"Một rừng luật kém chất lượng gây thiệt hại nhiều hơn... luật rừng"

Quang Phong

(Dân trí) - Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM), luật rừng là có hại, nhưng một rừng luật với hiệu quả, chất lượng kém, chồng chéo, xung đột gây ách tắc thì thiệt hại còn nhiều hơn.

Sáng 24/5, Quốc hội đã thảo luận hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) đề xuất xây dựng luật riêng về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Bởi theo đại biểu, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca và cả Thủ đô đã được quy định rõ trong Hiến pháp. Trong đó, Thủ đô thì đã có Luật Thủ đô, nhưng với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca mới chỉ được điều chỉnh bằng nghị định và thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đại biểu đoàn Khánh Hòa cũng cho biết, trong Bộ Luật Hình sự cũng đã có quy định rõ về các hành vi xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. "Tôi nghĩ ba nội dung này rất quan trọng. Do vậy, cần phải thể hiện bằng văn bản pháp luật để Chính phủ trình Quốc hội xem xét", đại biểu Lê Xuân Thân nói.

Một rừng luật kém chất lượng gây thiệt hại nhiều hơn... luật rừng - 1

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, rừng luật chất lượng kém thì thiệt hại còn nhiều hơn "luật rừng".

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đề nghị thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám vì lợi ích chung. Theo ông, để đạt những mục tiêu về kinh tế, xã hội thì phải có giải pháp đột phá, và muốn có đột phá thì phải có cơ chế để bảo vệ người dám nghĩ, dám làm.

Do vậy, đại biểu Cảnh đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm gồm hai phần. Phần một là phần cá nhân, tổ chức quyết định những công việc chưa được pháp luật quy định. Hai là phần cá nhân, tổ chức quyết định những công việc trái với pháp luật hiện hành quy định.

Trong mỗi trường hợp sẽ quy định cụ thể việc xin ý kiến tập thể, mặt trận, lãnh đạo, cấp trên. Trên cơ sở đó sẽ cân nhắc vì lợi ích chung (làm lợi cho tăng trưởng, đóng góp ngân sách, đẩy nhanh tốc độ xây dựng hạ tầng) để đưa ra quyết định…

"Quyết định này sẽ không làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Cá nhân, tổ chức đưa ra quyết định đột phá, dám nghĩ, dám làm mang lại lợi ích sẽ được tuyên dương, khen thưởng để lan tỏa trong xã hội", đại biểu Cảnh nêu.

Còn đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) đồng ý với đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác lập pháp có nhiều tiến bộ và thành tựu. Tuy nhiên, ông đề nghị Quốc hội khi chấp thuận đưa một kiến sáng lập pháp, hay sửa đổi, bổ sung một đạo luật vào chương trình lập pháp thì "phải buộc tổ chức, cơ quan đề xuất phải có bản đối chiếu, phân tích và đánh giá hai cực "phí tổn và lợi ích" của dự án luật đó".

"Tôi đề nghị như vậy là vì, cho đến nay, khi đề xuất các sáng kiến lập pháp hay dự án luật, trong phần đánh giá tác động, các thông tin về phí tổn thường bị xem nhẹ, không đánh giá hết, hoặc đánh giá rất chung chung, chủ yếu nói đến cái lợi, mà cũng chỉ nói một chiều, rất khó để các đại biểu, nhất là các đại biểu không chuyên ngành, có thông đủ thông tin để đánh giá hay phản biện", đại biểu lý giải cho đề xuất của mình.

Theo ông, có những đạo luật ra đời thuận tiện cho cơ quan quản lý nhà nước, nhưng rất bất tiện cho người dân. Có đạo luật bị rơi vào quên lãng, hoặc chỉ vận hành như một loại chính sách, hay biện pháp hành chính, không phải là một đạo luật đúng nghĩa.

Những đạo luật như vậy gây ra lãng phí công sức, tiền của nhà nước, của xã hội và của nhân dân. Có những vấn đề chỉ cần một nghị quyết của Quốc hội, hay một nghị định của Chính phủ là đủ để điều chỉnh, thậm chí hiệu quả điều chỉnh cao hơn, thì không nên làm luật. "Bác Hồ nói: cái gì có lợi cho dân thì hết sức làm, có hại cho dân thì hết sức tránh. Luật rừng là có hại, nhưng một rừng luật với hiệu quả, chất lượng kém, chồng chéo, xung đột gây ách tắc thì thiệt hại còn nhiều hơn", ông nhấn mạnh.

Liên quan đến đề xuất Luật bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đã có kế hoạch thực hiện theo kết luận của Bộ Chính trị. Tuy nhiên đây là chính sách lớn, cần phải được nghiên cứu kỹ. Về đề xuất Luật Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Bộ trưởng Tư pháp khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu để tiếp tục nghiên cứu, xem xét các phạm vi có đủ để quy định trong dự án luật không.