Lòng sông Tiền, sông Hậu bị "đào" sâu 1-1,8m vì hút cát quá mức
(Dân trí) - Khảo sát khu vực sạt lở ở Đồng Tháp, đoàn công tác Bộ NN&PTNT cảnh báo tình trạng khai thác cát quá mức ở ĐBSCL. Chỉ trong giai đoạn 1998 – 2008, lòng sông Tiền, sông Hậu đã bị hạ thấp từ 1 - 1,8m. Đây là một trong những nguyên nhân gây sạt lở…
Sáng 11/5, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, do ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi làm trưởng đoàn, phối hợp với lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp, tiến hành khảo sát thực tế và có buổi làm việc về tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh này.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Tháp, thời gian gần đây tình hình sạt lở xảy ra liên tiếp tại 45 xã, phường, thị trấn và thành phố. Đặc biệt, là từ đầu tháng 4 – 2017 đến nay, trên địa bàn ấp Hòa Bình (xã Bình Thành, huyện Thanh Bình) đã xảy ra 4 điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng với tổng chiều dài sạt lở 210m, diện tích sạt lở 3.250 m2, chỉ còn cách Quốc lộ 30 khoảng 15m - 25m.
Qua số liệu khảo sát, độ sâu bờ trái đoạn sông Tiền khu vực sạt lở cách bờ 10m có cao trình đáy sông từ -9,1m đến -12,3m. Khu vực này, xuất hiện 1 hố xoáy, tâm cách bờ 80m có cao trình từ -35m đến -36m (đo vào sáng nay (11-5) là 36,8m). Thống kê tại khu vực sạt lở tại chợ Bình Thành (xã Bình Thành) có 6 hộ dân đã tự di dời đến nơi an toàn, còn lại 30 hộ dân, 1 nhà kho, 1 trụ sở Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Hòa, 1 đài nước cần tiếp tục di dời. Tổng cộng, UBND tỉnh Đồng Tháp đã 2 lần công bố khẩn cấp về tình hình sạt lở, với tổng chiều dài sạt lở là 600m.
Riêng về nguyên nhân sạt lở được cho là do mặt cắt ngang sông Tiền thu hẹp dần và uốn cong về phía xã Bình Thành, khiến chủ lưu dòng chảy ép sát, đâm thẳng vào bờ, kết hợp nền đất yếu gây sạt lở. Trong thời gian tới, tình hình sạt lở vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt trong mùa mưa lũ và có xu hướng kéo dần xuống hạ lưu.
Ông Đỗ Hoài Nam – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công trình biển (Viện Kỹ thuật Biển) cho biết: “Khai thác cát quá mức đang diễn ra trên sông Cửu Long, chỉ trong giai đoạn 1998 – 2008, lòng sông Tiền đã bị hạ thấp từ 1m đến 1,8m, còn trên sông Hậu lòng dẫn bị hạ thấp từ 1,33m đến 1,46m. Cát đáy hàng năm đọng lại trên sông Mekong từ Kratie trở ra biển chỉ khoảng 12 triệu m3. Lượng cát khai thác hàng năm trên sông Cửu Long là 28 triệu m3. Đây là một con số quá lớn, cần phải có sự quan tâm, xem xét kỹ vấn đề này”.
Tại buổi họp, ông Nguyễn Thanh Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và các Bộ, ngành Trung ương: Để đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực sạt lở và bảo vệ Quốc lộ 30 – tuyến giao thông huyết mạch từ TP Cao Lãnh đi Campuchia. Đề nghị xem xét hỗ trợ tỉnh Đồng Tháp 82,56 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu Quốc gia để địa phương đẩy nhanh tiến độ di dời các hộ dân vùng sạt lở, vùng ngập sâu, vùng biên giới.
Song song đó, cho triển khai Chương trình xây dựng Cụm tuyến dân cư và nhà ở giai đoạn 2016 – 2020 chủ yếu phục vụ di dân vùng sạt lở bờ sông. Đồng thời, có cơ chế kéo dài thời gian trả nợ, không tính lãi phạt đối với khoản nợ quá hạn của chương trình; Cho phép kéo dài Dự án kè chống xói lở bờ sông Tiền khu vực chợ Bình Thành (huyện Thanh Bình) thêm 2.300m về phía hạ lưu; Đặc biệt, xây dựng phương án đảm bảo an toàn Quốc lộ 30, trước nguy cơ sạt lở; Bên cạnh đó, tiến hành nghiên cứu đánh giá lòng sông Tiền đoạn giữa huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) và huyện Thanh Bình để có giải pháp hạn chế sạt lở và bảo vệ dân cư, Quốc lộ 30.
Ngoài ra, Đồng Tháp còn kiến nghị Trung ương hỗ trợ nguồn vốn 244 tỷ đồng xử lý khẩn cấp tình trạng sạt lở bờ sông Tiền tại xã Bình Thành, huyện Thanh Bình.
Theo đó, nguồn vốn trên triển khai cho 2 giai đoạn gồm xử lý khẩn cấp chống sạt lở với chiều dài 600m đoạn từ mương Cả Lách - chợ Bình Thành - cầu Phong Mỹ; giai đoạn 2 tiếp tục xử lý chống sạt lở đoạn từ chân kè Bình Thành đến vàm Phong Mỹ chiều dài 1.700m.
Ông Trần Quang Hoài - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Trưởng Đoàn liên ngành kiểm tra công tác sạt lở của Trung ương đánh giá cao những nổ lực của tỉnh Đồng Tháp trong chủ động thực hiện các biện pháp di dời dân, thi công công trình để hạn chế tình trạng sạt lở. Đồng thời, ghi nhận những kiến nghị của tỉnh Đồng Tháp, lưu ý tỉnh trong thời gian tới cần tăng cường công tác quan trắc, dự báo tình hình và cảnh báo cho hộ dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở. Ngoài ra, nhắc nhở địa phương cần đẩy nhanh tiến độ và giảm sát chất lượng các công trình xử lý, phòng chống sạt lở; hạn chế bố trí các công trình hạ tầng, khu dân cư ở ven các bờ sông để tránh ảnh hưởng sạt lở đang diễn biến phức tạp.
Nguyễn Hành