1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lúa rẫy và bài toán về đảm bảo lương thực vùng cao

CTV

(Dân trí) - Việc xóa bỏ lúa rẫy ở một số địa phương ở huyện miền núi của Nghệ An là một bài toán, một thách thức cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng và người dân để đảm bảo an ninh lương thực cho bà con.

Mưu sinh từ ngọn lứa đốt nương

Dù đã định cư nhưng nhiều bà con vùng dân tộc thiểu số ở Nghệ An vẫn duy trì hình thức du canh. Phát triển trồng cây lúa rẫy chưa đạt được hiệu quả kinh tế cao, người dân sống bấp bênh, phụ thuộc vào thời tiết.

Cụ Cụt Văn Đào, 80 tuổi, ở bản Ca Da (xã Bảo Thắng, Kỳ Sơn - Nghệ An) vẫn đi làm rẫy. Ông cho hay, từ mấy chục năm nay làng bản đã định cư nhưng vẫn du canh. Bản người Khơ Mú này lọt thỏm bên một con suối tên là Ca Da cũng là tên bản.

Từ khi đến lập bản vào thập niên 1960, cư dân Ca Da chỉ sống nhờ nghề rẫy. Đất này độ dốc cao không làm ruộng được.

Lúa rẫy và bài toán về đảm bảo lương thực vùng cao - 1

Mùa đốt rẫy ở xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An (Ảnh: Hữu Vi).

Ngọn lửa đốt nương và thời tiết thuận lợi sẽ giúp cái bụng khỏi đói. Cách canh tác phát cây đốt rừng đỉa trỉa lúa đã lạc hậu, chỉ một vài vụ sẽ phải chuyển đến vạt khác, ba năm sau mới quay trở lại. Vì thế mà ông Đào nói rằng dân Ca Da đã định cư nhưng còn du canh.

Xã Bảo Thắng có 5 bản, đều là người Khơ Mú. Huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) có trên 3 vạn người Khơ Mú, gần 3 vạn người Mông và người Thái ít hơn một chút. Đại bộ người Khơ Mú và người Mông đều sống nhờ lúa rẫy. Huyện Kỳ Sơn là nơi trồng nhiều lúa rẫy nhất ở Nghệ An.

Với những người như ông Cụt Văn Đào thì nghề rẫy đã ăn sâu vào nếp sống. Tháng 3 âm lịch bà con sẽ thì đi tim chỗ làm rẫy. Tháng tư bắt đầu phát cây, từ đầu tháng 5 thì trỉa hạt.

Đến tháng 9, tháng 10 âm lịch là mùa gặt hái, cũng là dịp vui nhất trong năm. Được mùa thì khỏi lo lắng cuối năm không phải ăn đi thóc giống. Phải dùng đến thóc giống là cực chẳng đã với bà con.

Đói kém lắm mới phải dùng đến vì sang năm sẽ phải vật vả đi mua, đi xin khắp làng trên bản dưới mới đủ lúa trỉa xuống đám rẫy mới. Không như giống lúa ruộng có thể mua dễ dàng, lúa rẫy dân bản giữ kỹ trong gian bếp cho vụ sau.

Lúa rẫy và bài toán về đảm bảo lương thực vùng cao - 2

Cách đập lúa thủ công từ hàng trăm năm về trước vẫn được người Khơ Mú ở bản Phia Òi áp dụng (Ảnh: Hữu Vi).

Nghề lúa rẫy thường như một canh bạc. Người nông dân nơi rẻo cao sợ đủ đường. Sợ hạn hán, lũ quét, sâu hại, chuột và thú rừng phá rẫy sẽ lâm vào cảnh mất mùa. Nỗi sợ đó nhiều khi quá tầm kiểm soát của con người và nông dân rẻo cao chỉ còn biết cầu cạnh thần linh.

Nghĩ rằng ma cũng như người, cho ma ăn thì ma sẽ rủ lòng thương mà không gây hạn hán lũ lụt, không xua chim thú đến phá rẫy. Vậy là suốt mùa rẫy là những lễ cúng.

Lúa rẫy và bài toán về đảm bảo lương thực vùng cao - 3

Những kho lúa dựng tạm tạm rẫy của người miền núi Nghệ An (Ảnh: Hữu Vi).

Tháng 5 âm lịch, trước khi trỉa rẫy người Khơ Mú ở Bảo Thắng tổ chức cúng bản. Lúa chín thì cúng rẫy mới gặt. Gặt về còn phải úng ma nhà. Ba bốn cái lễ cúng mới xong một mùa lúa rẫy. 

