Luật mới phải vì người dân
Chỉ còn đúng 1 năm nữa là đến thời điểm người dân hết hạn 20 năm được Nhà nước giao đất sử dụng theo Luật Đất đai 1993.
Chắc chắn sẽ có những sửa đổi luật quan trọng trong một lĩnh vực vô cùng nhạy cảm là đất! Sự kiện Tiên Lãng (Hải Phòng) làm dậy sóng dư luận cả nước, bởi nó đã vượt qua khỏi “số đo” địa phương mà mang kích thước quốc gia. Nó là phần nổi của tảng băng chìm trong nước: Những bức xúc của người dân từ sự bất cập của Luật Đất đai.
Sau 5 lần sửa đổi Luật Đất đai, các nhà làm luật lại phải đứng trước hàng loạt bài toán nan giải: Có nên thay đổi quan điểm sở hữu toàn dân về đất bằng quyền sở hữu tư nhân, dù là hạn chế (vì Nhà nước vẫn nắm quyền quy hoạch và mục đích sử dụng đất) hay không?
Thời gian giao đất cho dân sẽ là 20 năm, 50 năm hay vô thời hạn? Mức hạn điền là bao nhiêu hécta? Quyền định đoạt về đất đai được mở rộng hay thu hẹp cho chính quyền địa phương?...
Những câu hỏi này hoàn toàn không mới, chúng rất nhiều lần được đặt lên bàn thảo luận. Chỉ có điều mới: Đó là thời điểm! 20 năm đã trôi qua kể từ khi Luật Đất đai 1993 ra đời. Luật pháp như một cái áo, đời sống kinh tế, xã hội như cơ thể sống, chúng “lớn” dần theo thời gian, đến lúc nào đó chiếc áo sẽ trở thành quá chật, làm gò bó sức phát triển của cơ thể. Nếu không may lại chiếc áo cho vừa, kịp thời, nó sẽ bị cơ thể sống phá rách. Nhưng may thế nào cho vừa lại là chuyện không đơn giản.
Sự vật luôn có 2 mặt, chẳng hạn, nếu giao đất vô thời hạn để người nông dân yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, thì người nông dân sinh sau sẽ lấy đất đâu nuôi trồng? Những người yếm thế nói rằng: Lẽ phải giống như cái bình 2 quai, muốn xách bên nào cũng được. Thế nhưng, người lạc quan lại khẳng định: Có những nguyên tắc cơ bản bất di bất dịch: Luật pháp là do con người đặt ra và để phục vụ cho chính con người.
Hạnh phúc của người nông dân chính là ruộng đất. Những năm qua Luật Đất đai đã bị “chật” trước thực tế sống động, khiến xảy ra nhiều bi kịch. Cảnh tượng những người nông dân ngồi bệt xuống đất đau xót nhìn nhà đầu tư các dự án sinh lợi nhuận hàng tỉ đồng trên mảnh đất ruộng của họ được đền bù bằng một giá mùn củi không phải là hiếm.
Những lỗ hổng trong Luật Đất đai như cơ chế thu hồi đất quá thoáng, nhưng lại lỏng lẻo trong sự kiểm tra giám sát, đã làm “tổ” cho một đội ngũ nhà giàu mới, phất lên từ sự đục khoét vào đất và làm sa sút đạo đức xã hội. Không chỉ có vậy, ứng xử với đất mà không phù hợp sẽ làm thui chột các thành tựu về nông nghiệp. Một nền nông nghiệp hiện đại hóa không thể thành công trên một nền móng tạm bợ là những mảnh đất manh mún và có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào.
Làm Luật Đất đai là điều rất khó – một lĩnh vực động chạm đến da thịt của từng người dân, vì ai cũng sống trên đất. Sẽ có rất nhiều quan điểm trái ngược. Tuy nhiên, Luật Đất đai mới phải là một bộ luật vì người dân. Nó sẽ tồn tại cho đến khi nào người dân không còn ủng hộ nó nữa.