Lũ lên quá nhanh, nhiều nơi bị nhấn chìm
(Dân trí) - Nước lũ tại Huế lên khá nhanh trong đêm do mưa cực lớn trên cả tỉnh cộng với thủy điện xả lũ đã gây ngập lụt nghiêm trọng ở nhiều nơi. Tình hình tại Quảng Nam cũng tương tự khi nước đã làm ngập sâu nhiều tuyến đường trong phố cổ Hội An...
Trước diễn biến thời tiết mưa lớn khó dứt, ngay từ chiều, người dân ở các tuyến đường trong khu vực trung tâm phố cổ Hội An đã chủ động dọn dẹp đồ đạc lên cao tránh lũ. Ông Đỗ Thắng, người dân phường Minh An, phường trung tâm TP Hội An cho biết: “Mực nước này ở Hội An là chưa quá cao. Nhưng tình hình mưa to khó dứt như ri thì chắc chắn nước còn lớn nữa trong đêm ni. Người dân ở đây năm mô cũng bị lụt mấy trận vì là vùng rốn lũ mà nên cũng quen rồi”
Tại huyện Đại Lộc (Quảng Nam), nhiều người dân cho biết, lũ trên sông Vu Gia lên nhanh. Nước lũ đã ngập vào nhà dân ở thị trấn Ái Nghĩa, Đại Hiệp, Đại Quang, Đại Hồng, Đại Đồng… Trao đổi với PV,ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết tình hình mưa lớn kéo dài như này lũ trên sông Vu Gia sẽ đạt đỉnh trong đêm 15/11. Tới 21h đêm 15/11, nước trên sông Vu Gia đã ở mức gần 10 mét (vượt mức báo động 3 gần 0,5 mét)
Lãnh đạo huyện Đại Lộc cũng cho biết đã di dời hơn 1.000 hộ dân với khoảng 4.000 nhân khẩu ở các xã trũng thấp tới nơi an toàn tránh lũ.
Đoạn sông đào Như Ý cuối đường Nguyễn Lộ Trạch ở phường Xuân Phú sau khi tràn qua bờ, nước tiếp tục lên, làm các con hẻm phía trong ngập sâu. Có thể nước sẽ gây chia cắt vào ngày 16/11. Nhiều nhà sau khi ăn tối đã vội vã chồng đồ đạc lên cao vì sợ lũ sẽ lên nhanh, trở tay không kịp. Tại các huyện vùng trũng như Quảng Điền, Phong Điền nước vẫn tiếp tục dâng cao, một số địa bàn thấp ven sông đã bị chia cắt.
Tại kiệt 137 đường Trường Chinh, nước ngập tới rốn khi lội ở ngoài (ở đây sâu khoảng 1,1-1,2m). Một SV học trường ĐH Khoa học Huế ở đây cho biết: “Những đợt mưa trước không bao giờ bị ngập nhưng giờ nước đã gần lên tới phòng, chỉ còn khoảng 3cm nữa là tràn vô phòng. Các bạn em cùng trường ở trọ các đường thấp hơn như Bà Triệu, Phan Đình Phùng, Phan Chu Trinh đã bị ngập nước vào phòng. Tụi em sợ một trận lũ như lũ lịch sử năm 1999 tại Huế...”.
Ở đường Hoàng Quốc Việt (TP Huế) nước đã làm nhiều đoạn đường đi vào các hẻm trọ ngập đến 1,5m, có nơi gần 2m. Nước tràn vào phòng, sắp ngập giường ngủ nên nhiều người phải dọn đồ đạc lên gác gỗ phía trên và dời chỗ ngủ lên ngay trong đêm. Được biết đoạn sông gần đó chưa tràn bờ nhưng do mưa quá lớn, hệ thống thoát nước kém đã gây ra “lũ cục bộ”
Hiện 2 thủy điện tại Huế vẫn tiếp tục xả lũ vì nước đã quá ngưỡng tràn: thủy điện Hương Điền xả về hạ du 2.266m3/s (lưu lượng đến hồ là 2.276m3/s); thủy điện Bình Điền xả 1.093m3/s (lưu lượng đến hồ 1.097m3/s). Toàn bộ các hồ chứa nước lớn đã qua tràn từ 0,9-2,3m.
Trong hơn 1 ngày rưỡi từ 1h sáng 14/11 đến 16h chiều ngày 15/11, lượng mưa trút xuống Huế là rất lớn. Theo số liệu ghi nhận được, nhiều nhất là trạm Phú Ốc trên sông Bồ: 228mm; trạm Bình Thành ở sông Hữu Trạch: 207mm. Hai trạm ở huyện miền núi A Lưới và Nam Đông cũng rất cao với 194/185mm. Tiếp đến là trạm Phong Mỹ sông Ô Lâu và trạm Kim Long ở sông Hương với 177/165mm.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, ngày 16/11 vùng núi của Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục có mưa to đến rất to. Lũ trên các sông đạt báo động 2 và trên báo động 3.
Đoạn đường này bị tê liệt cũng đồng nghĩa với việc giao thông đi lại giữa 2 tỉnh Kon Tum- Quảng Ngãi cũng bị chia cắt hoàn toàn.