Đi khắp huyện Kỳ Sơn vào đầu mùa hè rất dễ thấy những đám cháy của cảnh đốt nương. Các xã Bảo Thắng, Bảo Nam, Keng Đu của người Khơ Mú. Các xã Tây Sơn, Nậm Càn, Mường Lống của người Mông đâu đâu cũng có những đám đốt nương.

Lúa rẫy và bài toán về đảm bảo lương thực vùng cao - 4

Nông dân bản Phia Òi, xã Nhôn Mai (Tương Dương - Nghệ An) thu hoạch lúa rẫy (Ảnh: Hữu Vi).

Những xã như Na Ngoi, Na Loi Chiêu Lưu, Hữu Kiệm bà con có làm ruộng nước, những vẫn còn những bản làng làm nghề rẫy, thứ cây lương thực bấp bênh nhưng lại đang là nguồn sống chính của rất nhiều người ở huyện miền núi Kỳ Sơn.

Vụ thu hoạch bấp bênh

Đốt nương làm rẫy cũng diễn ra ở huyện Tương Dương, nơi trồng lúa rẫy nhiều thứ 2 ở Nghệ An, sau huyện Kỳ Sơn. Xã Nhôn Mai có 12 bản và hầu hết đều có trồng lúa rẫy. Riêng bản Phia Òi, cộng đồng gồm 41 hộ người Khơ Mú thì không có một mét ruộng nước nào. Hầu hết người dân nơi đây, trừ một số ít hộ đi làm ăn xa, còn nữa đều trồng lúa rẫy. 

Để vào được bản Phia Òi phải ngồi xe máy từ trung tâm xã đến một bến đò rồi đi sang bằng thuyền máy qua một khúc sông được tạo ra từ hồ thủy điện Bản Vẽ. Bản vừa có điện lưới quốc gia vào cuối tháng 10/2023 nhưng vẫn chưa có sóng điện thoại.

Lúa rẫy và bài toán về đảm bảo lương thực vùng cao - 5

Cách thu hoạch lúa rẫy hiện nay vẫn rất thô sơ (Ảnh: Hữu Vi).

Theo anh Xeo Văn Định, 33 tuổi là công an bản từ năm thành lập bản vào 2014 hiện tại 100% người dân nơi đây thuộc hộ nghèo.

Khu vực rẫy lúa của người dân bản Phia Òi cách khu dân cư khoảng 20 phút đi bộ leo dốc. Tại đám rẫy của nhà Xeo Văn Yêng, 24 tuổi có một nhóm gồm 5 người đang thu hoạch lúa. Những nông dân cắt từng bông bằng thứ công cụ như lưỡi hái cầm gọn trong lòng bàn tay.

Xeo Văn Yêng cho hay năm nay nhà anh trỉa 15kg thóc giống thu về khoảng nửa tấn thóc. Với lượng lương thực này cả nhà có thể dùng được 8, 9 tháng. Như vậy nhà anh Yêng còn phải chạy gạo khoảng 4 tháng mới đến mùa gặt năm sau.

Ông Và Bá Tỉnh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai cho hay, hiện tại diện tích lúa rẫy của xã Nhôn Mai đang giảm, dù có một số bản như Phia Òi, người dân vẫn chưa thể khai khẩn ruộng nước.

Trong khi đó các bản khác, việc phát triển lúa nước đang được chú trọng. Chính quyền địa phương cũng đang tích cực chuyển đổi cây trồng như sắn cao sản, trồng xoan, keo để thay thế lúa rẫy. Việc này cũng để thực hiện hiệu quả Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 hướng tới mục tiêu hướng tới mục tiêu: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Theo thống kê từ UBND xã Nhôn Mai, hiện tại lúa rẫy còn 250ha, giảm trên 50ha so với năm 2020. Trong khi đó diện tích sắn cao sản là 320ha, nhiều hơn 70ha so với lúa rẫy.

Như vậy chính quyền xã Nhôn Mai trong thời gian qua đang có những hoạt động tích cực giúp bà con chuyển đổi cây trồng. Cũng theo thông tin từ xã Nhôn Mai, hiện tại người dân nơi đây cũng đang tăng cường nuôi gia súc, giác cầm như gà, lợn, đặc biệt là dê.

Việc tiêu thụ các vật nuôi này hiện nay đang khá hiện tại do sự phát triển của du lịch trên địa bàn huyện Tương Dương và các huyện lân cận như Quế Phong, Quỳ Châu nên nhu cầu đang ngày một tăng.

Mô hình góp phần thực hiện Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Hữu Vi