Quảng Bình:

Lúa chết trắng đồng, nông dân nghèo khó vui Tết

(Dân trí) - Chiều 24/1, trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường từ ngày 21 đến 23/1, trên địa bàn huyện đã có mưa vừa đến mưa to khiến một số tuyến đê bao bị vỡ, gây ngập úng hơn 2.000 ha diện tích vụ lúa Đông Xuân 2016-2017.

Theo ông Sơn, tính đến cuối ngày 23/1, số diện tích bị ngập úng là 2.095 ha, trong đó số diện tích lúa có khả năng mất trắng phải gieo lại khoảng hơn 500ha, chủ yếu tập trung ở các xã Hồng Thủy, Hoa Thủy, Liên Thủy, An Thủy, Thanh Thủy, Xuân Thủy…

Sáng 24/1, theo ghi nhận của PV Dân trí, tại các cánh đồng của các xã nói trên, nhiều nơi nước cũng đang ngập sâu, một số cánh đồng tuy nước đã rút nhưng do lúa mới sạ giống và ngập nước nhiều ngày nên mầm lúa bị chết, số còn lại nếu sống cũng phát triển rất kém.

Nước ngập sâu khiến nhiều diện tích lúa mầm bị chết, số còn lại nếu sống cũng phát triển rất kém.
Nước ngập sâu khiến nhiều diện tích lúa mầm bị chết, số còn lại nếu sống cũng phát triển rất kém.

Đang hì hục trên cánh đồng mênh mông nước, ông Trần Văn Hoa (61 tuổi), một người dân ở xã Hồng Thủy buồn rầu: “Tui chưa thấy năm mô giáp Tết mà ruộng đồng lại ngập lụt như ri. Số lúa mới sạ này coi như mất trắng. Ra tết nếu gieo lại thì cũng rất khó khăn trong việc tìm lúa giống, hơn nữa nếu vụ Đông Xuân mà gieo muộn thì nó sẽ ảnh hưởng đến lịch thời vụ, lúa có phát triển tốt nhưng trổ bong muộn thì coi như mất mùa”.

Mặc dù đã gần Tết nhưng người dân vẫn đang phải ra đồng, tát nước cứu lúa
Mặc dù đã gần Tết nhưng người dân vẫn đang phải ra đồng, tát nước cứu lúa

Còn bà Lê Thị Lài ở xã Hoa Thủy thở dài: “Lẽ ra những ngày này bà con nông dân bọn tui tranh thủ ra chợ bán con gà, bó rau kiếm ít tiền ăn Tết, nhưng năm nay thời tiết bất thường quá, giáp Tết rồi mà còn mưa lụt, nước ngập trắng đồng. Nhìn lúa chết trắng đồng, xót xa lắm! Năm ni coi như không có Tết chú ơi!”.

Được biết, trận mưa lũ lịch sử cuối năm 2016, đã gây thiệt hại cho huyện vùng trũng Lệ Thủy khoảng hơn 196 tỷ đồng, trong đó có hàng ngàn ngôi nhà, trường học, trạm y tế và các công trình công cộng bị ngập sâu, nhiều ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng nặng… Mưa lũ đã khiến hơn 2.000 tấn lúa gạo của bà con bị ngâm nước suốt nhiều ngày và hư hỏng nặng.

Đặng Tài