1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Luân chuyển cán bộ, cần tránh tư duy nhiệm kỳ

Trao đổi với Tiền Phong về công tác luân chuyển cán bộ, chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ XII, ông Vũ Mão – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa V,VI,VII,VIII, IX, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, cần cởi bỏ tư duy nhiệm kỳ trong công tác.

Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
 
Chuẩn bị cho lâu dài, tránh "soi đuốc bắt ếch"

Văn phòng Trung ương Đảng đã có công văn số 7314-CV/VPTW công bố chủ trương và quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về luân chuyển 44 đồng chí. Ông đánh giá thế nào về công tác luân chuyển cán bộ?

Tôi cho rằng, nhân sự ở đại hội Đảng XII lần này đã có bước chuẩn bị khá công phu, theo quy trình tương đối hợp lý và nề nếp. Việc luân chuyển 44 cán bộ cũng là một nét mới trong công tác cán bộ. Sự luân chuyển là cần thiết và cũng không thể làm muộn hơn. Nhìn trên góc độ quy hoạch cán bộ, đây là ngắn hạn, phục vụ cho một nhiệm kỳ.

Trong lịch sử của Đảng ta, công tác quy hoạch cán bộ có cái được và cái chưa được: Cái chưa được như nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói là làm công tác cán bộ như “soi đuốc bắt ếch”, nghĩa là không có quy hoạch gì cả, nhất là cấp cao. Cái được là Đảng ta, nhiều khi đã luân chuyển cán bộ không chỉ nhằm cho một khoá, mà chuẩn bị cho lâu dài. Cách làm ấy cơ bản và trong sáng.

Đó là thời kỳ nào thưa ông?

Thời của chúng tôi chưa gọi là luân chuyển, việc đi về công tác ở địa phương theo yêu cầu cách mạng là việc thường xuyên và vô tư lắm. Không phải cấp trên nói là đồng chí đi luân chuyển 2 năm, hoặc 3 năm... rồi quay về để bố trí cao hơn, mà xác định đi là gắn bó lâu dài với địa phương, với cơ sở.

Bản thân tôi từ một cán bộ giảng dạy ở trường Đại học Thủy lợi được điều về công tác ở Quảng Ninh. Tôi ở đó 10 năm và xác định sẽ gắn bó cả cuộc đời ở đây. 

Sau đó, do nhu cầu công tác mới, tôi về công tác ở Trung ương Đoàn. Tôi không chuẩn bị gì cho mình việc về Trung ương.

Còn cách đưa cán bộ luân chuyển như hiện nay khiến người ta cảm thấy đưa cán bộ về địa phương trong thời gian ngắn rồi quay trở lại Trung ương để giữ vị trí cao hơn. 

Đó phải chăng là tư duy nhiệm kỳ?

Còn quá xa địa phương

Là người kinh qua nhiều vị trí công tác từ địa phương tới Trung ương, với kinh nghiệm của mình, ông có bài học gì để trao đổi với những cán bộ được luân chuyển?

Trong đợt luân chuyển lần này có 25 đồng chí giữ chức phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy; 19 đồng chí giữ chức phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố. Tôi cho rằng, không chỉ luân chuyển từ Trung ương về cấp tỉnh để làm cấp phó, mà nên có nhiều đồng chí được xuống cấp huyện và làm cấp trưởng.

Trong cuộc đời của tôi, thời kỳ công tác tại cấp huyện gắn với cơ sở là sâu sắc nhất, giúp cho sự trưởng thành vững chắc, để lại nhiều ấn tượng nhất. Thời kỳ ấy, mình có cơ hội gắn bó trực tiếp với người dân, giúp cho tôi luôn đặt vị trí người dân trong trái tim của mình.

Cán bộ không được sâu sát cơ sở, không đuợc chiêm nghiệm đời sống thực tế sẽ xảy ra nguy cơ gì, thưa ông?

Nguy cơ thứ nhất, con đường mà trải hoa, thiếu gian nan sẽ khiến cán bộ thiếu thực tiễn, khiến họ rất dễ bị vô cảm. Khi nhiều cán bộ chưa nhuộm dòng máu của mình trong dòng máu của người dân sẽ dẫn đến việc Đảng xa dân, sinh ra quan liêu.

Thứ hai, quan điểm của tôi là khi luân chuyển, phải có sản phẩm, nhưng chỉ luân chuyển trong vòng một, hai năm và ở vị trí cấp phó (có người ví vị trí ấy là để quan sát) thì không thể nào có sản phẩm, không thể đánh giá chính xác được năng lực của cán bộ. Thực tiễn và hiệu quả phải là thước đo quan trọng nhất.

