“Luật gì mà chỉ thấy đòi hỏi tổ quốc phải làm cho mình nhiều quá!”

(Dân trí) - “Có một câu hát cứ vang vọng mãi là “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay” nhưng đối chiếu với dự luật thì sự thể hiện nghĩa vụ rất ít mà chỉ thấy những đòi hỏi tổ quốc phải cho mình nhiều quá”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm như vậy khi góp ý về dự thảo luật Thanh niên (sửa đổi) tại phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội sáng nay, 10/9…

Dự luật Thanh niên (sửa đổi) được Bộ Nội vụ soạn thảo, hôm nay trình xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị đưa ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 sẽ bắt đầu trong tháng 10. Luật sửa đổi một số nội dung trên nền tảng luật Thanh niên ban hành 14 năm trước (2005).

“Luật gì mà chỉ thấy đòi hỏi tổ quốc phải làm cho mình nhiều quá!” - 1
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân là người thay mặt Chính phủ trình dự án luật.

Tờ trình về dự án luật nêu những căn cứ để sửa luật là luật hiện hành đã bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập. Một số quy định của luật khó áp dụng, thiếu đồng bộ với các chính sách khác, như chưa có sự rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của thanh niên. Quy định về trách nhiệm của Nhà nước còn chung chung, chưa cụ thể; thiếu nguồn lực thực hiện Luật. Chưa có công cụ đo lường, thống kê nên chưa bóc tách và làm rõ được thông tin về thanh niên, nguồn lực đầu tư cho thanh niên với nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực khác của các bộ, ngành và địa phương.

Luật hiện hành cũng thiếu cơ chế điều phối trong việc thực hiện các chính sách, thiếu sự gắn kết giữa cơ quan xây dựng chính sách và cơ quan thực thi chính sách. Tính pháp chế trong thi hành luật còn hạn chế, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên chưa được coi trọng dẫn đến tình trạng cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai thực hiện tốt cũng không được đánh giá, ghi nhận và ngược lại không làm cũng không bị xử lý.

Cơ chế tạo điều kiện, khuyến khích và bảo đảm sự tham gia của thanh niên trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên còn chung chung. Do đó, thanh niên khó phát huy và thực hiện được đầy đủ các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật cho chính thanh niên.

Mục đích của việc xây dựng luật lần này là thể chế hoá, hoàn thiện cơ sở pháp lý, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của thanh niên, các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên. Bảo đảm trách nhiệm của nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội và các tổ chức của thanh niên trong thực hiện chính sách, pháp luật để thanh niên được tu dưỡng, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dự luật xây dựng trên cơ sở 7 nhóm chính sách áp dụng đối với thanh niên (người từ 16-30 tuổi), trong đó có nội dung quy định về đối thoại với thanh niên (Thủ tướng phải chủ trì đối thoại với thanh niên mỗi năm 1 lần), Tháng Thanh niên và bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách phát triển thanh niên.

“Luật gì mà chỉ thấy đòi hỏi tổ quốc phải làm cho mình nhiều quá!” - 2
Phó Chủ tịch Quốc hội: "Nói đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta mà luật chỉ thấy đòi hỏi tổ quốc làm nhiều thứ quá".

Nêu quan điểm về những vấn đề chung nhất đặt ra với dự án luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận xét: “Nói về dự án luật này, tôi có cảm giác là kỳ vọng đặt vào lớn nhưng đọc xong nội dung thì thấy chưa thoả mãn. Nói về thanh niên, có một câu hát cứ vang vọng mãi là “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay” nhưng đối chiếu với dự luật thì sự thể hiện nghĩa vụ rất ít mà chỉ thấy những đòi hỏi tổ quốc phải cho mình nhiều quá”.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, dự luật dẫn chiếu nhiều văn bản, quy định nhưng nếu chỉ cần thay từ “thanh niên” bằng từ “công dân” thì có thể áp dụng cho bất cứ đối tượng nào trong xã hội, không có nét riêng biệt. 

Đồng tình với hướng đặt vấn đề này, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga phân tích, ngoài nhóm trẻ em, người cao tuổi đã có luật điều chỉnh riêng, nhóm dân cư từ 18 tới 60 được xem là lực lượng lao động chính của xã hội, không có chính sách ưu đãi đặc thù. Nay dự luật Thanh niên cắt đôi nhóm công dân từ 16-30 tuổi để dành cho những ưu đãi đặc thù khiến cho nhóm người trung niên lại thành “lép”. Bất hợp lý ở chỗ thanh niên chính là nhóm người có nhiều lợi thế, có tuổi trẻ, có sức khoẻ ở giai đoạn tốt nhất của cuộc đời.

Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường Phan Xuân Dũng cũng nhận xét, cơ quan soạn thảo dự luật chưa quan niệm đúng về thanh niên, lực lượng trẻ, khoẻ, trí tuệ, những chủ nhân tương lai của đất nước với Đoàn thanh niên là lực lượng hùng mạnh, cánh tay nối dài của Đảng. Như vậy, thanh niên chính là nhóm đối tượng thắng thế trong xã hội nhưng lại được xây dựng những chính sách như là nhóm đối tượng yếu thế, cần hỗ trợ, bảo vệ. Theo ông Dũng, đáng ra, luật này phải thể hiện chủ yếu là việc giao trách nhiệm cho thanh niên mới đúng.

Khái quát lại, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, thiết kế luật cần tránh sự lẫn lộn giữa quyền và nghĩa vụ của thanh niên. Dự luật hiện tại không những không khắc phục được hạn chế này tại luật Thanh niên năm 2005 mà còn làm trầm trọng hơn tình trạng đó. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu thiết kế lại nội dung này.

P.Thảo