Lớp học của những đứa trẻ “ba không”

Không nhà, không hộ khẩu, không giấy khai sinh - đó là hoàn cảnh chung của hầu hết trẻ em ở lớp học tình thương do bà Lữ Thị Lệ Nương gầy dựng hơn mười năm nay dưới chân cầu Tân Thuận, quận 7, TPHCM.

 
Lớp học của những đứa trẻ “ba không” - 1
Đến thăm lớp học tình thương là công việc hàng ngày của bà Mười. Ảnh: Ngọc Bích

 

Năm 1999, lớp học bắt đầu nhen nhóm bên những gốc cây và vỉa hè quanh khu vực cầu Tân Thuận. Một lần đi chợ, bà Mười (tên thân mật của bà Nương) bắt gặp những đứa trẻ tóc vàng hoe, da đen nhẻm cắm cúi bên hè đường nắn nót tập viết, tập đánh vần cùng các tình nguyện viên giúp đỡ trẻ đường phố. Thương lũ trẻ, bà đứng ra lo chỗ học, tìm giáo viên và gom bọn trẻ vào dạy chữ.

 

Nhặt chữ bên vỉa hè

 

Lớp học đầu tiên, bà Mười phải đi mượn chỗ của người quen, thế nhưng chẳng nơi nào lớp học có thể trụ lại được lâu vì trẻ lang thang vốn hiếu động và quậy phá, không nơi nào chịu thấu nên năm lần bảy lượt phải dời chỗ.

 

Không thể để mất lớp học, bà Mười đánh liều, trình bày với uỷ ban phường và được trung tâm học tập cộng đồng phường Tân Thuận Tây nhường cho hai phòng học.

 

Ngày dọn về chỗ học mới, nhìn lũ trẻ nghèo háo hức quây quần bên bà Mười, cứ ngỡ như ngày tết ở gia đình đông con cháu. Cảm phục tấm lòng nhân hậu của bà, nhiều thầy cô dù cuộc sống vật chất còn nhiều khó khăn nhưng vẫn tình nguyện chung vai để duy trì lớp học tình thương này, dù trợ cấp hàng tháng chỉ vài trăm ngàn do một số người hảo tâm đóng góp.

 

Hiện tại, lớp có khoảng 30 em theo học từ lớp một đến lớp năm. Hầu hết trẻ theo học ở đây đều phải tự mưu sinh, kiếm tiền để phụ giúp gia đình nên giờ giấc học tập không thể cố định được, sĩ số lớp học và cả cấp lớp học cũng vì thế mà dao động.

 

Trong số thầy cô từng tham gia lớp học, người có thâm niên nhất là thầy giáo Đào Duy Tuấn Tú. Trước đây, thầy Tú là giáo viên trường công ở quận 4, vì hoàn cảnh gia đình thầy tạm ngưng dạy; nhưng nghiệp “đưa đò” khiến thầy luôn nhớ bục giảng và học trò, rồi cơ duyên đưa thầy gặp bà Mười và lớp học nghèo này. Hơn năm năm bám trụ lớp học tình thương, thầy Tú âm thầm góp nhặt từng con chữ cho bọn trẻ và tận tuỵ như người cha ân cần mà nghiêm khắc.

 

Không chỉ có các thầy cô giáo, nhiều sinh viên cũng tìm đến lớp học của bà Mười để chia sẻ kiến thức với lũ trẻ xóm nghèo, và đó cũng là cách để các bạn đón nhận niềm hạnh phúc của người trao tặng niềm vui.

 

Người “đưa đò” thầm lặng

 

Dù không là người trong ngành, chưa từng đứng trên bục giảng, hơn mười năm nay bà Mười chẳng ngại khó khăn và bỏ ngoài tai những lời gièm pha “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, bà đã tốn không ít công sức gây dựng và duy trì lớp học tình thương này.

 

Người dân lao động sống quanh khu vực chân cầu Tân Thuận đã quá quen thuộc với cảnh bà lão tuổi thất thập, hàng ngày đạp xe cọc cạch đến từng con hẻm, từng chiếc ghe mục nát để vận động trẻ đến trường.

 

Hơn mười năm, bao nhiêu đứa trẻ từng theo học ở đây, bà Mười đều nhớ hết. Đứa nào mồ côi cha, đứa nào không còn mẹ, đứa sống bên vỉa hè bằng nghề đánh giày, bán vé số…, mỗi đứa một hoàn cảnh, một tâm tính, đều được bà nhớ rõ như con cháu ruột thịt của mình. Bà còn đứng ra lo giấy tờ, thủ tục để may ra có em học giỏi có cơ hội vào trường công hay trung tâm dạy nghề.

 

Ngày ngày bà Mười vẫn đều đặn ghé thăm lớp để xem có đứa nào bỏ lớp, đứa nào đau ốm hay có chuyện gì bất trắc. Hơn mười năm thầm lặng “đưa đò”, bà đã giúp hàng ngàn trẻ em nghèo biết đọc biết viết, trong số đó, có em hiện đang học lớp 11 tại một trung tâm giáo dục thường xuyên của quận. Với bà, như vậy đã là hạnh phúc lớn, bởi bà chỉ mong giúp trẻ em xóm nghèo nhặt từng con chữ để chúng có thêm điều hay lẽ phải mà sống vững vàng và làm người lương thiện.

 

Theo Ngọc Bích

 Sài Gòn tiếp thị