Cán bộ tốt phải do quần chúng suy tôn

Việc tranh cử trong Đảng đã được đặt ra từ lâu, ông có ý kiến gì về việc này?

Quan điểm của tôi về công tác cán bộ là phải dân chủ. Nếu nói quy hoạch, định hướng, luân chuyển hay gì đi nữa thì cái chốt nhất phải dân chủ. Dân chủ cần có tranh cử. Tranh cử từ khâu quy hoạch đến khâu bầu cử tại Đại hội. Nếu không có tranh cử, quy hoạch cũng sẽ không đạt hiệu quả cao.

Công tác cán bộ của chúng ta cũng từng bước dân chủ, công khai hơn nhưng chưa cơ bản. Cơ bản nhất là cán bộ phải tự quần chúng suy tôn, tức là phải có tranh cử. Tất nhiên vẫn cần sự lãnh đạo, sự giới thiệu nhưng không áp đặt. 

Lâu nay, công tác cán bộ vẫn có phần áp đặt, phụ thuộc nhiều vào những người đứng đầu. Cơ chế nhân sự vẫn xuôi chiều, người trước chọn người sau mà chưa có tranh cử, cọ xát, phản biện. Vì vậy khó tìm cán bộ tốt, người thực tài.

Và bài học tranh cử ở Quốc hội khoá VIII, vào kỳ họp giữa năm 1988 thật là quý báu. Đó là tranh cử giữa đồng chí Đỗ Mười và đồng chí Võ Văn Kiệt để bầu chức danh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng). Nhưng đáng tiếc, sau lần ấy, đến nay vẫn chỉ là hiện tượng duy nhất.

Trong 44 cán bộ luân chuyển lần này có 22 đồng chí được quy hoạch chức danh Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2016 – 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo, là người tham gia BCH Trung ương Đảng 5 khóa liền, ông đánh giá như thế nào về việc này?

Theo tôi, công khai việc quy hoạch số lượng ủy viên BCH Trung ương là tốt. Nhưng việc công khai như thế này chưa hay lắm. Cán bộ được luân chuyển sẽ nghĩ rằng đi rồi sẽ về để tham gia Trung ương, e rằng thuận lợi và dễ dàng quá.

Quay trở lại câu chuyện tranh cử. Phải có quy trình tranh cử, ngoài giới thiệu về lý lịch, về quá trình công tác quan trọng nhất là vấn đề kê khai tài sản lâu nay còn quá hình thức. Chương trình hành động của ứng cử viên. Việc này cũng chưa đi vào thực chất. Cần có sự cọ xát giữa các ứng cử viên, có cả chất vấn và đối thoại, sau đó mới bỏ phiếu.

Ông đánh giá thế nào về nhân tố trẻ trong BCH Trung ương Đảng khi mà số lượng Ủy viên cũ tái cử những khóa gần đây thường chiếm tới 2/3, và số lượng ủy viên dự khuyết chỉ là 25/175?

Tôi quan niệm dự khuyết sẽ tạo điều kiện cho cán bộ trưởng thành. Khi tham gia trong Trung ương tôi luôn phát biểu ý kiến của mình về việc cần tăng cường số lượng ủy viên dự khuyết Trung ương. Như Đại hội Đảng lần thứ III, năm 1960, con số ủy viên chính thức là 43 đồng chí ủy viên dự khuyết là 32 đồng chí. Như vậy tỷ lệ dự khuyết và chính thức không chênh nhiều lắm.

Hiện nay tỷ lệ là 25/175. Nếu đưa chính thức vào nhiều quá, một bộ có 5, 6 đồng chí chính thức cũng khó làm việc. Vì vậy tôi cho rằng nên đưa số lượng chính thức là 150 đồng chí, dự khuyết 50 đồng chí. Như vậy sẽ tạo cơ hội cho nhiều cán bộ trẻ. Đấy là tầm nhìn xa phục vụ cho quy hoạch chiến luợc.

Ông đánh giá cao tiêu chuẩn nào của người cán bộ, của một Ủy viên Trung ương?

Hai tiêu chuẩn cơ bản là đạo đức và tài năng thì đạo đức là hàng đầu. Bằng cấp là quan trọng nhưng không đánh giá hết con nguời. Bây giờ người ta chạy theo bằng cấp mãnh liệt quá. Không có đạo đức cũng dẫn tới nguy cơ xa rời quần chúng và tham nhũng cũng bắt nguồn từ đây.

Còn là Ủy viên Trung ương phải có tư duy đổi mới, dám hành động quyết liệt. Thứ hai là phải khiêm tốn, làm càng nhiều việc thì có thể càng nhiều khuyết điểm, nhưng quan trọng là phải biết nhận khuyết điểm để sửa chữa và tiến lên.

Xin cám ơn ông!

Theo Công Khanh

Tiền Phong