Luật an toàn, vệ sinh lao động sẽ điều chỉnh cả lao động phi chính thức
(Dân trí) - “Pháp luật an toàn vệ sinh lao động mới hướng tới 33% lao động trong diện có quan hệ lao động. Còn khoảng trống lớn chưa được điều chỉnh là nhóm lao động không có quan hệ lao động. Dự thảo Luật an toàn, vệ sinh lao động sẽ giải quyết vấn đề này”.
Ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - trao đổi về Dự thảo Luật an toàn, vệ sinh lao động sẽ được Bộ LĐ-TB&XH trình Quốc hội dịp tới đây, với nội dung mới là việc mở rộng diện bao phủ.
Thưa ông, điểm mới của Dự thảo Luật an toàn, vệ sinh lao động hướng tới việc công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho nhóm đối tượng không thuộc quan hệ lao động, cụ thể vấn đề này ra sao?
Hiện nay, Bộ Luật Lao động và pháp luật liên quan tới an toàn vệ sinh lao động chỉ hướng tới khoảng 33% lao động (15 triệu người) làm việc trong khu vực có quan hệ lao động. Người lao động khi không may bị tai nạn lao động thì người sử dụng lao động đã có quy trình xử lý, nếu mức suy giảm sức lao động dưới 5% thì được chi trả 1 lần, từ 21% trở lên thì được chi trả thường xuyên. Nhà nước có quỹ tài chính riêng để thực hiện việc này.
Trong khi đó, một khoảng trống lớn vẫn chưa được điều chỉnh, gồm khoảng 37 triệu lao động thuộc khu vực không có quan hệ lao động. Đó là những lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và khu vực phi chính thức. Chính bởi thực trạng này, số liệu thống kê tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp của Việt Nam mới chỉ phán ánh 1 phần nhỏ tình hình tai nạn lao động hiện nay.
Dự thảo Luật an toàn, vệ sinh lao động được Chính phủ trình Quốc hội tới đây có điểm cốt yếu nhất là mở rộng phạm vi điều chỉnh tới cả lực lượng lao động gồm lao động trong khu vực nông nghiệp, làng nghề, phi chính thức…Nhà nước sẽ khuyến khích, hỗ trợ một phần kinh phí người lao động không thuộc khu vực có quan hệ lao động được tham gia vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp để được bù đắp khi không may bị tai nạn lao động.
Lao động phi chính thức đang gia tăng tại các đô thị gia tăng, vấn đề an toàn lao động cho lao động phi chính thức ít được chủ lao động quan tâm. Vậy vấn đề này sẽ được quan tâm ra sao, trong dự thảo luật mới?
Xu hướng của Chính phủ Việt Nam là chuyển dịch lao động từ khu vực không có quan hệ lao động sang khu vực có quan hệ lao động. Người lao động sẽ được hưởng quyền và lợi ích: Làm việc công bằng có lương thưởng phụ cấp, có BHYT, BHXH, được đảm bảo tham gia quỹ bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp …
Chính vì vậy, dự thảo luật an toàn, vệ sinh lao động này sẽ song hành với Luật Bảo hiểm xã hội. Dự thảo luật mới này sẽ quy định cả những người lao động trong khu vực phi chính thức, lao động làm việc theo mùa vụ có hợp đồng từ 1 tới dưới 3 tháng đều phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nghĩa là đều phải tham gia quan hệ lao động và tuân theo pháp luật bảo hiểm xã hội và Quỹ bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp…
Để thực hiện, tôi cho rằng dự luật phải quy định chế tài xử phạt nghiêm minh và hình thức bắt buộc chủ lao động, khi thuê lao động từ 1 tháng tới dưới 3 tháng đều phải bắt buộc tham gia BHYT, BHXH và bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp. Đồng thời, cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc giám sát, kiểm tra.
Thưa ông, việc khuyến khích người lao động không thuộc khu vực có quan hệ lao động tham gia vào mô hình Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động nghề nghiệp liệu có khả thi khi họ đã tham gia vào chương trình bảo hiểm y tế bắt buộc?
Chúng ta đang áp dụng chính sách bảo hiểm y tế bắt buộc toàn dân, hiện có tới 71 % dân số đã tham gia. Người lao động ở khu vực không có quan hệ lao động khi ốm đau, tai nạn và bệnh nghề nghiệp có thể dùng thẻ BHYT để hỗ trợ rủi ro. Chính vì vậy, họ có thể không quan tâm tới mô hình quỹ bảo hiểm tai nạn lao động.
Tuy nhiên, mô hình này có tính nhân văn và đòi hỏi một lộ trình cụ thể. Theo đó, chúng ta phải tăng cường tuyên truyền để lao động hiểu được quyền lợi khi tham gia. Họ không chỉ là được chăm sóc khi ốm đau, tai nạn lao động, trường hợp không may bị tai nạn trên 21 % thì có thể được hưởng trợ cấp suốt đời, được mai táng phí…
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Mạnh (thực hiện)
Theo Bộ LĐ-TB&XH, số tai nạn lao động trong năm 2013 là 6.695 vụ, làm 6.887 người bị nạn. Trong đó, số tai nạn lao động chết người là 562 vụ, 627 người thiệt mạng, 113 vụ tai nạn lao động có 2 người bị nạn trở lên, 1.506 người bị thương nặng. |