1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Luật sư cho bị cáo mượn điện thoại "alô" về thăm nhà?

Vụ án Trần Văn Hợi cùng đồng bọn mua bán trái phép chất ma tuý đã khép lại với 4 án tử hình và 1 án chung thân. Trong đó, bị cáo Nguyễn Văn Cẩn ( SN 1933 người Việt quốc tịch Lào) cũng bị tuyên tử hình về tội mua bán trái phép chất ma tuý.

Khi chuẩn bị mở phiên toà xét xử, Cẩn được gia đình mời luật sư (LS) Hồ Lý Hải thuộc Văn phòng luật sư Hồ Lý Hải - Đoàn luật sư Quảng Bình bào chữa trong vụ án này. TAND tỉnh Quảng Bình đã cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho LS Hải.

Tới ngày 7/11/2006, LS Hải đã vào Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Bình gặp Cẩn để làm rõ một số vấn đề của vụ án. Trong buổi gặp này, Luật sư Hải để Cẩn "mượn" điện thoại di động gọi sang Lào theo số máy 740xxxx cho vợ thì bị cán bộ quản giáo phát hiện.

Theo lời khai của bị cáo Nguyễn Văn Cẩn thì Cẩn tự mình "mượn" điện thoại và tự bấm số gọi sang Lào gặp vợ hỏi thăm... sức khoẻ.

Còn theo bản tường trình của LS Hải, khi đang làm việc thì có điện thoại của gia đình Cẩn từ Lào sang hỏi thăm sức khoẻ và tình hình công việc với thời gian khoảng gần 10 phút. Sau đó Luật sư Hải đã tường thuật lại cho Cẩn nghe nội dung cuộc điện thoại.

Như vậy, nếu căn cứ vào bản tường trình của LS Hải thì có sự "trùng hợp ngẫu nhiên" khi người nhà Cẩn lại biết chọn lúc luật sư gặp thân chủ để gọi điện thoại (?!).

Theo quy định của pháp luật, khi gặp thân chủ của mình trong trại tạm giam, luật sư phải được sự cho phép của Giám thị trại tạm giam. Mọi việc làm phải được sự đồng ý của Giám thị thì mới được phép. Việc LS Hải chưa được sự phép là vi phạm Điều 22, Nghị định 89/ NĐ-1998 của Chính phủ.

Hiện, các cơ quan chức năng đang xem xét mức độ vi phạm của LS Hải trong việc cho bị cáo "mượn" máy điện thoại để gọi khi chưa được người có thẩm quyền đồng ý, từ đó có biện pháp xử lý theo pháp luật.

Theo Hà Trường - Đức Pha
VietNamnet