnh đạo UBND huyện Đồng Phú ký để giao khoán đất rừng cho người dân khai thác trồng rừng rồi thu tiền bất hợp pháp.

Trong quá trình bàn giao đất, lãnh đạo BQLRKT Suối Nhung không đi thực địa dẫn đến diện tích giao khoán chênh lệch khá lớn. Khi những hộ dân nhận khoán vào nhận đất thì đã thấy dân xâm canh trồng điều từ nhiều năm trước. Người dân nhận khoán đã phản ánh lại sự việc thì BQLRKT Suối Nhung cũng không thể can thiệp được.

Tại phiên tòa những hộ dân nhận khoán đất rừng nhận định cáo trạng của VKS cho rằng “giao khoán đất sai đối tượng” là không đúng. Những hộ dân này có đủ chứng cứ hợp lý để khẳng định mình là người có chủ quyền hợp pháp trên mảnh đất được giao.

Đại diện Viện KSND Đồng Phú cho rằng, khi người dân vào nhận đất canh tác thì thấy đất mình đã bị dân xâm canh trồng điều từ nhiều năm trước nên không thể bắt người nhận khoán phải chịu trách nhiệm trong việc để thất thoát rừng.

Luật sư Hoàng Kim Vinh - bào chữa cho bị cáo Đinh Đức Hạnh đưa ra công văn số 37 ngày 23/6/2009 của VKSND huyện Đồng Phú ghi rõ: “Hồ sơ vụ án đã thể hiện rõ diện tích rừng bị phá chủ yếu do dân xâm canh trước khi giao khoán cho 18 hộ…” rồi cho rằng “cáo trạng còn rất… lơ mơ”.

Đại diện VKSND huyện Đồng Phú đề nghị các bị cáo: Trương Văn Đỏ, Đinh Đức Hạnh từ 24 - 30 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; Nguyễn Anh Dũng từ 24 - 30 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Vi phạm các quy định về quản lý rừng” và Tôn Quốc Yên (cò đất) từ 24 - 30 tháng tù cho hưởng án treo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cho rằng vụ án còn nhiều tình tiết phức tạp, liên quan nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ nên HĐXX sẽ không tuyên án trong ngày như dự kiến mà cho biết sẽ tuyên án vào ngày 10/8.

Công Quang