1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Luật Quốc hội sẽ không có nhiều đổi mới

(Dân trí) - Chia tách, thành lập các cơ quan của QH, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người do QH bầu, tăng số lượng đại biểu QH chuyên trách…là mong muốn của nhiều đại biểu và cử tri để QH hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, kết quả tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Quốc hội sửa đổi lại cho thấy sẽ không có nhiều thay đổi lớn.

Chưa sửa đổi toàn diện

 

Chiều qua, 1/3, trong khuôn khổ phiên họp thứ 47, UBTVQH đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức QH, dự kiến sẽ trình ra tại kỳ họp thứ 11 sắp tới.

 

Phó chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu cho biết, từ năm 2005 QH đã đặt ra việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức QH. Từ đó đến nay, UBTVQH đã tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng lấy ý kiến của nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài Quốc hội. Phần lớn các ý kiến tham gia tại các cuộc họp này đều cho rằng Luật Tổ chức Quốc hội cần phải sửa đổi toàn diện để phù hợp với tình hình mới. Báo cáo của UBTVQH nêu rõ: “Nhiều ý kiến cho rằng để khắc phục hạn chế, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội thì có nhiều nội dung của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành cần phải được sửa đổi, bổ sung”.

 

Tuy nhiên, do thời gian chuẩn bị không còn nhiều, các cơ quan hữu quan phải dành thời gian chuẩn bị tổng kết nhiệm kỳ và bầu cử Quốc hội Khoá XII... Nên trước mắt chỉ đặt ra vấn đề trọng tâm là “thành lập mới một số Ủy ban trên cơ sở chia tách Ủy ban pháp luật và Ủy ban Kinh tế ngân sách”.

 

Ông Yểu cho biết, UBTVQH đã thống nhất trên cơ sở chia tách 2 Ủy ban hiện nay sẽ thành lập thêm 4 Ủy ban mới bao gồm:  Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban kinh tế và Ủy ban tài chính, ngân sách. Việc thành lập mới các ủy ban này tuy có tăng thêm số lượng cơ quan của QH nhưng không bị “phình” ra về bộ máy hành chính như các cơ quan quản lý nhà nước vì không đòi hỏi phải thành lập theo ngành dọc.

 

Cùng với việc thành lập các ủy ban mới, UBTVQH đã cho ý kiến sửa đổi luật để bổ sung trách nhiệm của Hội đồng dân tộc và các ủy ban khác. Chẳng hạn phối hợp với Ủy ban pháp luật thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; với Ủy ban tư pháp thẩm tra báo cáo của chính phủ về công tác chống tham nhũng…

 

“Trách nhiệm thuộc về UBTVQH”

 

Ngoài việc tách 2 uỷ ban hiện hành để thành lập mới 4 uỷ ban, hầu như không có thêm điểm mới nào trong dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

 

Những nội dung quan trọng và thu hút được sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua như thành lập Uỷ ban Dân nguyện hoặc Thanh tra Quốc hội, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn, việc điều trần tại Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban, thành lập các tiểu ban, tăng số lượng đại biểu chuyên trách... đều còn có nhiều ý kiến khác nhau và chưa thể đưa vào dự thảo luật sửa đổi bổ sung để trình QH.

 

Cũng từ những vấn đề này mà nhiều thành viên UBTVQH bày tỏ băn khoăn. Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Vũ Mão nói: “Việc này đã bàn từ lâu, nhưng hôm nay trình bày như vậy tôi thấy chưa thoả mãn. Trước đây khi quy định việc bỏ phiếu tín nhiệm phải có 20% ý kiến của đại biểu Quốc hội cứ tưởng là dấu son trong tiến trình đổi mới. Nhưng rốt cuộc đã không thực hiện được, đây là một điều đáng buồn. Quy định 20% đại biểu có ý kiến mà không cho người ta trao đổi với nhau thì làm sao mà thực hiện được. Chúng ta cứ bàn mãi và cuối cùng chỉ là việc tách hai uỷ ban”.

 

Lý giải việc tại sao cơ hội sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Quốc hội đã bị bỏ lỡ, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Vũ Đức Khiển cho rằng có trách nhiệm rất lớn của UBTVQH. “Vấn đề sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội đã được đặt ra từ năm 2005. Cho đến tháng 9/2006 thì việc sửa đổi toàn diện đã được nhiều ý kiến đặt ra và UBTVQH cũng thấy rằng cần phải xem xét để sửa đổi. Tại sao những vấn đề đặt ra như thế mà trong một thời gian khá dài chúng ta không bàn mà mãi đến 6/2 vừa rồi mới bàn thì không còn thời gian”.

 

Ông Khiển dự báo rằng với những sửa đổi chưa căn bản như vậy, sắp tới đưa ra kỳ họp thứ 11 chưa chắc đã được Quốc hội chấp nhận.

 

Thái Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm