Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ:
Lựa chọn "điểm nghẽn" đối với doanh nghiệp để rà soát cắt giảm
(Dân trí) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề nghị Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ lựa chọn vấn đề đang là "điểm nóng, điểm nghẽn" đối với doanh nghiệp để rà soát...
Ngày 10/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì phiên họp trực tuyến của Hội đồng năm 2021 về tình hình triển khai nhiệm vụ 8 tháng năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ các tháng cuối năm.
Luôn "cầu thị" lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp
Ông Trần Văn Sơn cho biết, từ đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã gây tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội của nước ta. Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc họp, làm việc với cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn, khó kiểm soát đã gây ra những tác động hết sức nặng nề về kinh tế - xã hội, sức khỏe và tính mạng nhân dân. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt, bám sát thực tiễn, phát huy cao độ các nguồn lực để ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, nỗ lực chăm lo cho đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ những khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục chung tay, chung sức, đồng hành cùng Chính phủ và các cấp, các ngành vượt qua khó khăn, thực hiện thành công "mục tiêu kép" - vừa chống dịch, vừa phục hồi kinh tế.
Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã trải qua hoạt động hơn 13 năm kể từ ngày thành lập tới nay. Hoạt động của Hội đồng là một kênh hữu hiệu giúp Thủ tướng Chính phủ nắm bắt thực tế, từ đó, đưa ra các quyết sách kịp thời để hoàn thiện thể chế, chính sách, phát triển kinh tế - xã hội.
"Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chính là "cầu nối", thu hẹp khoảng cách giữa Chính phủ với doanh nghiệp, người dân"- ông Trần Văn Sơn nhấn mạnh.
Ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) thông tin, trong 8 tháng đầu năm 2021, các hoạt động của Hội đồng cơ bản được triển khai theo kế hoạch đề ra, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục hành chính, giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn khi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư thương mại.
Văn phòng Chính phủ đang tập trung thiết lập Cổng tham vấn điện tử về các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Đây là giải pháp bảo đảm thực hiện việc tham vấn cả 2 chiều trên môi trường điện tử, theo đó cơ quan nhà nước tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp về các quy định hiện hành, dự kiến ban hành liên quan đến hoạt động kinh doanh và phương án cắt giảm, đơn giản hóa, đồng thời các hiệp hội, doanh nghiệp có thể chủ động đề xuất các sáng kiến cải cách, đặc biệt là các quy định không còn phù hợp, là rào cản, gây khó khăn đối với hoạt động kinh doanh.
Trong khi đó, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong tuần tới VCCI sẽ ra mắt Hội đồng hợp tác doanh nghiệp ứng phó Covid-19, sẽ lập nền tảng giao dịch 24/7 để doanh nghiệp có thể liên tục phản ánh các vấn đề khó khăn gặp phải và đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, địa phương. Trong Hội đồng sẽ có sự tham gia của các bộ, ngành, đồng thời thành lập tổ công tác nghiên cứu vướng mắc về thủ tục hành chính, đánh giá việc triển khai các cơ chế, chính sách... Qua đó sẽ có tổng hợp, báo cáo thường xuyên đến Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.
Rà soát "điểm nóng, điểm nghẽn"
Kết luận phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động của các thành viên trong triển khai các nhiệm vụ của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, đề xuất được nhiều cơ chế, chính sách liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh ng Tổ chức được 42 hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, hiệp hội, xử lý gần 500 vấn đề liên quan đến xuất, kiến nghị của doanh nghiệp...
Ông Sơn yêu cầu từ nay đến cuối năm 2021 và những năm tiếp theo, các thành viên Hội đồng, Ban công tác cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò "cầu nối" giữa Chính phủ và người dân, doanh nghiệp, đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến hết sức phức tạp; để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những phản ứng chính sách nhanh chóng, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Ông Sơn đề nghị các thành viên tập trung thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Theo đó, lựa chọn một số vấn đề, lĩnh vực trọng tâm - đang là "điểm nóng, điểm nghẽn" đối với doanh nghiệp để tổ chức rà soát, đánh giá độc lập, đề xuất và tham gia ý kiến đối với phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Các thành viên Hội đồng cần phát huy vai trò, tính chủ động và huy động các thành viên hiệp hội, tổ chức mà mình đại diện trong việc tham gia ý kiến về các quy định hiện hành, dự kiến ban hành liên quan đến hoạt động kinh doanh và phương án cắt giảm, đơn giản hóa cũng như đề xuất các sáng kiến cải cách, đặc biệt là các quy định không còn phù hợp, là rào cản, gây khó khăn đối với hoạt động kinh doanh qua Cổng tham vấn điện tử, dự kiến cuối năm 2021 sẽ đưa vào vận hành. Đây sẽ là kênh thông tin, tương tác "nhanh chóng, hiệu quả" - giúp Hiệp hội, doanh nghiệp dễ dàng phản ánh về rào cản kinh doanh, đồng thời giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời nắm bắt thực tiễn để có những quyết sách phù hợp.
Ngoài ra, tập trung đẩy mạnh hoạt động đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ tục hành chính năm 2021 để công bố trong Quý IV/2021.