1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Lũ rút, 29 người chết và mất tích sau cơn bão số 2

(Dân trí) - Theo thông tin từ văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến sáng 22/7, đã có 27 người chết, 2 người mất tích và 2 người bị thương trong mưa lũ do ảnh hưởng cơn bão số 2 - Rammasun.

Theo đó số người chết do ảnh hưởng hoàn lưu của cơn bão số 2 là: Hà Giang 7 người, Lai Châu 6 người, Lạng Sơn 5 người, Sơn La 3 người, Điện Biên 1 người; Cao Bằng 1 người, Bắc Kạn 1 người; Lào Cai 3 người. Trong đó, 2 người mất tích ở tỉnh Sơn La và Lai Châu đã tìm thấy thi thể.

TP Lạng Sơn tan hoang sau trận lụt lịch sử
TP Lạng Sơn tan hoang sau trận lụt lịch sử

Theo ghi nhận của PV Dân trí vào sáng 22/7 tại TP Lạng Sơn, mức nước sông Kỳ Cùng đã giảm mạnh, lũ đã hoàn toàn rút khỏi khu trung tâm. Tuy nhiên, trận lũ lụt lịch sử đi qua đã để lại cho TP Lạng Sơn những thiệt hại nặng nề “chưa từng có”.
 
Tại những điểm trũng và ngập sâu như chợ Giếng Vuông, chợ Đông Kinh, dọc tuyến đường Bắc Sơn, những bãi rác dồn lại thành từng đống lớn. Mặt đường bê bết, nhão nhoét bùn đất, mùi hôi hám, tanh tưởi bốc lên khắp nơi. Một số huyện lân cận khu vực TP như Cao Lộc, Văn Lãng nước cũng đã rút. Khắp TP Lạng Sơn, nơi nào cũng bắt gặp cảnh người dân đang hối hả quét dọn, làm sạch và khắc phục hậu quả sau mưa bão.

Cảnh tan hoang tại xã Mai Pha, huyện Cao Lộc sau lũ rút
Cảnh tan hoang tại xã Mai Pha, huyện Cao Lộc sau lũ rút

Tỉnh Lạng Sơn đã tích cực chỉ đạo ngành chức năng và đơn vị thu gom rác thải vận hành hết công suất, tăng ca, tăng giờ làm việc để thu gom rác thải ra khỏi địa bàn nhằm tránh tình trạng ô nhiễm môi trường. Chỉ đạo các phường, ban quản lý chợ lập lại trật tự kinh doanh tại các khu vực chợ.

Để hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả sau mưa bão, Công an tỉnh Lạng Sơn đã huy động 100% cán bộ, chiến sĩ ứng trực tại các khu trung tâm.

Rác tràn ngập khắp TP Lạng Sơn do cơn lũ lịch sử để lại
Rác tràn ngập khắp TP Lạng Sơn do cơn lũ lịch sử để lại

Tại tỉnh Sơn La, ông Hà Quyết Nghị, Giám đốc Sở NN&PTNN - Trưởng BCH Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh - chia sẻ với PV Dân trí: Sơn La là địa bàn bị thiệt hại khá nặng do ảnh hưởng của cơn bão số 2. Toàn tỉnh có 3 người bị thiệt mạng, trong đó có 2 cháu nhỏ và 1 bà cụ 70 tuổi bị lũ cuốn. Ngoài ra có hơn 41 nhà bị đổ sập, 151 hộ dân phải di chuyển hoàn toàn, trong đó nặng nhất là bản Cướn, xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) phải di chuyển toàn bộ 61 hộ dân.

Về nông nghiệp, Sơn La có hơn 200 ha ruộng lúa và hoa màu các loại bị thiệt hại. Một số tuyến giao thông QL 43, QL 6B, QL 279 bị sạt lở với khối lượng đất đá khoảng 31.400m3.

Thông tin từ Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Lào Cai, ước tính thiệt hại sau cơn bão lên tới trên 30 tỉ đồng. Tính đến 17 giờ ngày 21/7, trên địa bàn tỉnh đã có 35 nhà bị sập đổ, ảnh hưởng do nước ngập, sạt đất. Khoảng hơn 71 ha diện tích lúa, ruộng bị ngập nước. Giao thông trên tuyến QL70, TL 156, TL 158 cũng bị sạt lở và gây tắc nghẽn. Đến chiều tối 21/7, chỉ có một vài điểm nhỏ trên tuyến QL 70 được thông.

