1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Luật Người khuyết tật: Cần sự cảm thông và tinh thần trách nhiệm

(Dân trí) - Những điều khoản trong dự thảo Luật Người khuyết tật đều tốt, nhưng quan trọng là thực hiện được hay không? Muốn luật này đi vào cuộc sống, phải có sự cảm thông của xã hội và tinh thần trách nhiệm của các cơ quan công quyền.

Đó là ý kiến của hầu hết mọi người tại buổi tham vấn cộng đồng về dự thảo Luật Người khuyết tật tại TPHCM do Uỷ ban về các vấn đề xã hội (UB VCVĐXH) của Quốc hội tổ chức vào ngày 26/8.

 

Hầu hết  ý kiến đều đồng tình với dự  thảo

 

Phát biểu khai mạc, Đại biểu Quốc hội Lương Phan Cừ, Phó chủ nhiệm UB VCVĐXH, cho rằng: “Luật Người khuyết tật (NKT) lần này mong muốn xây dựng trên tinh thần vì NKT chứ không phải xem NKT như một đối tượng để thương hại, ban ơn”.

 

Do vậy, khi các điều khoản trong dự thảo được đưa ra tham vấn ý kiến NKT tại TPHCM thì mọi người đều đồng tình và hài lòng vì nó bao trùm hầu hết các lĩnh vực đời sống của họ như: giáo dục, việc làm, y tế, giao tiếp ngoài xã hội... Đặc biệt là tên gọi của luật đều được mọi người nhất trí cao vì nó có phạm trù bao quát hơn và thể hiện sự tôn trọng những con người khiếm khuyết hơn.

 

Anh Trần Thiết Hùng (58 tuổi, bị bại liệt) xúc động: “Nếu luật này, buổi họp này có từ mấy chục năm trước thì tốt quá, bản thân tôi sẽ có cơ hội sống tốt hơn, phát triển nhiều hơn”.

 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn mong muốn luật quy định chi tiết hơn nữa, đặc biệt là về các lĩnh vực y tế và việc làm. Ý kiến của hầu hết các đại biểu NKT đại diện cho các dạng tật đều mong muốn có chính sách chăm sóc y tế miễn phí cho NKT, vì đây là gánh nặng rất lớn cho gia đình và bản thân NKT.

 

Ngoài ra, việc làm là mấu chốt của vấn đề NKT có sống độc lập được hay phải ăn bám gia đình, xã hội nên rất được quan tâm. Anh Tuấn, một thương binh ở Bình Thạnh, cho rằng: “Xã hội cho con cá nhưng chúng tôi vẫn muốn cầm cái cần câu”.

 

Ông Nguyễn Tấn Quang cũng tán thành: “Giải quyết việc làm là vấn đề cơ bản hơn để NKT hòa nhập vào công đồng, cái quan trọng hơn là người ta không còn cảm thấy mình là gánh nặng của xã hội”.

 

Và anh Trần Thiết Hùng đề xuất nên có những trường dạy nghề cho từng dạng tật để NKT có thể học nghề tốt. Anh Hùng lập luận: “Nếu NKT không làm được gì thì làm sao chúng ta kêu gọi DN nhận NKT vào làm. Để NKT đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của DN thì phải có trường tốt”.

 

Luật có nhưng có chắc thực hiện được không?

 

Một vấn đề lớn mà hầu hết các đại biểu NKT trong buổi tham vấn đều đề cập là: có chắc luật NKT sẽ được tất cả mọi người, cơ quan chức năng tôn trọng và thực hiện không? Bởi hiện chúng ta cũng đã có Pháp lệnh Người tàn tật, có nhiều điều khoản quy định các quyền lợi của NKT trong nhiều văn bản luật và dưới luật nhưng chưa thấy được thực hiện trong thực tế cuộc sống.

 

Chẳng hạn như nội dung xây dựng các công trình phải đảm bảo NKT tiếp cận được đã có quy định trong Pháp lệnh, có hẳn hòi nhiều bộ Quy chuẩn xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành nhưng hầu hết các công trình công cộng hiện nay đều không tuân theo những quy định này.

 

Ông Đặng Văn Minh bức xúc: “Trong luật xây dựng đều quy định là có lối đi cho NKT nhưng thật ra chưa có nhiều công trình cho họ”.

 

Hay quy định mỗi doanh nghiệp đều phải nhận 2 – 3% lao động là NKT, nếu không phải đóng một khoản tiền vào Quỹ Giải quyết việc làm cho NKT có từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì.

 

Bà Hồ Thị Minh Nguyệt cho rằng: “Trong đây có 9 điều cấm nhưng chúng tôi chưa thấy nếu ai vi phạm thì sẽ bị xử lý như thế nào. Nếu một doanh nghiệp từ chối, lợi dụng NKT thì cần phải có chế tài chứ không sẽ thành một khẩu hiệu cho vui. Cần có chế tài, có những văn bản dưới luật nói rõ hơn luật này”.

 

Về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Thị Khá, Uỷ viên Thường trực UBCVĐXH, Uỷ viên Ban thường trực Nhóm nữ nghị sĩ, cho rằng: “Tất nhiên là phải có chế tài. Nhưng phải hiểu là có nhiều điều luật không sát thực tế, không thực hiện được nên khó mà xử lý. Do đó, chúng tôi tổ chức những buổi tham vấn như thế này để Luật NKT sát thực tế hơn. Khi nó đã sát thực tế mà ai không thực hiện thì chúng ta mới xử lý được”.

 

Những điều trên thể hiện trăn trở của cộng đồng NKT lẫn người làm luật: luật có đi vào cuộc sống được hay không còn phụ thuộc vào tinh thần trách nhiệm của các cơ quan công quyền, tổ chức xã hội, doanh nghiệp...

 

Chị Hồ Thị Ngọc Yến, mẹ của bé Trần Thị Bích Trâm (bị bệnh down), nói chân thành: “Để NKT phát triển tốt thì quan trọng nhất là sự cảm thông; chỉ có tình cảm gia đình và sự cảm thông của xã hội thì mới dẫn đến dự giúp đỡ chân thành, giúp NKT phát triển dễ dàng hơn, tốt hơn”.

 

Tùng Nguyên