1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Luật Biểu tình lại lùi cho Quốc hội… khóa tới?

(Dân trí) - Trình xin ý kiến Quốc hội về việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2015 và chương trình năm 2016 sáng 21/5, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý đề xuất lùi lịch làm luật Biểu tình sang cho Quốc hội khóa XIV.

Cụ thể, Chính phủ đề nghị lùi thời gian trình dự án Luật biểu tình từ chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (đang diễn ra) và dự án Luật về hội từ chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (sẽ diễn ra vào cuối năm nay) sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2016).

Nêu ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Phan Trung Lý cho biết, UB thường vụ Quốc hội nhận định, đây là những dự án luật quan trọng cần được sớm ban hành nhằm cụ thể hóa Điều 25 của Hiến pháp và tạo hành lang pháp lý để Nhà nước quản lý các hoạt động này.

Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình chuẩn bị, UB Thường vụ Quốc hội đồng ý cho lùi hạn trình với luật Biểu tình. Dù vậy, Thường vụ chỉ chấp nhận đề nghị Quốc hội cho lùi từ kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 11 (kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII này, dự kiến tổ chức vào tháng 3/2016).
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý.

Theo quy trình đầy đủ, một dự án luật phải làm qua 2 kỳ họp. Như vậy, nếu Quốc hội cho ý kiến lần đầu với luật Biểu tình vào kỳ họp cuối cùng của khóa này thì nhiệm vụ “quyết” đạo luật rất được mong chờ này sẽ chuyển lại cho Quốc hội khóa sau.

Còn đối với dự án Luật về hội, UB Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ đúng hạn trình tại kỳ họp thứ 10 như Nghị quyết trước đó của Quốc hội.

Chủ nhiệm Phan Trung Lý nhấn mạnh đề nghị Chính phủ tập trung nguồn lực nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật biểu tình, dự án Luật về hội trình Quốc hội theo tiến độ.

Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, UB Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết trình Quốc hội ban hành văn bản pháp luật để thực hiện Điều 53 của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2012). Tuy nhiên, hiện nay Đề án cơ chế kiểm soát thu nhập đối với người có chức vụ, quyền hạn đang trong giai đoạn xây dựng, hoàn chỉnh.

Do vậy, UB Thường vụ đề nghị Quốc hội xem xét việc ban hành văn bản quy định về vấn đề này khi sửa Luật phòng, chống tham nhũng hoặc đưa nội dung này vào dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Ngoài ra, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 còn được đề nghị điều chỉnh theo hướng bổ sung them 9 dự án luật. UB Thường vụ Quốc hội chỉ “gật đầu” với 2 trong số 9 dự án đó là Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10 theo quy trình tại một kỳ họp) và Luật Dược sửa đổi (sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 và thông qua tại kỳ họp thứ 11).

Về chương trình của 2016 (là năm cuối của của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và năm đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV với 2 kỳ họp kế tiếp nhau thời gian tổ chức thường chỉ giới hạn trong khoảng 2 tuần), UB Thường vụ Quốc hội xác định ba ưu tiên.

Thứ nhất là ưu tiên các dự án nhằm tiếp tục thể chế hóa kịp thời các văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng; các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị.

Ưu tiên thứ hai là các dự án tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp, trong đó tiếp tục khẩn trương sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các dự án về kinh tế, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Thứ ba là những dự án còn lại thuộc chương trình nhiệm kỳ Quốc hội khoá 13 mà thấy cần thiết phải ban hành và đã được chuẩn bị kỹ.

Với thứ tự ưu tiên này, dự kiến tại kỳ họp thứ 11 (dự kiến tháng 3/2016) sẽ trình Quốc hội thông qua 6 dự án, trong đó có Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí (sửa đổi)… Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 14 (dự kiến tháng 7/2016) chỉ có ba dự án luật được trình cho ý kiến. Đến kỳ họp thứ 2 (dự kiến diễn ra vào tháng 10/2016), Quốc hội khóa mới sẽ thông qua dự án Luật Biểu tình cho ý kiến 15 dự án khác. Trong đó có Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).

P.Thảo