Để đảm bảo an toàn, Nhà máy thủy điện Bắc Hà đã quyết định xả nước từ 7 giờ ngày 21/7.

Cơn lũ lịch sử cũng xảy ra tại huyện Bảo Yên (Lào Cai) khiến hàng trăm ha hoa màu mất trắng
Cơn lũ lịch sử cũng xảy ra tại huyện Bảo Yên (Lào Cai) khiến hàng trăm ha hoa màu mất trắng

Tỉnh Lào Cai cũng vừa tiếp nhận thêm thông tin về 2 trường hợp mất tích trong mưa lũ. Đó là em Nguyễn Ngọc Song (SN 2001), học sinh lớp 6, ở phường Kim Tân, bị trượt chân khi đi qua sông Hồng và bị lũ cuốn đi. Ngày 21/7, một người phụ nữ 30 tuổi tại xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên cũng mất tích khi vượt suối đi thăm ruộng.

Lũ lớn bất ngờ dâng cao tại suối Ngòi Mác khiến cánh đồng lúa của bà con bị mất trắng
Lũ lớn bất ngờ dâng cao tại suối Ngòi Mác khiến cánh đồng lúa của bà con bị mất trắng

Tại huyện Bảo Yên, khoảng 5 giờ sáng 21/7, nước lũ bất ngờ nước lũ dâng cao phía thượng nguồn suối Ngòi Mác với lưu lượng chảy lớn gấp hàng trăm lần ngày thường. Lũ quét tràn qua các xã Lương Sơn, Long Khánh, Long Phúc, Việt Tiến khiến hàng trăm hécta hoa màu, ruộng vườn, hàng chục ao cá của bà con bị cuốn trôi và mất trắng.

Còn tại Hà Giang, tính đến cuối ngày 21/7 có 7 người thiệt mạng do sạt lở đất tại huyện Hoàng Su Phì. Mưa lũ cũng đã cuốn trôi 2 ngôi nhà tại thôn Thiêng Rầy; 4 hộ gia đình sống ở nơi có nguy cơ sạt lở cao phải di dời.

Tan hoang sau lũ
Tan hoang sau lũ

Nhiều tuyến đường và khu vực xung yếu tại Hà Giang có nguy cơ bị sạt lở, 125 hộ dân phải khẩn cấp, 171 nhà bị sạt lở và 117 nhà ngập.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Hà Văn Um, Giám đốc Sở NN&PTNN – Phó Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu - cho biết, do ảnh hưởng của mưa lũ, trong hai ngày 20 và 21/7, toàn tỉnh Lai Châu đã có 6 người thiệt mạng. Hầu hết những người này đều bị tai nạn do bất cẩn vượt suối bị cuốn trôi.

Ngoài ra địa phương còn bị thiệt hại khoảng 120ha diện tích lúa, hoa màu, 4 nhà dân đổ sập hoàn toàn. Tuyến QL 279, TL 129 và 3 công trình thủy lợi khác bị vùi lấp, vỡ đập đầu mối và sạt lở. Đến nay, 16 hộ dân đã được di dời khẩn cấp đến nơi an toàn. Ước tính tổng thiệt hại lên tới 20 tỷ đồng.

Tại Bắc Kạn, mưa lũ đã làm vỡ hồ chứa bùn đỏ, chất thải tại mỏ sắt Bản Cuôn và Nhà máy nghiền tuyển quặng sắt của Cty CP Vật tư và Thiết bị toàn bộ (Matexim), tại xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn. Một lượng lớn bùn đỏ, xỉ quặng và chất thải tràn xuống cánh đồng lúa của người dân xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn khiến hàng chục ha lúa mới cấy bị vùi lấp, thiệt hại nặng nề. 
Mưa lũ còn làm 1 người chết, 1 người bị thương, 17 nhà dân bị sạt lở; gần 65 ha lúa bị ngập và mất trắng; hơn 300 con gia cầm bị chết do lũ cuốn trôi; nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở với hàng trăm mét khối đất, đá.

Mưa lớn gây ngập lụt tại Điện Biên (Ảnh: Báo Điện Biên)
Mưa lớn gây ngập lụt tại Điện Biên (Ảnh: Báo Điện Biên)

Trong những ngày gần đây, Yên Bái cũng xảy ra mưa lớn trên diện rộng, lượng mưa đo được ở huyện Trạm Tấu 197mm, Lục Yên là 195,6mm, Mù Cang Chải 223,4mm. Đã có 43 ngôi nhà bị thiệt hại và hư hỏng nặng, có nhà bị đổ sập hoàn toàn. Tuyến QL32 cũng bị sạt nhiều điểm khiến giao thông bị ách tắc.

Tại huyện Lục Yên có 6 xã trên địa bàn bị cô lập hoàn toàn gồm: xã Minh Chuẩn, Khai Trung, Mai Sơn, Lâm Thượng, Tân Phượng và Liễu Đô. Nguyên nhân do nước hồ Thác Bà dâng cao nhấn chìm nhiều điểm trên các tuyến đường. Đến nay, vẫn còn  một số xã vẫn còn đang bị cô lập.

Tuyến QL 12 bị sạt lở sâu tới 4m (Ảnh: Báo Điện Biên)
Tuyến QL 12 bị sạt lở sâu tới 4m (Ảnh: Báo Điện Biên)

Tại Điện Biên, chiều 21/7, trong lúc ra sông đánh cá, anh Quàng Văn Vĩnh (SN 1985) ở xã Chiềng Đông, Tuần Giáo đã bị lũ cuốn trôi. 
Mưa lớn kéo dài cũng đã làm 13 ngôi nhà bị cuốn trôi, đổ; 56 nhà bị sạt lở do lũ quét; 117 nhà phải di dời và 50 nhà bị ngập, hơn 447ha lúa ruộng bị mất trắng; 304ha lúa ruộng bị ngập, thiệt hại đến 70%; hơn 68ha thủy sản bị trôi. Đặc biệt, có 2 công trình thủy lợi bị hư hỏng hoàn toàn; 4 cầu treo bị đứt; 1 cầu treo bê tông, trên 1.240m kênh bê tông bị cuốn trôi; 13.455m3 đất đá sạt lở vùi lấp đường. Tuyến QL 12 bị sạt lở nghiêm trọng, mặt đường bị khoét sâu tới 4m gây tắc nghẽn tuyến đường. Tối 21/7, lực lượng chức năng đang tích cực thi công để hoàn thiện tuyến đường phục vụ bà con đi lại.

TP Điện Biên Phủ đoạn khu vực bãi bồi, ven bãi bồi sông Nậm Rốm, thuộc địa bàn phường Mường Thanh cũng bị ngập với mực nước trung bình từ 0,5 – 1m.

Ông Hoàng Thái, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng - Phó Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh cho biết: "Từ chiều qua, trên địa bàn Cao Bằng đã không còn mưa, đến sáng nay trời bắt đầu hửng nắng. Do đó tạo điều kiện thuận lợi cho bà con khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Hiện chúng tôi đang đi cùng đoàn công tác vào một số huyện bị thiệt hại nặng để kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sau mưa bão".

Mưa lớn gây sạt lở và tắc cục bộ trên tuyến QL34
Mưa lớn gây sạt lở và tắc cục bộ trên tuyến QL34

Theo thống kê, cơn bão số 2 đi qua làm 1 cháu bé tại huyện Bảo Lạc bị chết đuối khi ra sông xúc cá. 40 nhà ở bị tốc mái; 1 nhà bán kiên cố bị sụt lún nền; 1 nhà đổ tường; ngập úng 29 ha lúa xuân chưa thu hoạch, 56 ha lúa mùa, 10 ha đỗ tương, 47ha mía; gãy 1 đoạn kênh mương thủy lợi; 6 tuyến giao thông nông thôn bị sạt lở.

Trên tuyến QL34, hơn 1.500 m3 đất đá sạt lở vùi lấp toàn bộ mặt đường đoạn qua xóm Nà Boóc, xã Thể Dục, Nguyên Bình khiến tuyến đường bị tắc nghẽn cục bộ. Địa phương đã tích cực huy động các phương tiện để tiến hành xúc và giải phóng đất, đá ra khỏi hiện trường để đảm bảo giao thông thông suốt trên toàn tuyến đường.

Theo ghi nhận, đến sáng nay thời tiết toàn miền Bắc đều đã nắng ráo trở lại. BCH Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh đang tích cực khẩn trương huy động lực lượng xuống địa bàn hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả. Đồng thời tổ chức kiểm tra sức khỏe, hỗ trợ thuốc men, đề phòng phát sinh dịch bệnh sau mưa bão. Khử trùng, vệ sinh môi trường và nguồn nước sinh hoạt, đảm bảo cho bà con sớm ổn định cuộc sống trở lại.

Quốc Cường – Xuân Thái

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm